Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

 Hi vọng văn minh Thủ đô

Cập nhật lúc 08:33

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Có ý kiến cho rằng nhiều người đã nhầm, đồng nhất Tràng An với Hà Nội. Câu cao dao trên là nói người Tràng An xứ Ninh Bình xưa, nơi cố đô từ thời Đinh, Lý chứ đâu phải Hà Nội? Tôi lại nghĩ, có lẽ nét đẹp của người Tràng An đã theo cùng vương triều Lý về định đô nơi xứ Thăng Long. Sử cũ viết, khi dời đô về Đông Đô, ngoài bầu đoàn thê tử của quan nhân vương triều còn có một bộ phận người dân Hoa Lư theo ra định cư ở vùng tân Kinh đô này. Người dân bản địa Đại La vốn có cả nghìn năm văn hiến, nếp sống thanh tao đã chê người xứ Hoa Lư, Trường Yên quê mùa, thô kệch làm chạnh lòng dân cố đô. Họ đã nhắc nhủ nhau xây dựng nếp sống mới trên nền tảng nét đẹp quê hương và hòa nhập tinh hoa văn hóa đất Long Thành, tạo nên vẻ đẹp mới của cộng đồng "ngụ cư", để khẳng định dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Nét đẹp, hào hoa, thanh lịch của người dân đất cố đô Hoa Lư có lẽ đã được “phù sa văn hóa” sông Hồng bồi đắp, bén rễ, đơm hoa kết trái suốt hàng nghìn năm lịch sử đến nay.
Chiều sâu văn hiến không phô trương đã tạo nên nét đẹp riêng của người dân đất Hà thành. Nét đẹp ấy không ở đâu xa, nó gần gũi, phảng phất từ hương trà sen Hồ Tây, thấp thoáng thanh tao bên tà áo dài thiếu nữ, nó mộc mạc trên nét tranh phố cổ của những họa sĩ tài danh và đậm đà hương vị trong mỗi món ngon dân giã còn đọng mãi với khách phương xa… Và quan trọng hơn cả là nét đẹp văn hóa Hà thành đã và đang tồn tại trong từng con người Hà Nội hồn hậu, tài hoa.
Vùng đất Hà Nội vốn có bề dày thời gian, nay rộng mở về không gian, hội đủ tầng lớp người từ mọi miền về học tập, công tác, mưu sinh. Cái hay, sự đa dạng, phong phú về văn hóa, nếp sống nhiều vùng miền cũng ùa theo làm cho văn hóa Thủ đô thêm đa sắc màu. Tuy nhiên cái cổ hủ, lạc hậu cũng theo về, ngấm dần vào nếp sống, suy nghĩ và hành động của nhiều cư dân. Văn hiến Hà thành, nét đẹp Tràng An đứng trước nguy cơ phai nhạt, có thể đến một lúc nào đó nó chỉ còn là những câu chuyện thi vị, lãng mạn, xa xăm…
Nhận ra điều này, Hà Nội đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động, tuyên truyền nhằm xây dựng một Thủ đô xứng tầm với quá khứ thanh lịch, hào hùng, một thành phố vì hòa bình. Liên tiếp các năm 2014, 2015 và 2016 đã được Hà Nội xác định là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Những gương mặt công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh hằng năm là sự minh chứng cho thành quả xây dựng con người của Thủ đô vẫn đang đơm hoa, kết trái.
Người Hà Nội luôn tự hào với quá khứ hào hùng và nét đẹp truyền thống nhưng cũng ngày một lo ngại cho thực tại văn hóa và đạo đức cộng đồng. Văn minh giao tiếp nơi công sở, nơi giao thông công cộng, quan hệ cư xử nơi xóm phố… ở đâu cũng thấy chuyện làm rầu lòng người yêu mến đất kinh kì. Gần đây liên tiếp xảy ra những chuyện thiếu văn minh nơi công cộng chẳng những làm buồn lòng người Hà Nội mà còn gây bức xúc dư luận chung. Đáng buồn hơn trong số đó có một số công chức - những người lẽ ra phải là những mẫu mực, làm gương trong Nhân dân.
Một tin là đầu năm 2017 này Hà Nội sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử theo đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội”. Được biết, dự thảo đề án này đã nhiều năm nằm trên bàn nghị sự của lãnh đạo thành phố mà vẫn chưa thể bước vào cuộc sống. Bộ quy tắc có thời gian "thai nghén" không ít song khi được ban hành sẽ khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, sáng kiến nào cũng cần được thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm. Hi vọng Hà Nội sẽ có bước đột phá, tạo được chuyển biến mới trong chặng đường xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại. Bởi có thuận lợi lớn là mọi người dân đều mong muốn Hà Nội gìn giữ và nhân lên nét đẹp thanh lịch hào hoa của người Tràng an, Thăng Long nghìn năm lịch sử.

(Theo dongquanho.blogspot.com)  Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi số Tất niên  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét