Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012


08:25

 Nghi vấn doanh nghiệp xăng dầu gây sức ép để tăng giá

Sau khi được trao quyền, cứ 10 ngày, các đầu mối lại kêu lỗ rồi đề nghị tăng giá. Trong khi đề xuất này chưa được đáp ứng thì nhiều đại lý cũng vô tình đóng cửa với lý do hết hàng.
 

Quyền chủ động “định giá bán buôn” được giao cho doanh nghiệp đầu mối kể từ năm 2009 cùng với sự ra đời Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày được “thả”, giá xăng dầu đã dồn dập tăng, khiến cơ quan quản lý phải nhanh chóng đưa vào vòng kiểm soát và bị “giữ” suốt hơn 3 năm sau đó cùng với những thất thường của giá xăng dầu.
Cuối tháng 6/2012, sau 5 lần giảm giá bán lẻ trong nước, cơ quản quản lý giá mới có “đủ cơ sở” để trao lại quyền định giá cho doanh nghiệp. Văn bản nhắc nhở doanh nghiệp về quyền này được phát đi cùng với điều kiện phải thực hiện “đăng ký giá trước khi điều chỉnh”. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, giá xăng dầu thế giới đột ngột đảo chiều và leo thang trở lại.
Doanh nghiệp bắt đầu kêu lỗ và xin phép được tăng giá. Trong những lần điều chỉnh đầu tiên, tín hiệu "đèn xanh" được đưa ra khá nhanh bởi giá bán lẻ cũng như lạm phát trong nền kinh tế đều ở mức thấp. Tuy nhiên, sau 5 lần doanh nghiệp xin tăng giá của doanh nghiệp tính đến thời điểm này, họ càng lúc càng phải chờ đợi lâu hơn để nhận được cái “gật đầu” của cơ quản quản lý.
Doanh nghiệp kêu lỗ trong khi sức ép xã hội trước việc tăng giá xăng dồn dập ngày một lớn. Cùng lúc đó, nhiều cây xăng đóng cửa, ngưng bán với lý do “hết hàng” hay “mất điện”. Nhiều đoàn kiểm tra cũng đã đến, và hầu hết kết luận được đưa ra là các cây xăng không thể nhập hàng hoặc mất điện “thật”. Trong đợt tổng kiểm tra gần nhất do Bộ Công Thương thực hiện, có 2 doanh nghiệp vi phạm quy chế kinh doanh xăng dầu. Tuy vậy, câu hỏi về việc doanh nghiệp dùng chiêu “găm hàng” để ép cơ quan quản lý tăng giá vẫn được đặt ra.
Bởi theo dữ liệu của Bloomberg, giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục giảm kể từ ngày 13/8 đến gần đây. Sau khi leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng ở 128,4 USD, giá xăng A92 tại thị trường này đi xuống dần và giảm còn 125,34 USD tính đến ngày 27/8.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex giải thích, mặc dù giá xăng dầu tại thị trường Singapore có giảm, tuy nhiên, so sánh giá bình quân 30 ngày gần đây vẫn cao hơn so với bình quân 30 ngày kể từ 12/8. Cụ thể, giá từ Platt’s bình quân 30 ngày từ ngày 12/8 trở về trước đối với xăng là 116,83 đôla mỗi thùng, diezel 123,22 đôla, dầu hỏa 121,65 đôla và madut 640,54 đôla.
Còn giá bình quân 30 ngày kể từ ngày 27/8 về trước đối với mặt hàng xăng 123,51 đôla mỗi thùng; diezel là 129,36; dầu hỏa 127,97 đôla và madut 667,24 đôla. Như vậy, không chỉ riêng xăng tăng 6,68 đôla mỗi thùng mà hàng loạt các mặt hàng khác như diezel, dầu hỏa, ma dút tính từ ngày 27/8 cũng cao hơn so với thời điểm trước ngày tăng giá lần thứ 5 vào ngày 12/8.
Ông Trần Ngọc Năm cho rằng, không có chuyện doanh nghiệp gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước tăng giá xăng dầu vì họ "lấy quyền gì để ép". Thực tế, thị trường thế giới tăng liên tục thì trong nước cũng buộc phải điều chỉnh, vì "không thể có phương án nào khác". Theo ông Năm, việc 10 ngày tăng giá chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên dẫn đến sức ép đổ đồn về doanh nghiệp. Bởi thực tế, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới ổn định hoặc tăng, giảm không đáng kể thì trong nước không thể điều chỉnh tăng.
"Đây là một minh chứng cho tính minh bạch, chỉ cần biết cộng trừ nhân chia đơn thuần thì với công thức tính giá cơ sở và giá xăng dầu thế giới thì ai cũng tính toán được. Khi giá thế giới tăng, nếu không can thiệp bằng thuế nhập khẩu, trích, chi Quỹ bình ổn thì đương nhiên là phải điều chỉnh giá", ông Năm nói.
Lãnh đạo Petrolimex khẳng định không có chuyện găm hàng đối với các đại lý của tập đoàn bởi lượng cung bán ra thực hiện theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, doanh nghiệp chiếm 60% thị phần xăng dầu Việt Nam cũng thẳng thắn: "Trường hợp khi có lãi đại lý lấy hàng của đầu mối khác. Khi sắp tăng giá, nguồn hàng khan hiếm thì lại yêu cầu Petrolimex phải đáp ứng thì không thể được". Theo ông, một số đại lý đã vi phạm Nghị định 84 vì cùng một lúc ký với nhiều đầu mối dẫn đến khi kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp đầu mối khác hạn chế nhập dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung.

Cũng theo ông Năm, trường hợp các đại lý kêu đứt nguồn cung phải kiểm tra, xử lý nghiêm, để xem rõ thực hư. "Không nên để tình trạng một số đại lý kinh doanh không nghiêm túc lại tạo ra trào lưu ý kiến thế được. Các cụ có câu: Gái có công thì chồng không phụ, vì vậy nếu họ kinh doanh nghiêm chỉnh thì tôi tin sẽ khó có việc này xảy ra", ông Năm ví von.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận việc phát hiện hành vi găm hàng không dễ. Bởi muốn xác định hành vi này cần có điều tra cụ thể, căn cứ lượng hàng bán ra hằng ngày, hằng tháng của doanh nghiệp, nhất là gần thời điểm có thông tin tăng giá. Ví dụ ngày bình thường bán 5 tấn, nay chi bán một tấn, hàng còn tồn trong kho mà người mua vẫn khó thì mới có thể kết luận sai phạm.
Tuy nhiên, cá nhân ông Thỏa cho biết ông tin là có hiện tương nêu trên. Đại diện cơ quan quản lý cũng khẳng định luật đã có quy định rõ ràng về vấn đề này, theo đó hành vi găm hàng cần được triệt tiêu, kể cả xử lý nghiêm như rút giấy phép. “Bản thân tôi thấy phạt vài chục triệu đồng như thời gian qua là chưa “đã”, vì họ găm hàng rồi bán giá cao thì lãi đủ bù tiền phạt rồi”, ông Thỏa chia sẻ.
Một lãnh đạo xăng dầu chia sẻ, nói doanh nghiệp dùng chiêu ép tăng giá là "đổ tiếng oan". Lý do tăng giá, theo ông, là công thức tính giá hiện tại của Bộ Tài chính đã lạc hậu khiến doanh nghiệp luôn bị lỗ. Đầu mối xăng dầu chỉ được lãi định mức 300 đồng kèm theo 600 đồng mỗi lít tiền phí cho việc bơm hàng từ tàu lên kho, chi phí lưu kho, chi phí vận tải, chi phí tiền lương, điện nước, khấu hao nhà xưởng bộ máy, lãi vay ngân hàng, chênh lệch tỷ giá...
Theo ông, hàng loạt chi phí chỉ gói gém trong 600 đồng mỗi lít xăng thì "không đầu mối nào chịu nổi". "Cách đây 3 năm, cơ quan chức năng đã đề nghị mức phí này là 870 đồng thay vì 600 đồng mỗi lít. Hiện nay mức phí nay phải lên tới 1.000-1.100 lít doanh nghiệp mới không chịu áp lực", ông nói.
Theo lãnh đạo Petrolimex, không có lý gì bắt doanh nghiệp mua giá cao bán giá thấp. Ông Năm chia sẻ: "Đối với các nước châu Âu khi kinh tế khó khăn họ còn phải kêu gọi cả quốc gia phải thắt lưng buộc bụng. Bởi vậy, mỗi người dân Việt phải cần cân đối lại mức độ sử dụng xăng dầu của mình cho tiết kiệm để giảm tổng giá trị chi tiêu".
(VnExpress) Hoàng Lan- Nhật Minh
Xin thách đố ai tìm được cây xăng “hết hàng” trong giai đoạn xăng thế giới giảm sâu trước đây cũng như sau này. Biểu hiện “hết xăng” chỉ xảy ra khi có dấu hiệu (hoặc ngầm báo) là chuẩn bị tăng giá. Việc rầm rộ “mất điện” cũng trong tình trạng tương tự. Nếu lãnh đạo ngành xăng dầu giải thích thỏa đáng được lí do của biểu hiện trên thì chẳng cần loanh quanh giải thích gì nhiều.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét