Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Dân 'khóc' vì hóa đơn điện: Vặn ngược nhà đèn!

Cập nhật lúc 07:54    

(Doanh nghiệp) - Nếu đúng quy luật thị trường thì phải có cơ chế khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nhiều, đằng này càng dùng nhiều điện lại phải trả giá cao hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại đã phân tích vì sao người dân than trời khi trả tiền điện và cái lý của 'nhà đèn'.
Không chỉ tăng giá 7.5%
PV: - Tháng đầu tiên áp dụng giá điện mới, dư luận phản ứng vì tiền điện tăng cao, họ phải tiết kiệm chi tiêu. Trong khi đó, giải thích về vấn đề này, đại diện EVN Hà Nội cho rằng, do tháng vừa rồi nắng nóng cục bộ nên hóa đơn tiền điện mới tăng vọt như vậy. Ông có đồng tình với lý giải này không? Nếu như vậy thì trấn an giá điện tăng không ảnh hưởng nhiều tới người dân phải được nhìn nhận lại như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Điện tăng giá chắc chắn là ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trên thực tế việc tăng giá 7,5% chỉ là tính trung bình bởi vì giá điện vốn được tính lũy tiến. Tức là tiêu thụ dưới 100kW giá khác, 200 kW giá khác và 500 kW chắc chắn sẽ khác nữa.
Tức là điện tăng nhiều hay tăng ít phụ thuộc vào hộ đó sử dụng số lượng bao nhiêu. Nếu sử dụng số lượng điện càng cao thì chi phí sẽ càng tăng lên nhiều hơn.
Việc tăng giá không phải phân bổ đều cho các hộ mà sẽ phân bổ cao vào những hộ điện sử dụng có lượng điện lớn hàng tháng.
Vì vậy ai đó nói không ảnh hưởng đến đời sống người dân là vô lý. Con số 7,5% chỉ là tính để báo cáo với nhà nước còn thực thu sẽ rất là cao.

Công nhân EVN đi đọc chỉ số công tơ điện. Ảnh IE
Công nhân EVN đi đọc chỉ số công tơ điện. Ảnh IE

PV: - Có thể nhận thấy, trong mọi lần tăng giá, luôn có sự nhận định ngược nhau giữa phía quản lý và người dân. Trong khi người dân than phiền về gánh nặng giá cả thì cơ quan quản lý khẳng định “không ảnh hưởng nhiều” tới người dân. Phải hiểu sự lệch pha này như thế nào? Hay bởi tâm lý đám đông cứ thấy tăng giá là kêu?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Vấn đề ngược nhau giữa nhà quản lý và người dân cũng không bất ngờ vì xét cho cùng mỗi lần tăng giá là một lần người ta phải tính toán, cân đo chi tiêu của gia đình mình.
Thực ra phải đặt vấn đề  này cần đặt ra cho các bộ ngành quản lý, khi duyệt cứ nghe tăng trung bình 7,5% mà không quản lý bậc thang tăng giá.
Một vấn đề nhức nhối từ xưa đến nay ngành điện rất mù mờ về hạch toán kinh doanh. Họ báo lỗ thì biết lỗ mà cơ quan chức năng cũng không làm gì được chỉ biết hùa theo họ. Còn thực lỗ hay không lỗ như thế nào cũng chưa rõ ràng.
Thanh tra chưa đi sâu nhưng đã phát hiện biên chế thừa thãi, thu nhập cao, đầu tư ngoài ngành không hiệu quả là cơ sở cho việc giá điện tăng cao.
Ở các nước sản xuất 1.000kWh cần 1 lao động nhưng ở mình là mấy chục lao động để sản xuất 1kWh thì sao không chết.
Câu hỏi lớn
PV: - Đã có ý kiến của ngành điện cũng như giải thích của Bộ Công thương cho rằng nếu không tăng giá thì EVN sẽ phá sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong cơ cấu điện của Việt Nam, thủy điện - vốn là loại rẻ nhất vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội. Vậy xét trên bình diện chung thì sự than phiền của người dân về chuyện giá tăng đúng ở mức độ nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Phát biểu này rất vô trách nhiệm. Thứ nhất xưa nay đầu tư cho ngành điện là tiền của nhà nước và bản chất là tiền của dân chứ đâu phải tiền của ngành điện tích lũy được.
Còn chuyện phá sản hay không phá sản đâu phải do anh bỏ tiền ra. Chỉ có gần đây mới có chủ trương xã hội hóa, có tư nhân người ta đầu tư vào thủy điện nhưng họ đâu có phá sản, trong khi họ còn phải bán điện cho ngành điện còn thấp hơn giá mà ngành điện trả cho chính mình.
Cho nên đây là một câu hỏi rất lớn, cho thấy ngành điện hạch toán không rõ ràng. Vấn đề tiêu pha, chi phí vung vãi gây ra giá thành cao. Càng nói lỗ thấy lương càng cao thu nhập càng lớn, rất phi lý.
Cho nên việc than phiền của người dân là hoàn toàn có thể thông cảm được.
PV: Đã có những giải thích cho rằng EVN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng sự thiếu minh bạch của EVN luôn khiến người dân nghi ngại. Theo ông, EVN cần phải làm thế nào để lấy lại niềm tin của những “thượng đế” của họ?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Cần phải minh bạch, nhiệm vụ chính trị như thế nào mà thua lỗ, đầu tư chỗ nào. Một năm đầu tư bao nhiêu công trình do yêu cầu chính trị còn thu về bao nhiêu thì phải công khai.
Đừng để cả năm mới làm được công trình phục vụ dân nghèo, đảo xa mà cứ vin vào nhiệm vụ Nhà nước. Vấn đề ở đây nhà nước phải yêu cầu EVN chuyển nhanh sang thị trường, sang kinh doanh hạch toán rõ ràng công khai minh bạch, cho thị trường cạnh tranh chứ không thể mãi độc quyền
 Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện

Quản lý Nhà nước đang để một “lỗ hổng” cho ngành điện thao túng, đó là bậc thang giá điện. Họ nói tăng 7,5% thực ra đây là mức tăng khiêm tốn của 50 số điện đầu tiên. Với nhu cầu thiết bị điện phổ biến hiện nay, rất hiếm có hộ gia đình nào chỉ sử dụng 50 số (có chăng chỉ còn với hộ nghèo ở vùng núi). Với những số điện khi đã thuộc diện bậc thang (trên 50kw) thì đều tăng, thấp nhất là 49 đồng, cao nhất là 456 đồng cho mỗi kw. So với 1484 đồng 50kw đầu tiên thì 456 đồng tăng thêm chiếm bao nhiêu%? có phải chừng 30% không? Còn nếu so giá điện mức cao nhất là 2587 đồng (dùng trên 400 kw) với mức khởi điểm 1484 đồng thì mức tăng phải là 1103 đồng/kw! Mức tăng lúc này là hơn 74%.Đáp án này chỉ ngành điện hiểu rõ nhất. Nếu họ báo cáo Bộ CT rằng giá điện tăng từ 7,5% đến 30% tùy theo mức tiêu thụ, liệu có ai cho tăng giá?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét