Đạm Ninh Bình lỗ ngàn tỷ: Quá nhân nhượng thầu Trung Quốc!
Cập nhật lúc 10:27
(Doanh nghiệp) - Việc
Việt Nam tiến hành nghiệm thu và thanh toán gần hết chi phí xây dựng cho nhà
thầu Trung Quốc khi dự án còn nhiều vấn đề là không phù hợp.
Nhà thầu Trung Quốc lách luật
Ban quản lý Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt
Nam - Vinachem, vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ
tướng Vương Đình Huệ về những tồn tại của hợp đồng EPC với nhà thầu HQC.
Theo Ban quản lý, hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu (HQC, Trung Quốc)
có hiệu lực từ 30/4/2008. Sau khi hoàn thành xây dựng, lắp đặt, chạy thử từng
hạng mục trong nhà máy, kết quả chưa hoàn toàn đạt yêu cầu về thông số trên
hợp đồng EPC song đến ngày 24/9/2012, HQC đã bàn giao quyền điều hành cho chủ
đầu tư Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Tháng 11/2013, khi công suất từng công đoạn lên 90% thiết kế và vận
hành chạy máy dài ngày, nhà thầu HQC đã đề nghị chủ đầu tư cho phép được khảo
nghiệm lần hai, kết quả là 5/46 thông số chưa đạt giá trị bảo đảm theo hợp
đồng EPC.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh,
Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện
Tài chính) cho rằng cần phải xem xét lại thận trọng việc Công ty TNHH
MTV Đạm Ninh Bình tiếp nhận quyền điều hành khi dự án chưa hoàn thành 100%
theo hợp đồng.
Theo PGS.TS Thịnh, về nguyên tắc, khi bàn giao các dự án đầu tư xây
dựng người ta thường chia ra làm các bước cụ thể. Thứ nhất là bàn giao các
hạng mục công trình đã hoàn thành. Thứ hai là bàn giao toàn bộ các dự án công
trình hoàn thành.
Trong trường hợp nhà thầu Trung Quốc hoàn thiện 1 số hạng mục và tiến
hành bàn giao thì phía Việt Nam sẽ phải kiểm tra. Nếu các công trình đảm bảo
chất lượng theo yêu cầu về mặt kỹ thuật, xây dựng, lắp đặt của các dự án thì
chúng ta nghiệm thu. Sau khi bàn giao dần dần từng phần như vậy thì cuối cùng
phía Việt Nam sẽ nhận bàn giao tổng thể dự án đã hoàn thành.
“Việc dự án còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành cũng như chưa đạt yêu
cầu theo hợp đồng EPC mà phía nhà thầu HQC đã giao quyền điều hành cho Công
ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là chưa hợp lý, không phù hợp với các quy định của
pháp luật. Còn phía Đạm Ninh Bình tiếp nhận bàn giao cũng không đúng",
ông Thịnh nêu quan điểm,
Phân tích thêm, vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, khi dự án chưa hoàn
thiện 100% mà phía Việt Nam đã tiếp nhận đồng nghĩa với việc đánh đổi rất mạo
hiểm. Nếu khai thác thì hiệu quả cũng không cao, công suất cũng không đạt
được mức quy định. Bằng chứng cụ thể nhất là nhà máy Đạm Ninh Bình sau hơn 4
năm đi vào hoạt động liên tục thua lỗ kéo dài. Tính đến thời điểm cuối năm
2016, tổng lỗ lũy kế đã lên tới hơn 3.300 tỷ đồng và vẫn có thể kéo dài
trong thời gian tới.
"Bản thân nhà thầu Trung Quốc là người lắp đặt thiết bị máy móc
chạy thử còn không được 100% công suất thì chúng ta nhận dự án làm gì? Liệu
có lợi ích nhóm gì ở đây không? Tôi thấy rất lạ”, PGS.TS Thịnh nêu quan
điểm.
Vì sao thanh toán gần hết?
Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến, đó là việc dù còn hàng
loạt vấn đề không thống nhất tại công trình này, song tính đến 20/12/2016,
chủ đầu tư Đạm Ninh Bình là Vinachem đã thanh toán cho HQC 463 triệu USD, số
tiền còn lại là 48,8 triệu USD.
PGS.TS Thịnh nhận định, khi tiến hành các hợp đồng EPC với phía nhà
thầu Trung Quốc thì đều có các quy định rõ ràng về thời gian thanh toán, chi
trả các hạng mục công trình. Nếu nhà thầu HQC đảm bảo đúng tiến độ trong hợp
đồng thì dù chúng ta có hoạt động kinh doanh thua lỗ vẫn phải thanh toán theo
đúng thời hạn.
“Những dự án này có vốn đầu tư rất lớn nên tùy theo từng dự án mà có
thể đầu tư theo phần việc hoặc đầu tư theo hạng mục. Khi đã nghiệm thu toàn
bộ công trình thì phía Việt Nam phải thanh toán toàn bộ dự án. Tất nhiên
chúng ta có giữ lại từ 10-15% gọi là chi phí đảm bảo chất lượng của dự án và
những phần liên quan đến khâu bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian đang còn bảo
hành của dự án.
Ở đây, vấn đề thanh toán phải dựa trên khối lượng thực tế hoàn thành
và chất lượng dự án. Như thông tin đã đưa, nhà thầu Trung Quốc chỉ hoàn thành
khoảng 90% so với yêu cầu, chưa đảm bảo các thông số trong hợp đồng mà phía
Việt Nam vẫn thanh toán thì phải xem xét.
Do dự án Đạm Ninh Bình có yếu tố nhà thầu quốc tế
cho nên việc trả nợ và thanh toán cho các dự án này chúng ta cũng phải lưu
tâm đến việc các dự án này phải được ký kết trong hiệp định giữa chính phủ
của 2 quốc gia và theo tiến độ hoàn thành dự án đã được các bên thống nhất
với nhau”, ông Thịnh lưu ý.
Một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là Việt Nam đang hoàn
toàn bị động trước nhà thầu Trung Quốc. Không chỉ dự án nhà máy Đạm Ninh Bình
mà thời gian qua nhiều công trình khác chúng ta đều gặp khó khăn trước nhà
thầu Trung Quốc.
“Các dự án phía Trung Quốc làm chủ thầu thường giá ban đầu rất rẻ. Sau
đó họ sẽ tìm cách kéo dài thời gian triển khai xây dựng để nâng dần giá trị
của nó lên. Phía Trung Quốc thường đưa ra các nguyên nhân khác nhau như giá
thành vật liệu, nhân công đắt lên từ đó kéo theo tình trạng đội vốn khó kiểm
soát.
Về mặt chất lượng thì các nhà thầu Trung Quốc chất lượng cũng không
cao, kỹ thuật cũng có giới hạn. Do công nghệ của Đạm Ninh Bình là của Trung
Quốc nên không thể đảm bảo yếu tố về kỹ thuật như các quốc gia EU từ đó giá
thành sản xuất sẽ bị đẩy lên cao, khó cạnh tranh được với các nước.
Ngoài ra, phía Trung Quốc thông thường chỉ nhận tổng thầu EPC rồi sau
đó bán lại thầu cho các đối tác khác. Họ bán như thế để được hưởng lợi và khi
đó nhà thầu mua lại phải tính toán làm sao dùng vật liệu rẻ nhất để vừa đảm
bảo được tiến độ thi công, chất lượng dự án vừa đảm bảo tiền vốn. Việc này
trở thành bài toán khó đối với các dự án nhà thầu Trung Quốc làm EPC”, ông
Thịnh phân tích.
Xử lý dứt điểm thua lỗ
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhắc đến những chỉ đạo gần đây của Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với các dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc trực thuộc
quản lý của Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam.
Đáng chú ý trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với các
Bộ, ngành liên quan chỉ đạo Tập đoàn nghiên cứu, so sánh các phương án dừng,
cổ phần hoá, liên doanh hay bán… các dự án này. Trên cơ sở đó, đề xuất phương
án tốt nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Với tình hình hiện tại của Đạm Ninh Bình cũng như nhiều công trình
ngàn tỷ đắp chiếu khác, ông Thịnh cho rằng phương án tốt nhất là cổ phần hóa
hoặc bán dự án.
“Chúng ta có thể chịu lỗ 1 chút còn hơn là hàng năm phải chịu những
khoản lỗ cao hơn. Đây là phương án khả thi nhất nhằm cắt dứt điểm thua lỗ và
tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Sau khi mua, các doanh nghiệp có
thể tiếp tục làm phân đạm hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, tùy theo nhu cầu
dự báo. Việc này cũng không quá ảnh hưởng vào thời gian này khi hiện nay nhu
cầu phân bón trên thị trường thế giới tương đối rộng mở”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, vị chuyên gia cho rằng Bộ Công Thương cũng như
các đơn vị khác phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, từ đánh giá thẩm định
đến triển khai các phương án hỗ trợ nhà máy Đạm thua lỗ ngàn tỷ.
“Trước hết phải xác định giá trị của dự án đó là bao nhiêu. Việc này
cần phải được tính toán 1 cách đầy đủ và cụ thể nhất. Trong trường hợp
này Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, bên ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ,
tính toán dầy đủ cả vốn và lãi.
Tiếp theo là định giá thực tế. Trong nhiều trường hợp, giá trị sổ sách
của các cơ quan, ban ngành đưa ra có sự chênh lệch với tính toán trên thực
tế. Chúng ta phải đối chiếu, so sánh lại rồi sau đó tiến hành đấu giá trên
thị trường.
Nếu doanh nghiệp nào quan tâm và đưa giá trị cao nhất thì sẽ tiến hành
chuyển giao quyền sở hữu. Tuy nhiên do đây là 1 số vốn rất lớn liên quan đến
nhiều Bộ, ngành nên việc này cũng cần phải có sự chỉ đạo cương quyết từ phía
Chính phủ”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng nhắc đến yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm những
người đứng đầu, kể cả những người tham mưu để xảy ra thua lỗ đối với các dự
án ngàn tỷ của ngành công thương.
Theo ông, chúng ta cần phải xem xét hết sức nghiêm túc và khách quan
chuyện kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả của doanh nghiệp.
“Chúng ta phải tự trách bản thân khi để xảy ra những vấn đề trên chứ
không nên đổ lỗi luôn cho phía Trung Quốc. Thứ nhất, trách
nhiệm của phía Việt Nam khi đưa ra phương án đầu tư thiếu hiệu quả. Thứ
hai trách nhiệm trong quá trình giám sát thực hiện đầu tư các dự
án chưa thật sát sao, để các nhà thầu Trung Quốc kéo dài thời gian, đẩy giá
công trình, dự án làm dự án đội giá.
Thứ ba, chúng
ta cũng chính là người làm ra các chính sách để rồi cuối cùng Đạm Ninh Bình
cũng như nhiều dự án khác được nhận những ưu đãi vô lý. Nếu Việt Nam cương
quyết thì làm sao để xảy ra những lỗi như vậy vì chúng ta là người bỏ tiền
ra, là người thuê Trung Quốc làm”, ông Thịnh nêu quan điểm.
(Theo
Đất Việt) Hoàng
Hà
|
Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét