Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012


15:09
 Chiêu găm hàng rồi tăng giá xăng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:
“Đừng để đến lúc nền kinh tế bị doanh nghiệp bắt làm con tin”


SGTT.VN - Hiện tượng găm hàng trước mỗi lần tăng giá xăng lặp đi lặp lại, nếu Nhà nước không kiểm soát được, là do “cho anh độc quyền cơ chế thoáng”, nếu không có cạnh tranh thực sự thì sẽ đến lúc “nền kinh tế bị doanh nghiệp độc quyền bắt làm con tin”.

Hiện tượng cây xăng nhiều nơi găm hàng, chờ tăng giá liên tiếp là bài học cho nhà quản lý, cơ quan quản lý. Cứ nghĩ đơn giản nếu có được 11 doanh nghiệp đầu mối thì sẽ nắm được điều hành hệ thống phân phối xăng dầu, mà không gây ra các vấn đề tổn hại cho xã hội. Họ cứ tin rằng cho doanh nghiệp quyền tự quyết định sau thời hạn mười ngày, với mức tăng giá dưới 7% thì Nhà nước vẫn kiểm soát được. Ngay lần đầu tăng giá xăng (trong đợt bốn lần liên tiếp vừa qua) cục Quản lý giá vẫn nói vậy, đến lần thứ hai họ phải nhắc tính theo cơ sở giá 30 ngày, tức họ cho rằng mình vẫn nắm được, nhưng lần đó, cây xăng găm hàng. Lúc đó bảo điều tra xử phạt, nhưng lần này có vẻ nặng nề hơn. Hôm nay ở TP.HCM phát hiện hiện tượng trộn xăng dỏm… điều đó chứng tỏ hệ thống quản lý không thể chủ quan được.
Để giải quyết tình trạng này, theo tôi, phải truy cứu đến trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối vì họ quản lý xe phân phối, rồi giá xăng tăng hay giảm đến với cây xăng cũng từ doanh nghiệp đầu mối, chứ chỉ giao cho quản lý thị trường đi kiểm tra, phạt mấy cây xăng thì cũng không giải quyết dứt điểm được.
Đây là những dấu hiệu, nếu không chấn chỉnh, không kiểm soát được thì sẽ đến lúc nền kinh tế bị doanh nghiệp (độc quyền) bắt làm con tin. Đừng nghĩ rằng tạo cơ chế mới thoáng hơn thì doanh nghiệp tự giác nghiêm túc. Họ sẽ lợi dụng cơ chế mới, để gây phương hại cho xã hội.
Căn nguyên vấn đề, theo tôi là chúng ta cho cơ chế thoáng mà doanh nghiệp vẫn độc quyền, chưa có cạnh tranh đầy đủ thì tình trạng găm hàng chờ tăng giá là đương nhiên sẽ phát sinh. Thử nhìn sang lĩnh vực điện thoại, có nhiều anh dịch vụ kém thật, nhưng sau một thời gian thị trường họ đào thải. Cách tốt nhất là tạo ra cơ chế thị trường. Nhanh hay chậm là do Nhà nước, cơ chế cạnh tranh thực sự đã được nói năm năm nay rồi, cá nhân tôi cũng từng lên tiếng cho rằng phải có thị trường xăng dầu thực sự, nhưng tôi không hiểu khó đến mức nào mà Nhà nước chưa làm được.
Trung Đức (ghi)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam
Doanh nghiệp vận tải mệt mỏi vì chạy đuổi
Từ ngày 20.7, tức 38 ngày, xăng dầu đã tăng giá tới bốn lần, là quá cập rập. Đành rằng xăng dầu đang được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, song cơ chế thị trường nhưng tại sao chỉ có một giá? Nhà nước có công cụ để quản lý giá xăng dầu trong tay nhưng sao lại để tăng liên tục đến thế? Sao Nhà nước không dùng đến các công cụ khác như giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, hoặc trích từ quỹ Bình ổn giá xăng, để xăng dầu không bị điều chỉnh đến chóng mặt như thời gian vừa qua?
Theo tôi, việc tăng giá liên tục sẽ gây khó khăn, xáo trộn lớn cho doanh nghiệp và người dân. Đối với ngành vận tải, đợt tăng giá lần thứ ba ngày 13.8 vừa qua đã làm nhiều doanh nghiệp phải tăng giá cước vì đã “nhịn” hai lần điều chỉnh trước. Nếu lần này tăng nữa, nói đúng ra trong thời điểm khách đi lại giảm, khó khăn thì không nên tăng giá. Có điều đợt tăng giá xăng dầu này giáp với kỳ nghỉ lễ 2.9, nên các doanh nghiệp sẽ tăng giá cước.
Đại diện của tập đoàn Mai Linh, ông Nguyễn Đỗ Phương
Đề xuất: cước taxi gồm cước cố định + phụ phí xăng dầu
Xăng dầu tiếp tục tăng giá làm doanh nghiệp vận tải tiến thoái lưỡng nan, bởi chưa đến hai tháng mà doanh nghiệp này đã phải điều chỉnh cước ba lần. Mỗi lần như vậy, công ty phải tiêu hao ít nhất là 3 tỉ đồng. Tổng cộng hơn 9 tỉ đồng cho ba lần kiểm định đồng hồ taxi. Lần tăng giá này, Mai Linh cũng chưa thể tăng cước, vì chưa biết khoảng hai tuần nữa giá xăng dầu diễn biến ra sao, trong khi doanh nghiệp phải thay đổi cước thường xuyên thì rất khó coi”, ông Phương nói.
Với chủ trương để thị trường tự điều chỉnh giá xăng như hiện nay, các doanh nghiệp phải chạy theo việc thay đổi giá cước theo giá xăng gây rất nhiều bất lợi. Nên chăng, Nhà nước cần có chủ trương và văn bản chỉ đạo để giá cước vận tải, đặc biệt là taxi sẽ bao gồm giá cước cố định và phụ thu tiền xăng giống như Singapore đã thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét