Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

BOT Mỹ Lộc-Nam Định lại tăng phí: Doanh nghiệp ''lách'' chỉ đạo?

Cập nhật lúc 11:31
(Tin tức thời sự) - ''Doanh nghiệp chúng tôi chấp nhận việc kéo dài thời gian thu phí nhưng làm ơn đừng tăng phí nữa...''
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải tới báo Đất Việt, từ sáng ngày 8/1/2017 Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc–Nam Định đã bất ngờ tăng thu mức thu phí đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng với giá 35.000đ/lượt, tăng 15.000đ so với mức giá cũ được áp dụng từ ngày 8/6/2016.
Về việc tăng phí này, Công ty cổ phần Tasco (chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Nam Định, đoạn từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc theo hình thức BOT) cho biết, mức phí mới được thực hiện đúng theo lộ trình của Thông tư số 33/2016/TT-BTC, được áp dụng kể từ ngày 1/1/2017 trở đi.
 BOT My Loc-Nam Dinh lai tang phi: Doanh nghiep ''lach'' chi dao?
Trạm thu phí Mỹ Lộc
Lùi 1 bước tiến 2 bước
Việc tăng phí lần này của Tasco khiến không ít người dân và doanh nghiệp bất ngờ. Bởi lẽ trước đó, ngày 1/6/2016 trạm thu phí Mỹ Lộc cũng đã tăng giá vé, nhưng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, của Bộ GTVT và chấp hành Nghị quyết 35 của Chính phủ, trạm Mỹ Lộc-Nam Định đã quay về mức thu phí cũ từ ngày 8/6/2016.
Trao đổi với Đất Việt, anh Trần Hữu Thọ (38 tuổi, xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định) chia sẻ: "Do thường xuyên phải đi công tác ngoài tỉnh nên tôi rất hay đi qua trạm Mỹ Lộc. Mới hôm 8/1 thì bất ngờ phát hiện trạm này tăng phí từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng, như vậy là tăng gần gấp đôi.
Tôi đi quãng đường hơn 100 km mà phải qua 5 trạm thu phí, số tiền chi ra không hề nhỏ. Trước đó hồi 1/6 trạm Mỹ lộc có tăng phí từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng nhưng sau đó Bộ GTVT có chỉ đạo là dừng thu.
Đến bây giờ trạm này tiếp tục tăng và còn tăng thêm 5000 đồng so với mức tăng hồi tháng 6. Cuối cùng đâu lại vào đấy, không thay đổi được gì, người dân lại tiếp tục còng lưng gánh phí...''
Cũng trong tình trạng tương tự, anh H.V.T - Đại diện nhà xe Ngân Sơn (chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình) cho biết, ban đầu loại xe 46 chỗ chỉ phải đóng 1,3 triệu đồng thì tới đầu tháng 6/2016 đã phải trả thêm 200.000 đồng với mức 1,5 triệu/tháng, nhưng việc tăng phí lần đó được dừng lại.
''Tuy nhiên, với mức phí vừa tăng tại trạm Mỹ Lộc là 75.000 đồng/lượt, 2.250.000 đồng/tháng thì chúng tôi không chỉ phải trả thêm 200.000 mà là 900.000 đồng, đây là kiểu tận thu chứ không còn đoái hoài đến lợi ích doanh nghiệp nữa.'', anh T. bức xúc.
Theo anh T. việc tăng phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động cũng như chính hành khách đi trên tuyến đường này.
''Chúng tôi vừa phải trải qua một cú sốc lớn đó là chuyển bến từ Mỹ Đình ra bến xe Nước Ngầm, doanh nghiệp còn đang loay hoay tìm lối thoát, khắc phục khó khăn, gây dựng lại từ đầu thì đến lượt BOT tiếp tục tăng phí. Thực sự chúng tôi không biết phải làm thế nào, họa vô đơn chí.
Kể từ hôm chuyển bến đến bây giờ, khách đổ dồn về Giáp Bát, nhà xe luôn trong tình trạng lìu tìu vài khách, nhiều hôm chỉ có một vài người. Tiền xăng dầu cho xe còn không đủ chứ chưa nói đến trả phí cho 5 trạm BOT. Nhiều nhà xe đã đứng trước nguy cơ bị phá sản rồi'', anh T. chia sẻ.
Tăng phí thì dân chịu
Trao đổi với phóng viên, anh N.M.T - Đại diện nhà xe Tôn Thắng (Chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội) băn khoăn: ''Nhà xe hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn từ khi chuyển bến, lượng khách còn chưa kịp ổn định thì lại nhận được tin BOT Mỹ Lộc tăng phí.
Vẫn biết là việc thu phí là quy định của nhà nước, không thể tránh khỏi nhưng tăng phí liên tục, với mức tăng lớn như vậy thì thực sự làm khó doanh nghiệp. Doanh nghiệp chúng tôi chấp nhận việc kéo dài thời gian thu phí nhưng làm ơn đừng tăng phí nữa.
Mỗi lần tăng phí là doanh nghiệp lại phải điều chỉnh giá vé để có thể tồn tại được. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá cũng không hề đơn giản, phải trình phương án lên Bộ Tài chính xem xét, Bộ đồng ý thì mới được phép tăng. Chờ tới lúc đó chắc doanh nghiệp chúng tôi phá sản rồi.''
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông N.T.V - Quản lý nhà xe Hà Thì (Chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình) bày tỏ: ''Doanh nghiệp chúng tôi rất mong muốn Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các ban ngành chức năng lắng nghe, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Lắng nghe doanh nghiệp cũng chính là lắng nghe người dân, bởi lẽ nếu nhà xe điều chỉnh giá vé thì người dân chính là người phải gánh số chi phí đó chứ không phải ai khác. Nhiều người cứ nghĩ rằng kinh doanh vận tải thì lãi to lãi bé nhưng thực sự vào thời điểm này, chúng tôi đang thực sự khó khăn.''
(Theo ĐVO) Hoàng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét