Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012


13:31

Sự lệch lạc của nhận thức!


(Dân trí) - Chủ quyền ở HS và TS là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam… Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử không có lấy một dòng nào.
 

Đó là phát biểu của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tại “Hội thảo khoa học Quốc gia về dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức tại Đà Nẵng.   
Thế là chủ đề về Hoàng Sa & Trường Sa sau khi được đưa vào đề bài kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học được dư luận đồng tình, lại một lần nữa trở thành chủ đề nóng bỏng không chỉ của ngành giáo dục.
Tại cuộc hội thảo có qui mô lớn, qui tụ hàng trăm giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo viên lịch sử cùng cán bộ quản lý ngành giáo dục, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc xung quanh sự chậm trễ trong việc đưa Hoàng Sa & Trường Sa vào bộ môn lịch sử.   
GS- NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng không trang bị kiến thức cơ bản về chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này là có tội với thế hệ trẻ, có tội với lịch sử. “Hội KHLS đã có công văn kiến nghị với Ban Tuyên giáo TW và Bộ GD&ĐT phải nhanh chóng đưa nội dung về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông. Nếu lớp trẻ lớn lên không hiểu biết hoặc hiểu biết rất lơ mơ về vấn đề này thì rất nguy hiểm... Không trang bị những kiến thức cơ bản ấy là có tội với thế hệ trẻ, có tội với lịch sử”. GS. Lê nói.
Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc  trong bài tham luận của mình còn đặt vấn đề trách nhiệm về sự “lệch lạc” này. GS. Ngọc nói: “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của lớp các thế hệ người Việt Nam từ thời Vương quốc Chăm Pa cho đến Chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay… Thế mà có cả một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.
Một câu hỏi đặt ra là thời điểm đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa & Trường Sa vào sách giáo khoa. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với  GS. Lê khi ông cho rằng đó là việc phải làm ngay, trong năm học này chứ không thể chờ đến năm 2015, khi đổi mới chương trình SGK thì mới đưa vào giảng dạy.
GS.TS Nguyễn Thị Côi, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đề nghị: “Ngay trong năm học 2012-2013, Bộ GD&ĐT cần soạn thảo và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn dạy học về chủ quyền biển đảo”.
Như vậy là dù muộn mằn, từ niên học 2012 – 2013, các em học sinh nước nhà sẽ được học lịch sử về Hoàng Sa & Trường Sa, miền đất thiêng liêng của Tổ quốc mà vì lý do “nhạy cảm”, nhiều năm qua không được nhắc tới. Phải chăng sự “lãng quên” ở bộ môn lịch sử này cũng là nỗi “hổ thẹn với tiền nhân và hậu thế?”.
(Dân Trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét