Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Chiến công trong lòng đất của những người lính Công binh

Cập nhật lúc 18:02


TT - 24 giờ có mặt ở hầm thủy điện Đạ Dâng, những người lính công binh lữ đoàn 293 và tiểu đoàn 93 Binh chủng công binh đã góp công lớn vào câu chuyện thần kỳ giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn.

Công binh lữ đoàn 293 đào và gia cố hầm cứu nạn - Ảnh: Viễn Sự
Sáng 20-12, những tốp công binh cuối cùng của lữ đoàn 293 và tiểu đoàn 93 đã rời Đà Lạt về đơn vị.
Gặp lại những người lính công binh ấy ở bến xe Đà Lạt, trên quân phục của nhiều người vẫn còn lấm những vệt bùn từ Đạ Dâng. 
Không được phép sai sót
Ra vào hầm Đạ Dâng trong những thời khắc cam go ấy để tường thuật việc cứu nạn, chúng tôi vẫn nhớ trong tiết trời rét run của cao nguyên Lâm Viên, nhất là những lúc đêm khuya, nhưng những tốp công binh trong hầm thủy điện thì mồ hôi đẫm vai áo, tóc bết bùn đất.
Trong ngách hầm cứu nạn, những người lính khom lưng xúc từng xẻng đất lẫn đá chuyền ra ngoài.
Hầm cứu nạn chỉ cao ngang hông, tất cả đều phải cúi gập người và không được phạm sai sót.
Bởi đường hầm cứu nạn của các công binh được đào ngay dưới lớp đất, đá vừa đổ ập xuống.
Đào xong, phải gia cố ngay bằng gỗ và thép. Bất cứ một sai sót nào cũng có thể làm đường hầm cứu nạn sập xuống. 
Trung úy Nguyễn Văn Tiền, đại đội phó công binh, người chui vào đoạn hầm bị sập và đưa cả 12 nạn nhân ra ngoài, khi gặp lại chúng tôi chỉ cười hiền: “Tôi chỉ nhớ nhất là hình ảnh những công nhân nhường nhau ra trước mà xúc động mãi”.
Trung úy Tiền kể khi anh và đồng đội đang đào thì bất ngờ một lỗ hổng từ trên nóc hầm cứu nạn xuất hiện, ánh đèn pin chiếu lên thì xuyên thẳng và rọi thấy rõ cả trần hầm chính.
Anh Tiền di chuyển vào bên trong và bơi qua đoạn nước ngập, tiếp cận chiếc máy đào bị kẹt bên trong khu vực sụp hầm.
“Nước ngập ngang cổ, lạnh lắm không thấy gì cả, tôi lần theo tiếng kêu cứu mà bơi, Nam (công nhân Hoàng Viết Nam - PV) ở gần nhất nên tôi đưa ra trước” - anh Tiền kể lại.
Chạm được vào tay Nam đang đứng gần miệng hầm cứu hộ, Tiền nói anh đã khóc vì quá vui sướng.
Anh kể: “Tôi vừa bơi vừa cõng Nam tới miệng hầm rồi đặt Nam tựa lên chân mình lê từng bước chui qua đường hầm cao khoảng 60cm giao lại cho đồng đội ở miệng hầm cứu hộ phía ngoài. Trong tiếng thở hồi hộp của Nam, tôi nghe cậu ấy nói mọi người đều bình an”. 
“Trong lúc nguy cấp mới hiểu tình người khi tôi bảo ai yếu nhất tôi đưa ra trước thì không ai chịu ra hết, cứ nhường. Tôi nóng quá phải gắt lên là đưa phụ nữ ra trước đi, khi đó Ngọc (Đặng Thị Hồng Ngọc) mới để tôi đưa ra” - trung úy Tiền nói.
Bí mật đến phút chót
Theo đại úy Lê Văn Quỳnh - đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 93, cuộc giải cứu thành công còn nhờ vào việc những người lính đã ngăn cảm xúc và giữ bí mật đến phút cuối cùng.
Là người đã lao như tên bắn từ hầm Đạ Dâng ra cấp báo với chỉ huy về thông tin đã giải cứu được 12 công nhân, đại úy Quỳnh tiết lộ: 16g35 mọi người mới vỡ òa khi nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hầm Đạ Dâng nhưng thực tế từ 15g55, công binh đã tiếp cận được 12 công nhân.
“Biết tin anh em công nhân còn sống và an toàn, chúng tôi chỉ muốn hét lên nhưng lúc này phía bên ngoài là hàng người đang nghẹt thở chờ đợi. Nếu biết tin thì mọi người sẽ khó giữ bình tĩnh, sẽ ùa tới và có thể gây cản trở công tác cứu nạn. Do đó chúng tôi phải bí mật đến phút chót” - đại úy Quỳnh nhớ lại.
Đại úy Quỳnh kể sau khi đồng đội ở lữ đoàn 293 phát hiện các công nhân, bên trong hầm cứu nạn một nhóm công binh thực hiện việc đưa các công nhân ra.
Các tốp cứu nạn khác vẫn không hay biết, tiến hành công việc bình thường. Chỉ đến khi một sĩ quan đề nghị các nhóm cứu nạn khác ngừng việc đào bới, nổ mìn và từ trong hầm cứu nạn từng công nhân được cõng ra thì mọi người trong hầm mới được biết.
Lúc này, các công binh xếp thành hai hàng dài khoảng 50m hai bên vách hầm để ứng cứu, hỗ trợ nhau đưa 12 công nhân qua đoạn hầm bị ngập và lầy lội nhất.
Và phương án giữ bí mật đến phút chót đã làm cuộc giải cứu thêm trọn vẹn. Khi công nhân đầu tiên sắp được đưa ra khỏi hầm thì đại tá Phạm Văn Tỵ - phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn - từ lều chỉ huy mới phát lệnh cho tất cả lực lượng cứu nạn sẵn sàng tiếp ứng.
Sự bí mật, bất ngờ ấy đã mang lại hiệu quả trọn vẹn. Khi lực lượng cứu nạn bên ngoài cửa hầm nhận lệnh tiếp ứng vừa chạy đến miệng hầm thì cũng là lúc nạn nhân đầu tiên được đưa ra.
Chỉ trong chưa đầy 5 phút, 12 nạn nhân lần lượt được đưa đến lều chăm sóc y tế. Và đến lúc ấy, những người lính công binh biết rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ, nhảy cẫng và hò reo bật lên những cảm xúc và niềm vui tột độ sau 40 phút kìm nén, giữ bí mật.
Thành công nhờ phương pháp “hầm trong cát”
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh công binh - vui mừng nói rằng việc lực lượng công binh đào được hầm cứu nạn giải thoát thành công 12 công nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng là nhờ áp dụng phương pháp đào hầm truyền thống của quân đội: “hầm trong cát”.
Theo ông, giải pháp này mở ra cơ hội cứu các nạn nhân nhanh nhất nhờ đào được đường hầm ngắn nhất.
“Đương nhiên, đây là phương án rất khó khăn bởi mức độ sụt trượt của cát rất lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự tinh nhuệ của lực lượng công binh, chúng tôi đã khắc phục mọi khó khăn như tạo khung vào cửa hầm, chống sụt trượt rất tốt nên đã thắng lợi” - ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết phương pháp “hầm trong cát” đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho triển khai và Ban chỉ đạo cứu nạn thống nhất nên lực lượng công binh mới mạnh dạn thực hiện. 
NHÓM PV Báo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét