Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Khổ sao, sông ơi!

Cập nhật lúc 10:00

 

Năm 2013, dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã làm nóng từng trang báo. Thực hiện 2 dự án thủy điện này sẽ gây thiệt hại cho vườn quốc gia Cát Tiên, ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng dân cư tại đây. Cuối cùng, mặc dù 2 dự án này đã đưa vào quy hoạch nhưng Chính phủ vẫn quyết định loại ra khỏi quy hoạch.

Đến cuối tháng 10.2013, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về quy trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho phù hợp.
Đến nay chưa đầy 16 tháng, dự án lấn sông Đồng Nai tại khu vực TP.Biên Hòa lại làm công luận rất bức xúc. Một trong những cách thức lấy đất “dễ chịu” nhất mà các nhà đầu tư thường làm là xin giao đất có mặt nước để phát triển dự án nhà ở hay khu đô thị. “Dễ chịu” vì giải phóng mặt bằng đơn giản, do chủ yếu là “đất công”, và cũng vì giá đất thấp hơn các loại đất khác. Quan hệ tốt với chính quyền là có thể có đất để phát triển nhà ở, nhiều khi cũng chẳng cần tới ĐTM nữa. Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác cũng vì thế mà đã để mất đi khá nhiều không gian trữ nước khi mưa nhiều, lụt dài ngày cũng là tất yếu.
Về bản chất, dự án lấn sông Đồng Nai cũng là một giải pháp sử dụng đất mặt nước để phát triển hàng hóa bất động sản (BĐS). Chỉ có điều dự án này táo bạo hơn các dự án khác trước đây vì động đến cả một dòng sông lớn, một lưu vực sông lớn chi phối cả vùng đông Nam bộ. Cái được về phát triển hàng hóa BĐS là thấy rõ, nhưng cái chưa được về tác động của sự thay đổi dòng sông đến khu vực lại chưa được làm rõ. Ngày xưa, các cụ vẫn thường nói “thủy hỏa đạo tặc”, tác động vào một dòng sông không phải là “chuyện đùa”.
Bản thân hoạt động của dự án lấn sông này đã là một hành vi vi phạm khoản 5 điều 9 của luật Tài nguyên nước 2012, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm. Để chứng minh dự án này không gây sạt lở bờ sông, nhằm không vi phạm quy định trên, thì còn rất nhiều việc phải làm.
Trước hết, sông Đồng Nai không thể coi là một con sông đơn lẻ mà phải coi là một lưu vực sông chính của miền Đông Nam bộ, không chỉ tác động tới tỉnh Đồng Nai mà tác động tới cả lưu vực. Sông Đồng Nai còn gắn với nhiều công trình thủy lợi, thủy điện quan trọng, trong đó có hồ Trị An. Để có thể quyết định, cần phải xem xét tính phù hợp với quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai, cần có ý kiến của các cơ quan quản lý lưu vực sông Đồng Nai và ý kiến của các cộng đồng dân cư sinh sống trong lưu vực sông Đồng Nai. Tất cả những việc này đều chưa làm. Quyết định của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là không đủ hiệu lực.
Đoạn sông bị lấn lại là bên lở của đoạn sông gần ngã ba sông (đầu cù lao Phố). Có thể coi đây là khu vực nhạy cảm về dòng chảy, có thể có nhiều tác động tiêu cực bất thường trong tương lai. Lúc này, cần nhiều hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học chuyên ngành.
Báo cáo ĐTM của Viện Môi trường tài nguyên là một văn bản có quá nhiều khiếm khuyết, hạn chế. Các tính toán kỹ thuật có nhiều nghi vấn, phạm vi số liệu sử dụng quá thiếu, địa bàn đánh giá hẹp và không bảo đảm độ tin cậy. Mặc dù luật Môi trường 2014 đã có nhiều cải cách về ĐTM như Quốc hội đã chỉ ra, nhưng ĐTM của dự án này vẫn nguyên hình yếu kém.
Một lưu vực sông với sinh kế của hàng triệu con người, không thể “đểnh đoảng” mà đánh đổi lấy một dự án BĐS. Đấy là chưa kể, một lưu vực sông còn gắn với lịch sử, văn hóa, nhân văn, đa dạng sinh học của cả một vùng.
Sông Đồng Nai vẫn thao thiết chảy, đang oằn mình trong ô nhiễm, mặn hóa, vừa thoát khỏi nạn 6 và 6A, nay lại lâm vào cảnh bị xâm lấn. Sao khổ thế, Đồng Nai ơi!
(Theo Thanh niên) GS-TSKH Đặng Hùng Võ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét