Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Nga cao tay khiến EU rối loạn

 Cập nhật lúc 13:50                

Nga được cho là đã tung ra một nước cờ cao tay khiến Liên minh Châu Âu rơi vào tình trạng gần như “vỡ trận” khi các thành viên chỉ trích lẫn nhau và phơi bày mâu thuẫn nội bộ sâu sắc. 

Ảnh minh họa 
Tổng thống Putin

Ba Lan hôm 26/1 đã dẫn đầu Liên minh Châu Âu (EU) lên tiếng chỉ trích giận dữ trước những thỏa thuận nông nghiệp song phương với Moscow sau khi Pháp và Nga đạt được thỏa thuận trong đó Moscow sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu lợn sống và thịt lợn từ Pháp. Ba Lan cho rằng, các thỏa thuận như vậy đã “phá vỡ nguyên tắc đoàn kết của Châu Âu”.

Liên minh Châu Âu đang đối mặt với sức ép gia tăng về việc phải tung ra thêm các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn nữa nhằm vào Nga sau khi tình hình chiến sự bùng phát dữ dội trở lại ở miền đông Ukraine . Theo kế hoạch, ngoại trưởng các nước EU sẽ có phiên họp khẩn cấp vào ngày thứ Năm (29/1) để bàn về tình hìnhUkraine và cách EU phản ứng với Nga.

Trong khi đó, Pháp mới đây công bố, lệnh cấm nhập khẩu lợn sống, thịt lợn màMoscow áp đặt cách đây một năm sẽ được dỡ bỏ cho Pháp trong vài tuần sắp tới.

Hồi cuối tháng 1 năm ngoái, Nga tuyên bố áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các mặt hàng thịt lợn nhập khẩu từ EU sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm virus sốt châu Phi (ASF) trong đàn lợn rừng tại Litva. Dù không gây bệnh cho người, nhưng ASF là căn bệnh chưa có thuốc chữa và khiến lợn bị chết. Lệnh cấm này tách biệt hoàn toàn với lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây mà Moscow áp đặt hồi tháng 8 năm ngoái nhằm đáp trả việc Mỹ, EU tung một loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên, việc Nga, Pháp đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm nói trên đã khiến nhiều nước EU nổi giận đùng đùng. Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Marek Sawicki trong một bức thư gửi người đồng cấp Latvia đã nói rằng, ông này “cực kỳ thất vọng” trước tin về các thỏa thuận song phương mà Nga đạt được với một số nước EU. Latvia hiện đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.

Một nhà ngoại giao giấu tên tiết lộ, Thủ tướng Lithuanian cũng đã viết một bức thư phản đối những thỏa thuận song phương với Nga.

"Nguyên tắc nhặt và chọn thật là nguy hiểm. Nó cho phép Nga chia để trị”, nhà ngoại giao giấu tên nói trên nhận định.

Một cuộc họp giữa Bộ trưởng Nông nghiệp các nước EU ở Brussels hôm 26/1 đã tranh luận gay gắt về vấn đề trên sau khi Ba Lan đưa vụ việc vào chương trình nghị sự.

Giới chức và các nhà ngoại giao EU nói rằng, Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố, chính sách thương mại cần phải được nhất trí bởi cả khối. Ủy ban Châu Âu hiện đang kiện Nga ra Tổ chức Thương mại Thế giới về lệnh cấm các sản phẩm thịt lợn.

Tuy nhiên, giới chức Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh, động thái trên của họ không đồng nghĩa với việc các nước thành viên EU có thể biện minh cho những thỏa thuận song phương riêng với Nga. Mọi việc đều phải “dựa chặt chẽ vào các khuôn khổ của EU”, Ủy ban Châu Âu – cơ quan điều hành EU, nhấn mạnh như vậy.

Phản ứng trước những lời chỉ trích gay gắt trên, một phát ngôn viên của Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp khẳng định, những cuộc đàm phán với phía Nga về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật và được thực hiện bởi các cơ quan kiểm dịch chứ không liên quan gì đến cấp độ chính trị.

Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, Nga đang chiếm một thị trường 112 triệu USD của những người chăn nuôi lợn ở Pháp.

Ngoài vấn đề trên, gần đây, nhiều quan chức, chính khách Pháp cũng bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ với Nga. Đây là dấu hiệu rõ rệt cho thấy mặt trận thống nhất mà EU muốn xây dựng trước Nga đang dần rạn nứt.

“Pháp nên có mối quan hệ chiến lược với Nga”

Pháp nên có mối quan hệ chiến lược với Nga thay vì để quan hệ song phương ở tình trạng như hiện nay, gần giống với một cuộc Chiến tranh Lạnh, bà Marine Le Pen – Lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc cánh hữu đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Asahi Shimbun của Nhật Bản.

Bà Le Pen cho biết, bà cúi đầu cảm phục Nga – một nước đã vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt sau sự sụp đổ của Liên Xô để đạt được sự khôi phục như hiện nay.

Bà Le Pen cũng miêu tả Nga là một nước vĩ đại đã xây dựng một mô hình nhà nước khác biệt với Mỹ và điều đó biến Nga trở thành một đối tác có giá trị để các nước khác xây dựng mối quan hệ chiến lược.

Tuy nhiên, EU chỉ có kiểu quan hệ thời Chiến tranh Lạnh với Nga bởi liên minh này tuân thủ chặt chẽ theo những chỉ đạo của Mỹ, bà Le Pen không ngần ngại phát biểu như vậy.

Bà Le Pen cũng chỉ trích mạnh mẽ EU, nói rằng Pháp chẳng nhận được lợi lộc gì từ việc là thành viên của liên minh mà chỉ nhận được những khoản nợ, tình trạng thất nghiệp và sự suy giảm về bản sắc dân tộc.

Pháp đã mất chủ quyền trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và luật pháp. Pháp cũng không có quyền quyết định vận mệnh của mình một cách độc lập, bà Le Pen nói đồng thời thêm rằng tất cả các quyết định đều được đưa ra bởi những quan chức đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân và điều đó sẽ đem đến sự nghèo đói và tuyệt vọng cho những người dân thường.

Hiện tại, Đảng Mặt trận Dân tộc là một trong 3 đảng phái chính trị dẫn đầu ở Pháp. Đảng này đã đạt được thành công đáng kể trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2014 khi giành được đa số ghế trong các văn phòng thị trưởng của 12 thành phố khác nhau.

Ngoài lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc, cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Pháp và hiện là Thị trưởng của Nice - ông Christian Estrosi mới đây cũng lên tiếng nói rằng, Pháp nên tôn trọng hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

“Tôi muốn nói rằng, tôi ủng hộ Nga, chính phủ Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cá nhân tôi không ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Tôi từng là Bộ trưởng Công nghiệp ở cái thời chúng ta nhận được một hợp đồng lớn từ Nga. Nhờ đó, chúng ta có thêm nhiều việc làm mới và tôi tin hợp đồng tàu chiến Mistral nên được tôn trọng và được hoàn tất”, ông Estrosi nhấn mạnh.
(Theo VnMedia) Kiệt Linh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét