Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Từ cách mạng công nghiệp đến thành phố thông minh

Cập nhật lúc 14:15   

 
TP.Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh B.D
Cuối năm 2016, hàng loạt những dự án về thành phố thông minh (smart city) tại Việt Nam đã được “ấn nút” khởi động. Đó là những địa danh quen thuộc: Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ. Đặc biệt là TPHCM với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước đang được kỳ vọng là thành phố thông minh, tạo ra những thay đổi cơ bản tại đây.
Từ internet vạn vật tới cuộc cách mạng công nghiệp lần 4

Các chuyên gia đánh giá một trong những thay đổi quan trọng nhất trong thời kỳ internet vạn vật (còn gọi với khái niệm Internet of Things) là cách mạng công nghiệp lần 4 (Industry 4.0). Industry 4.0 đang và sẽ tạo những tác động quan trọng vào nền kinh tế của tất cả các nước và trên toàn cầu.

“Thành phố thông minh” là một chuỗi trong quá trình Industry 4.0, về cơ bản, chính là cách thức ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống nơi đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhìn chung, để đánh giá thành phố thông minh sẽ phải dựa trên mức độ thông minh của cơ sở hạ tầng tác động lên các lĩnh vực giao thông, y tế, xây dựng, năng lượng, quản trị…

Theo chuyên gia phân tích Jack Gold của J.Gold Associates: Thành phố thông minh nghĩa là biến dữ liệu thu thập từ cảm biến thành hành động. Ông cho rằng, có thể định nghĩa thành phố thông minh là thành phố với cơ sở hạ tầng được quản lý tốt hơn, dựa trên dữ liệu đầu vào và điều chỉnh để tận dụng tốt nhất các nguồn tài nguyên hay nâng cao an ninh. Một ví dụ dễ hiểu về thành phố thông minh như dùng cảm biến để quản lý đèn đường, qua đó giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng. Mặt trái của TP thông minh chính là chi phí cực lớn. Đơn cử, thành phố Putrajaya của Malaysia tiêu tốn hơn 13 tỷ USD, thành phố Songdo của Hàn Quốc - 40 tỷ USD. Hơn thế nữa, đứng đằng sau những dự án này là các “đại gia” công nghệ thông tin nhằm cung cấp trọn gói sản phẩm của mình.

Làm gì để biến TPHCM thành một thành phố thông minh

Phần chính của Đề cương Đề án HCMC Smart City (2017-2020, tầm nhìn 2025) là phần Khung đô thị thông minh, với các vấn đề tổng quát lần lượt gồm: Chính quyền điện tử, Quy hoạch, Giao thông, Y tế và dịch vụ cho con người, An ninh công cộng, Nước và nước thải, Xây dựng, Môi trường (chất thải, không khí...), Năng lượng, Giáo dục đào tạo, Thanh toán và Tài chính, Nông nghiệp, Truyền thông…Theo phác thảo của VNPT, đơn vị chính được giao triển khai đề án trên cơ sở kết hợp với Microsoft là đơn vị đối tác khung, khi TPHCM trở thành “thành phố thông minh”, các dịch vụ công sẽ được thao tác trực tuyến đơn giản, sẽ có hệ thống camera kiểm soát giao thông thông minh, tự điều chỉnh để giúp điều phối, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó là các hệ thống bãi đậu xe thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải... thành phố thông minh còn phải là một thành phố an toàn với hệ thống camera giám sát phát hiện các tình huống khẩn cấp, phòng chống cướp giật, kết nối với xe cảnh sát.
 Từ cách mạng công nghiệp đến thành phố thông minh ảnh 1

Nhiều chuyên gia cho rằng, TPHCM cần vượt qua trở ngại lớn nhất là tính kết nối trong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Hơn chục năm qua, TP vẫn nhưng chưa kết nối được với các quận huyện, bộ ngành trung ương, hệ thống cơ sở dữ liệu còn manh mún. Vượt qua trở ngại đầu tiên này mới đến vấn đề cực kỳ quan trọng nữa là giao thông, tiếp đến là môi trường hay y tế, ngập nước, an ninh trật tự... Nếu bình tĩnh chọn đúng mô hình và lộ trình, tất sẽ có đường ra cho một kỳ vọng lớn về TP thông minh.
Về giáo dục, giải pháp được đưa ra là xây dựng các mô hình quản lý nhà trường, học sinh, hỗ trợ các thiết bị thông minh, giúp phụ huynh theo dõi con cái. Ở lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, có các giải pháp như quản lý bệnh viện, số hóa bệnh án, hỗ trợ thanh toán BHYT đến quản lý tệ nạn, vô gia cư, BHXH...

Nói về đề án xây dựng thành phố thông minh, đại diện Microsoft Việt Nam cho rằng, xây dựng TP thông minh, hiện đại phải được xây dựng trên nền tảng chuyển đổi sang kỹ thuật số nhưng phải đặt con người lên hàng đầu. Các giải pháp đưa ra là xây dựng thành phố hiện đại, an toàn hơn, xây dựng thành phố đào tạo, thành phố phát triển bền vững. Đặc biệt, trong lộ trình chính phủ điện tử, cần chú trọng việc công bố thông tin rộng rãi, trao đổi thông tin hai chiều.

Đồng thời, cần cung cấp dịch vụ công hiệu quả hơn và thúc đẩy quan hệ giữa người dân với chính quyền TP; kết nối mọi người và thông tin không biên giới - cho phép cộng tác trực tuyến từ xa và đặc biệt cho phép người dân tương tác với quan chức một cách đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng.

Nhưng cũng cần bình tĩnh chọn đúng mô hình

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, thành phố thông minh phải dựa vào các yếu tố: Lãnh đạo thông minh, dân thông minh, công nghệ thông minh, hạ tầng cơ sở thông minh và số tiền đầu tư cực lớn. Thực ra, nhiều nước trên thế giới từng làm mô hình này, song cũng đã bỏ cuộc. Cả nước Nhật làm thí điểm 4 thành phố thông minh, nay chỉ còn một, là thành phố Yokohama. Bản thân các nước Châu Âu, Mỹ lại không mặn mà với TP thông minh. Mà chính các nước Trung Đông, Trung Quốc và Việt Nam lại quyết tâm theo đuổi mô hình này.

Lý do vì sao các nước Châu Âu, cụ thể như Đức, lại không chọn mô hình “ thành phố thông minh”, một nhà quy hoạch đô thị người Đức phân tích: Bản thân TP thông minh có những điểm tiêu cực bên cạnh mặt tích cực. Ví dụ, người ta sử dụng công nghệ là có thể biết nơi nào nên đi, bảo tàng nào nên ghé, quán ăn nào ngon… thì không cần đến giao tiếp với người dân địa phương. Cả một thành phố thông minh sẽ không cần mọi người quen biết nhau, tất cả đã nhờ công nghệ, cũng như camera, rồi các loại cảm biến thông minh khác… Đức đang muốn xây dựng một mô hình khác - thành phố xã hội, nơi con người sống với nhau chan hòa, giản dị, ca hát và nhảy múa, phát triển âm nhạc truyền thống. Người ta bắt đầu thích sống gần với thiên nhiên, sợ nhà cao tầng, không cần thang máy, tiện nghi…, với mục đích giúp con người gần gũi với nhau hơn. Thành phố thông minh dựa trên công nghệ thông tin thì chỉ như là dựa trên một công cụ, không phải là mục đích nhắm đến. Và quan trọng nhất, là TP nào cũng cần người lãnh đạo có phương pháp, có tư duy và thông minh.

Vậy trước tiên, theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa: Nên triển khai những khu “ thành phố thông minh” thu nhỏ ở TPHCM, như khu công nghệ cao, khu đô thị Đại học quốc gia, Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn, khu Phần mềm Quang Trung… thành phố trên 10 triệu dân như TPHCM, nếu đầu tư thành thành phố thông minh thì sẽ rất tốn kém. TPHCM chỉ cần là thành phố sống được là đủ. Đó là cần cung cấp đủ nước sạch cho Củ Chi, giải quyết nạn rác tràn lan, giải quyết tình trạng ngập nước, điện chập chờn là đã mừng rồi.

Tương tự, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Tin học thành phố - cho rằng, đặc thù của TPHCM vẫn mang tính không đồng đều, phải chăng, nên có bước thí điểm những mô hình từ nhỏ đến lớn, trong một sở ngành, không nên làm một cái đồ sộ khi chưa chín muồi, sẽ có sự lãng phí . Đây cũng là cuộc cách mạng về cơ chế, pháp lý, có những cái hiện nay đang tồn tại sẽ không còn phù hợp khi đưa lên không gian mạng.
“Trước tiên, nên triển khai những khu “TP thông minh” thu nhỏ ở TPHCM, như khu công nghệ cao, khu đô thị Đại học quốc gia, Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn, khu Phần mềm Quang Trung…” - PGS-TS Nguyễn Minh Hò
(Theo Lao động) Nhật Lệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét