Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Một bộ phim xuyên tạc lịch sử
 Cập nhật lúc 08:23

LTS - "Bộ phim được đề cử giải Ô-xca mà chỉ ca ngợi những người Mỹ và không hề đề cập tới việc hỏa lực Mỹ đã tàn phá Việt Nam một cách khủng khiếp", đó là lời giới thiệu bài viết đăng ngày 23-2-2015 của TS Ních Tớt (Mỹ), đề cập bộ phim Những ngày cuối ở Việt Nam của R.Ken-nơ-đi. Ðể bạn đọc có cái nhìn khách quan về bộ phim, chúng tôi lược dịch nội dung chủ yếu từ bài viết của TS Ních Tớt.
Những ngày cuối ở Việt Nam (Last Days in Vietnam) - phim tài liệu của R.Ken-nơ-đi được đề cử giải Ô-xca mở đầu bằng cảnh quay một người đàn ông Mỹ ngước mắt lên, cố giữ vẻ điềm tĩnh rồi nghẹn ngào: "Ðó là các vấn đề liên quan tới đạo đức nhưng vô cùng khó xử và tồi tệ". "Tồi tệ", đó là từ ngữ hoàn hảo để mô tả cuộc chiến mà hậu quả là gần bốn triệu người chết vì sự tàn bạo của chiến tranh, trong đó có khoảng hai triệu thường dân vô tội, hầu hết là người miền nam, 11 triệu người không còn nhà cửa. Nhưng các cựu sĩ quan quân đội Mỹ như Hê-rinh-tơn không hề đề cập vấn đề này. Còn "khó xử" thì chỉ là chuyện một đại tá quân đội Sài Gòn đào ngũ, bỏ lại binh lính để đưa gia đình tới Mỹ. Ðó chắc chắn là một quyết định đau khổ, nhưng không thấm vào đâu so với nỗi đau, cùng những mất mát to lớn mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng. Phần còn lại của bộ phim chủ yếu mô tả khung cảnh lộn xộn, hỗn loạn của Sài Gòn với những việc làm "anh hùng" của người Mỹ để đưa bạn bè nam Việt Nam của họ ra nước ngoài bằng máy bay, tàu thủy, cuối cùng là leo lên trực thăng, khi lực lượng của Bắc Việt tiến gần về Sài Gòn - "thủ đô của chính quyền Sài Gòn".
Bộ phim chỉ dành mối quan tâm cho các hoàn cảnh cá biệt khi cuộc chiến tới hồi kết, đồng thời bới lại các tin "vịt" đã khiến mọi người mệt mỏi, cũng như xuyên tạc lịch sử theo đủ mọi cách từ nhỏ tới lớn. Làm như vậy, phim tạo ra câu chuyện bịa đặt kinh điển của người Mỹ về lòng tốt của họ khi đã "cứu" những người Việt Nam thoát khỏi cảnh tắm máu mà những người cộng sản có thể gây ra (Chẳng bao giờ có chuyện đó đâu, xin lưu ý với các bạn, người xem nên nhận thức được rằng, nếu những người Việt Nam kia rơi vào cảnh tù tội thì chỉ vì một lý do đơn giản là họ từng dựa vào sự hậu thuẫn của người Mỹ để cầm tù, tra tấn, lạm dụng và giết chết đồng bào mình). Thí dụ, Những ngày cuối ở Việt Nam cho rằng khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền nam Việt Nam sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, Bắc Việt chỉ đơn giản chờ thời cơ là bê bối Oa-tơ-ghết làm tê liệt Oa-sinh-tơn, và nam Việt Nam thì được miêu tả là kẻ thụ động chịu trận. Thậm chí có một bản đồ đầy mầu đỏ lan rộng chỉ tiến độ "xâm lược" của những người cộng sản, không khác gì tiến độ leo thang của cộng sản trong các biểu đồ ở thời kỳ chiến tranh lạnh! Bộ phim chẳng hề căn cứ trên sự thật về việc sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết đã lập tức bị vi phạm, và cũng không phản ánh bất kỳ lợi ích thực tế đã diễn ra nhờ giải pháp chính trị nêu trên.
Lịch sử biến dạng được trình bày trong bộ phim chỉ nhằm biện hộ cho các hiệp định và chính sách thất bại của những nhà lãnh đạo vô lương tâm ở Mỹ mà rõ nhất là Kít-xinh-gơ - thư ký của Tổng thống Pho, cố vấn an ninh quốc gia ở thời điểm chế độ Sài Gòn sụp đổ. Kít-xinh-gơ được gián tiếp biện hộ qua các cuộc phỏng vấn trong phim; trong số này có Xníp - cựu chuyên gia phân tích của CIA, A-mi-tết - cựu cố vấn Ủy ban đặc biệt, về sau làm việc tại Bộ ngoại giao của chính quyền Bu-sơ, đến Hê-ring-tơn. Họ đều đặt niềm tin nhỏ nhoi vào chính quyền Sài Gòn, và một nửa trong số họ là cựu chiến binh. Kít-xing-gơ người đứng sau bức màn chỉ đạo các phi vụ ném bom tàn sát tại Cam-pu-chia và tư vấn cho R.Ních-xơn từ chức, đã tạo ra một trang sử để ngợi ca sự tốt đẹp của chủ cũ: "Ông ấy chỉ có hai mối bận tâm lớn. Ðầu tiên là cứu giúp nhiều người nhất mà chúng ta có thể. Ông lo lắng cho những người liên quan, v.v...". Ðó là những gì Kít-xing-gơ nói về Pho. Vâng, đó là Pho xin lưu ý các bạn, một nghị sĩ đã xúi giục chính quyền Jôn-sơn tăng cường ném bom. Pho cũng là người đã cổ vũ chính quyền Ních-sơn leo thang chiến tranh; vẫn là Pho đã sử dụng vụ thảm sát Mỹ Lai với cái chết của 500 người vô tội để cáo buộc địch thủ, và đem lại lợi ích cho đảng của mình. Cũng chính Pho cố gắng chờ đến tháng 4-1975 khi miền nam Việt Nam gần như đã thất bại để xin ngân sách 722 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho chính quyền Sài Gòn. Ðể làm gì khi tỷ tỷ đô-la đổ ra một cách phí hoài, nhưng ông ta vẫn cố thực hiện một nỗ lực trống rỗng trong văn bản trình bày trước Quốc hội.
Tương tự trong phim, các công chức cấp thấp đã nói một cách hàm hồ mà chẳng hề bị chất vấn, họ cắt rời sự kiện ra khỏi bối cảnh để dựng lại lịch sử theo ý của mình. "Người dân miền nam có nhiều lý do để lo sợ cộng sản Bắc Việt. Người cộng sản đã tiến hành chiến tranh một cách tàn bạo, không hề tỏ ra khoan nhượng" và luận điệu vô vị đó xuyên suốt toàn bộ Những ngày cuối ở Việt Nam! Nhưng những "kẻ thù của nước Mỹ" không có vẻ gì tàn bạo, cũng không có dấu hiệu cho thấy họ đã tàn sát dân thường, ngược lại thì những người được bộ phim gọi là "thường dân của miền nam" mới chứng tỏ đã giết người hàng loạt và xứng đáng với cụm từ "tàn bạo và không hề biết nương tay".
Khi xem những đoạn phim phỏng vấn mệt mỏi và tẻ nhạt đã được cắt dán, tâm trí tôi cứ bị ám ảnh bởi Hồ Thị Vân và vô số người Việt Nam khác mà tôi đã phỏng vấn trong nhiều năm qua. Là một đứa trẻ, bà trú ẩn trong một vụ pháo kích vào thôn mình, thoát được khi lính thủy đánh bộ Mỹ hét lớn: "Phụ nữ và trẻ em bước lên hàng đầu". Khi đi gần tới con sông, bà nghe thấy tiếng súng. Hôm sau quay lại, bà chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng mãi in trong tâm trí. "Tôi nhìn thấy xác chết chất đống trong thôn. Tôi nhìn thấy thi thể mẹ và các anh chị em". Hồ Thị Vân đã nói với tôi nhiều thập kỷ sau đó. Gia đình bà mất tám thành viên trong vụ thảm sát năm 1968. Những người còn sống sót tại địa phương kể rằng, 37 người (trong đó có 21 trẻ em) đã bị lính thủy đánh bộ sát hại. Gia đình gần như không còn ai, Hồ Thị Vân tham gia du kích chống lại quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn đến khi bị thương nặng do mất một mắt trong một trận chiến năm 1973. Dù được cảnh báo có thể mất cả mắt còn lại, bà vẫn từ chối ra miền bắc chữa trị. "Tôi không muốn đi vì mẹ và anh chị em tôi đã bị giết ở đây. Nếu phải chết, tôi thà chết cùng họ", bà đã giải thích về quyết định của mình như thế. Sau khi hồi phục, bà tiếp tục chiến đấu, cho đến ngày 30-4-1975. Ðối với bà, đó không phải là ngày đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, mà đó là ngày giải phóng, một giấc mơ truyền qua các thế hệ, từ những bậc ông cha đã chống lại ách cai trị của người Pháp và chính quyền tay sai, sau này là Hoa Kỳ.
Hồ Thị Vân không phải người miền bắc, bà sinh ra và sống tại miền nam. Ðối với bà và hàng triệu người Việt Nam, thì quân đội Mỹ với những người như Hê-ring-tơn mới là lực lượng tàn bạo, không ghê tay trong cuộc chiến. Thật vậy, họ hoang phí hỏa lực của Mỹ không phải lên quân đội Bắc Việt, mà nhuộm đỏ máu các làng quê Việt Nam (không đề cập tới việc hủy hoại thảm thực vật xanh tươi của quốc gia này bằng chất độc da cam). Không có cái gì trong Những ngày cuối ở Việt Nam cung cấp sự thật đó. Nếu bạn nghĩ mọi thứ chỉ diễn ra bó gọn trong các con phố Sài Gòn như bộ phim tường thuật, bạn sẽ không biết được bao nhiêu phụ nữ đã tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại người Mỹ từ đầu chí cuối. Nhưng họ không được phỏng vấn, mà phim chỉ đề cập tới những người vợ Việt, bạn gái và tình nhân của người Mỹ.
Rất nhiều người Mỹ vẫn bận tâm tìm sự thật về cuộc chiến tranh đã diễn ra ở Việt Nam. Phía sau một lịch sử bị bẻ vụn và tách khỏi bối cảnh thực tế của nó vẫn còn những sai lầm chưa giải quyết, các hành động đáng xấu hổ nhưng đã không được tìm thấy trong phim Những ngày cuối ở Việt Nam. Dù sao đây cũng là một phim đáng xem cho những ai phản bội quốc gia mình trong tương lai, cho lính đánh thuê, cho các đồng minh bị cám dỗ bởi các đề án của Mỹ, cho những người đàn ông và đàn bà bị thu hút bởi hàng tỷ USD, vũ khí công nghệ cao, hay "lời hứa hẹn chân thành" như những gì Ních-xơn cam kết năm 1973 sẽ tái chiến với đầy đủ lực lượng của sức mạnh Mỹ...
Kết thúc bộ phim, Hê-ring-tơn một lần nữa tái xuất. "Không ai bị bỏ lại", ông ta kể đó là lời hứa cuối cùng của ông ta với hàng trăm người Việt Nam đang kẹt ở Ðại sứ quán vào ngày cuối cùng của cuộc di tản, có lẽ chỉ đúng với người giàu có, người nước ngoài, người có vũ khí. Nhưng một trong những người Việt Nam vẫn nhớ chính xác từng lời nói của ông ta: "Khi các bạn ở trong tòa Ðại sứ quán Mỹ, các bạn đã đứng trên đất Mỹ. Tôi thề tôi và đồng đội là những người cuối cùng rời khỏi đây". 420 người Việt Nam vẫn chờ đợi, và dù đã có một bức điện báo từ Oa-sinh-tơn yêu cầu chỉ cứu những người Mỹ cuối cùng, Hê-ring-tơn vẫn cố bảo đảm với họ rằng một máy bay trực thăng lớn đang đến đón. Sau đó lấy cớ đi vệ sinh, ông ta tới góc tối rồi lẻn vào Ðại sứ quán và lên máy bay, để lại phía sau những người ông ta vừa hứa hẹn. Ðó không chỉ là kết thúc hợp lý của cuộc chiến, hơn nữa là lời cảnh báo cho đồng minh hiện tại và tương lai của nước Mỹ. Và đó dường như là điều chân thật nhất vẫn còn đọng lại sau khi xem phim Những ngày cuối ở Việt Nam.
XIN nhắc lại những điều không thể hiện trong bộ phim này, vì thời điểm điên cuồng cuối cùng tại Ðại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn không phải là "những ngày cuối tại Việt Nam". Toàn bộ đất nước Việt Nam đã xích lại gần hơn mỗi ngày kể từ khi người Mỹ ra đi. Ðó cũng không phải là những ngày cuối cùng của người Mỹ tại Việt Nam. Hãy dạo bước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An là bạn có thể tin vào điều đó. Ðó cũng không phải là ngày cuối cùng của cuộc chiến. Sau 1975, mỗi năm, nhiều người Việt Nam vẫn chết và bị thương vì bom đạn của Mỹ còn găm lại trên mảnh đất này. Ðó là một cái kết rùng rợn chưa thể khép lại, dĩ nhiên có thể đã được chữa lành, nếu như người Mỹ quan tâm tới việc bảo vệ sinh mạng của người Việt Nam, giống như những "ngôi sao" trong phim kể lể về những việc họ đã làm. Sau hết là câu hỏi: Loại người nào lại có thể đang tâm ném hàng triệu tấn bom đạn xuống một đất nước bất chấp hậu quả là con cháu của dân tộc đó sẽ có những người tàn tật, thậm chí không còn mạng sống? Chỉ có những ai "tàn bạo không biết ghê tay" mới có thể làm như vậy. Nên nếu muốn, hãy làm một bộ phim nói về những điều cần thiết ấy.
(Bản lược dịch từ bài viết của Ních Tớt có nhan đề đầy đủ: How Rory Kennedy's 'Last Days in Vietnam' Distorts History - Bộ phim Những ngày cuối ở Việt Nam đã xuyên tạc lịch sử như thế nào, đăng trên http://www.thenation.com ngày 23-2-2015). Về tác giả: Ních Tớt nhận bằng Tiến sĩ tại Ðại học Cô-lôm-bi-a, hiện là nhà báo, nhà sử học, nhà bình luận có tác phẩm đăng trên nhiều báo lớn ở Mỹ. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn Giết mọi thứ di động: Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam (Kill Anything That Moves - The Real American War in Vietnam). Năm 2009, với loạt bài báo điều tra về các vụ thảm sát thường dân của quân đội Mỹ tại đồng bằng sông Cửu Long trong chiến dịch Speedy Express, Ních Tớt đã nhận Giải thưởng Ridenhour của Hiệp hội báo chí Quốc gia (giải thưởng đặt theo tên của cựu chiến binh R.Ri-đen-hau, người dành phần lớn cuộc đời để đấu tranh làm sáng tỏ những vụ thảm sát của lính Mỹ tại Việt Nam). Trong bài viết nhan đề Lễ cầu hồn của Mỹ Lai (A My Lai A Month), ông tố cáo Lầu năm góc đã mua chuộc các tạp chí lớn để che đậy thảm sát này. Cùng năm, với bài viết trên, ông nhận các giải thưởng James Aronson về nền báo chí của xã hội công bằng của Trường cao đẳng Hunter, giải thưởng Báo chí Quốc gia Molly danh dự. N.Tớt cũng là tác giả đã phơi bày vụ thảm sát năm 1970 của lính thủy đánh bộ Mỹ, và là đồng tác giả của một loạt phóng sự đăng trên tờ Thời báo Los Angeles về tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam...).
(Theo Nhân Dân) VIỆT QUANG LƯỢC DỊCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét