Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội: Đội giá 300%

Cập nhật lúc 09:16

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (BQL) đôn đốc Cty Systra (Pháp) - đơn vị tư vấn, cập nhật tiến độ, kế hoạch tài chính cho dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Theo tìm hiểu của PV, dù gói thầu số 3 dự án này do đơn vị tư vấn Cty Systra lập không đúng với nhiệm vụ được phê duyệt ban đầu nhưng BQL vẫn phê duyệt và tăng thêm 300% kinh phí.

Dự án đường sắt trên cao đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: N.M 
Dự án đường sắt trên cao đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: N.M

Yêu cầu rà soát tiến độ, tài chính
Gói thầu thiết kế kỹ thuật (TKKT) Dự án Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội được giao cho Cty Systra thực hiện. Để triển khai nhiệm vụ TKKT, Systra đã trình và được BQL phê duyệt nhiệm vụ TKKT tại Quyết định số 14 ngày 12/2/2010 với yêu cầu: TKKT phải hoàn thành sau 12 tháng. TKKT phải phù hợp với thiết kế cơ sở đã phê duyệt, đảm bảo thực hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, là căn cứ để triển khai bước Thiết kế bản vẽ thi công. Tuy nhiên, tới tháng 11/2012, Cty Systra mới đưa ra được báo cáo cuối cùng TKKT gói thầu số 3 về hầm và các ga ngầm.
Tháng 12/2012, Tư vấn thẩm tra là Cty Senner (Tây Ban Nha) công bố kết quả thẩm tra hồ sơ TKKT số 3: “Hồ sơ TKKT của gói thầu số 3 do Tư vấn Systra lập gồm 2 phần chính khác nhau: Các ga ngầm như TKKT và phần hầm thiết kế xây dựng”. Như vậy, Tư vấn thẩm tra Sener khẳng định TKKT do Cty Systra lập chưa đáp ứng một TKKT hoàn chỉnh, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của TKKT cho dự án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, thay vì yêu cầu Systra làm lại TKKT theo đúng nhiệm vụ đã được phê duyệt, BQL lại gấp rút tổ chức thẩm định và phê duyệt TKKT của gói thầu số 3 chỉ trong… 1 ngày. Cụ thể, ngày 17/12/2012, BQL dự án 1 có tờ trình số 121B, đề nghị thẩm định và phê duyệt TKKT gói thầu số 3. Cùng ngày, phòng kỹ thuật có báo cáo số 71 về kết quả thẩm định và đề nghị BQL phê duyệt TKKT công trình hầm và ga ngầm. Ngay sau đó 1 ngày, BQL ban hành Quyết định số 159 phê duyệt TKKT công trình hầm và các ga ngầm theo tư vấn của Cty Systra.
Do TKKT không đạt yêu cầu và không thể chuyển sang bước Thiết kế bản vẽ thi công nên dự án tuyến Đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Hà Nội đã làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và tăng chi phí. Theo đó, dự án được khởi công từ tháng 9/2010 nhưng đến nay tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội với chiều dài 12,5km vẫn chưa ra hình hài.
Quyết định số 4461 ngày 24/7/2013 của UBND TP Hà Nội nêu rõ: Phải rà soát lại nhiệm vụ của Cty Systra theo Hợp đồng tư vấn thực hiện dự án đã ký để giảm trừ khối lượng công việc thiết kế, đảm bảo tránh trùng lặp với nhiệm vụ thiết kế của các nhà thầu theo nội dung kế hoạch đấu thầu điều chỉnh được phê duyệt tại điều 1 của quyết định. Tuy nhiên, ngày 12/3/2014, BQL đã ký hợp đồng trọn gói với Cty Systra không giảm trừ do khối lượng TKKT, ngược lại còn đồng ý bổ sung 6.652.428 Euro (khoảng 190 tỷ đồng) cho nhà thầu này, khiến chi phí tăng từ 3.287.504 Euro lên 9.939.932 Euro, tương đương 300% so với hợp đồng ban đầu.
Xóa cũ - lập mới dự toán
Không những thế, ngày 21/3/2014, BQL và Cty Systra ký phụ lục hợp đồng trọn gói số 02PL. Theo đó, nhiệm vụ của tư vấn được giảm đi nhưng kinh phí của hợp đồng trọn gói lại được điều chỉnh tăng thêm 6,5 triệu Euro.
Báo cáo với UBND TP Hà Nội về một số vấn đề liên quan tới hợp đồng trọn gói này, ông Nguyễn Quang Mạnh - Trưởng BQL Đường sắt đô thị Hà Nội- cho biết: “Việc xác định kinh phí bổ sung để lập phụ lục hợp đồng trọn gói với Cty Systra đã căn cứ theo số người, tháng lao động thực tế đã huy động”. Như vậy, nhân sự ở đây bao gồm cả nhân sự Việt Nam và nhân sự nước ngoài, có thời gian làm việc ở cả Cộng hoà Pháp và Việt Nam. Trong khi hợp đồng giữa BQL với Cty Systra vốn là hợp đồng theo hình thức trọn gói, nghĩa là “khoán gọn”, nay lại được thanh toán theo hình thức thời gian, kể cả chi phí cho nhân sự làm việc tại Pháp…
Ngày 25/4/2014, tại Văn bản số 2507, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có ý kiến: “Việc gia hạn đã dẫn tới tăng chi phí dành cho tư vấn lên tới 27,37 triệu Euro (trong đó cho hợp đồng thời gian là 20,8 triệu Euro và hợp đồng trọn gói là 6,5 triệu Euro) là thiệt hại không nhỏ về mặt tài chính cho phía Việt Nam, dẫn tới tăng tổng mức đầu tư của dự án”.
(Theo Tiền phong) Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét