Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012


22:17
 Cuộc chiến Syria:
Hiểm họa lớn đối với Trung Đông và thế giới


Một hiểm họa lớn, còn nguy hại hơn cả việc chính phủ Assad sử dụng vũ khí hóa học, là việc các lực lượng cực đoan thắng thế sau khi Syria tan rã.


Người ta không thể hạ thấp mức độ bi thảm của cuộc khủng hoảng Syria: hơn 20.000 thường dân thương vong, 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, 2 triệu người  cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và gần 140 nghìn người phải chạy trốn sang các nước láng giềng như Lebanon, Jordan, Iraq và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Thật không may, bạo lực ngày càng gia tăng và không có hy vọng chấm dứt, giữa lúc chế độ Assad tuyệt vọng bám vào quyền lực.
Ngoài ra, cuộc xung đột Syria còn bị biến thành “một cuộc chiến ủy thác” - với việc liên minh giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các chế độ quân chủ Arập hỗ trợ quân nổi dậy,  trong khi các cường quốc phương Đông như Iran, Nga, và Trung Quốc lại hậu thuẫn chế độ hiện hành.
Tuy nhiên, về lâu về dài, khía cạnh đáng lo ngại nhất của cuộc khủng hoảng Syria dao động xung quanh 2 vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Đó là (1) số phận của kho khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và khối lượng khổng lồ của nhiều loại vũ khí tối tân có thể rơi vào tay các “phần tử nguy hiểm” (al-Qaeda chẳng hạn) và (2) sự xâm nhập liên tục của các phần tử Hồi giáo cực đoan vào chiến trường Syria. Sự xâm nhập này không chỉ phá hoại tính chất dân chủ thế tục của cuộc nổi dậy, và làm tăng khả năng xảy ra những vụ tàn sát hàng loạt mang tính giáo phái, mà còn là một thách thức nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế và khu vực.
Các lực lượng Hồi giáo cực đoan lũ lượt xâm nhập Syria
Trong những tháng gần đây, tương quan lực lượng xem ra có vẻ bất lợi cho chế độ Assad, một phần do các lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan ngày ngày lũ lượt đổ vào Syria để trợ giúp Quân đội Syria Tự do (FSA) đối lập.
Các lực lượng Hồi giáo thánh chiến ngày ngày lũ lượt đổ vào Syria
Ảnh The Economist

Tháng trước, Cơ quan tình báo nước ngoài (BND) của Đức thông báo rằng kể từ cuối năm 2011 đến nay, al-Qaeda và các nhóm có quan hệ gần gũi với tổ chức khủng bố này đã gây ra 95 vụ tấn công - trong đó có cả các vụ tấn công liều chết từng làm rung chuyển thành phố Aleppo và thủ đô Damascus. Bản thân Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thừa nhận sự hiện diện của al-Qaeda ở Syria.
Những phần tử Hồi giáo thánh chiến cực đoan đã góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng trong cuộc xung đột ở Syria. Được trang bị bằng vũ khí và tiền mặt của các quốc gia Arập quân chủ ở Vùng Vịnh, các nhóm thánh chiến nước ngoài đã mang đến cho quân nổi dậy kinh nghiệm chiến đấu, hậu cần vào chiến trường Syria. 
Các cựu  binh trong các cuộc chiến tranh Afghanistan đã sát cánh cùng với các chiến binh nước ngoài đến từ  Iraq, Yemen, Pakistan và Libya đánh nhau với quân chính phủ Syria. Trớ true là các lực lượng nước ngoài này đang mở một cuộc “thánh chiến” chống lại một chế độ do người Hồi giáo cầm đầu không chịu thần phục phương Tây.
Các lực lượng Hồi giáo cực đoan này vào Syria cùng với vũ khí và tiền bạc. Các lực lượng này không chỉ chịu trách nhiệm về hầu hết các vụ đánh bom liều chết theo kiểu al-Qaeda, mà còn mang vào Syria nhiều vũ khí chống tăng, súng phóng lựu, súng cối và các loại trọng liên cỡ 12,7 và 14,5 mm. Đó là những chiến lợi phẩm mà chúng tước được trong  cuộc “cách mạng” ở Lybia và chiến tranh Iraq 2003.
“Sụp đổ về đạo đức và kinh tế”
Trên thực tế, đất nước Syria đã bị biến thành chiến trường. Không thể kiểm soát hoàn toàn các thành phố như Homs và Idlib, chế độ Assad đã dùng đến máy bay ném bom và trọng pháo để triệt phá các ổ đề kháng của phe đối lập.
Chế độ Assad đã  rút quân khỏi khu tự trị của người  Kurd ở khu vực Đông Bắc, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Phần lớn khu vực phía Bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hiện không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria, trong khi ở miền Trung và miền Nam Syria lại sa vào lò lửa của nội chiến kéo dài 18 tháng qua. Trong số các thành phố lớn ở Syria, chế độ Assad chỉ kiểm soát hoàn toàn thủ đô Damascus.
Sau vụ đào tẩu hàng loạt của các tướng lĩnh quân đội và quan chức ngoại giao, vụ đào tẩu của Thủ tướng Riad Hijab là đòn nặng nề nhất giáng vào chế độ Assad. Trong cuộc họp báo ở thủ đô Amman (Jordan), ông Riad Hijab nói rằng chế độ Assad hiện đang ở trên “bờ vực của sự sụp đổ về mặt đạo đức và kinh tế”.

Theo ước tính, khoảng 60% nền kinh tế Syria đã bị tê liệt, đặc biệt là thành phố Aleppo - trung tâm thương mại của Syria. Nội chiến cũng ngăn cản chính phủ Syria bán dầu thô cho đối tác thương mại truyền thống ở phương Tây. Đây chính là một nguồn thu quan trọng nhất của chế độ Assad.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu Tổng thống Assad còn bám lấy quyền lực bao lâu nữa?
Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn
Có lẽ, cuộc nội chiến ở Syria vẫn còn kéo dài. Chính phủ Syria vẫn còn trong tay những con “át chủ bài” để đối đầu với quân nổi dậy - với hàng trăm nghìn quân sĩ trong các binh chủng lục quân, hải quân và không quân. Chế độ này vẫn nhận được sự ủng hộ của các sắc tộc, giáo phái thiểu số như người Hồi giáo dòng Alawte, người Cơ đốc giáo…vốn lo sợ sẽ bị đàn áp trả thù nếu người Hồi giáo Sunni chiếm đa số thắng trận. 
Chế độ Assad còn “quân bài tối hậu” là vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Ảnh ijreview.com

Chế độ Assad cũng còn “quân bài tối hậu” là vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), vốn được chế tạo để “vô hiệu hóa” ưu thế quân sự của Israel. Vốn không ký Công ước quốc tế về vũ khí hóa học, Syria hiện sở hữu 5 nhà máy sản xuất và 20 kho chứa vũ khí hóa học – trong đó có hơi cay, các loại khí độc thần kinh như VX và Sarin – cũng như các hệ thống tên lửa, pháo binh để reo rắc các loại vũ khí giết người hàng loạt này. 
Liệu chính phủ Syria có sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để chống lại quân nổi dậy? Liệu chính phủ này có dùng chúng để  chống lại các lực lượng phương Tây can thiệp quân sự vào Syria? Liệu chế độ ở Damascus có dùng WMD để chống lại Israel, khi nhà nước Do Thái “đục nước, béo cò” thôn tính nốt phần còn lại của Cao nguyên chiến lược Golan hay chuyển giao chúng cho đồng minh chiến lược Hezbollah ở Libăng?
Về  phần mình, chính phủ Syria khẳng định sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân nước họ, nhưng thật khó thể trả lời những câu hỏi này, khi chế độ do người thiểu số Alewite thống trị này lâm vào “bước đường cùng”. Có một điều rõ ràng là chế độ hiện nay ở Syria sẽ tìm mọi cách để tồn tại, bất kể Tổng thống Assad từ chức hay không chịu từ chức.
Cơn ác mộng Syria
Với việc cộng đồng quốc tế bị chia rẽ bởi xung đột về  lợi ích địa chính trị và phương Tây khăng khăng gạt Iran - đòn bẩy lớn nhất đối với chế độ Assad – ra rìa mọi giải pháp đa phương cho cuộc khủng hoảng Syria,  hai kịch bản có thể xảy ra là: (1) hoặc chế độ hiện hành sẽ phải hy sinh Tổng thống Assad để cứu laayd những gì còn sót lại (kịch bản Yemen), (2) hoặc phe nổi dậy sẽ lật đổ chế độ hiện hành với sự hậu thuẫn của phương Tây, các nước Arập quân chủ và đám chiến binh thánh chiến nước ngoài ngày càng lũ lượt đổ vào Syria.
Trong trường hợp chế độ hiện hành ở Syria bị lật đổ bằng vũ lực, các phần tử thánh chiến cực đoan thắng thế có thể biến đất nước này thành một căn cứ địa mới để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở khắp khu vực và thậm chí còn xa hơn nữa. 
Nguy hại hơn là việc các phần tử Hồi giáo cực đoan có liên hệ với al-Qaeda chiếm được các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến ở Syria và sử chúng để chống lại những “quốc gia thù địch” như Israel chẳng hạn. Trong trường hợp này, các cường quốc khu vực như Israel và Iran sẽ không chịu “khoanh tay đứng nhìn”,  vì hai nước này phải lo ngại cho chính sự tồn tại của mình.
Minh Bích (theo Asia Times Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét