Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

13:15

Ấn Độ - Nhật Bản: Từ chia sẻ giá trị tới bảo vệ lợi ích chung
Giữa thời điểm Trung Quốc tăng cường phát triển kinh tế, ngoại giao và quân sự đang phủ bóng về sự mất cân bằng quyền lực lên châu Á, thì chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đến Ấn Độ đã củng cố mối quan hệ phát triển nhanh chóng giữa hai đồng minh “trời sinh”.

Kết thúc chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản của ông Yoshihiko Noda, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác an ninh và kinh tế. Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ sẽ tập trận chung vào năm sau.

Tàu INS Ranvir (trái) của Hải quân Ấn Độ cùng hai tàu USS Fitzgerald (Mỹ) và JDS Kurama (Lực lượng phòng vệ Nhật Bản) tập trận chung Malabar 2009. Ảnh: TL
Mở rộng vòng cung thịnh vượng
Việc cân bằng quyền lực mới nổi ở châu Á sẽ được quyết định chủ yếu bởi các hoạt động ở Đông Á và Ấn Độ Dương. Do vậy, Nhật Bản và Ấn Độ dĩ nhiên sẽ có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ ổn định và hỗ trợ bảo vệ tuyến đường biển quan trọng trong khu vực rộng lớn hơn là Indonesia – Thái Bình Dương. “Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ – Nhật Bản là sự tiếp tục của vòng cung tự do và thịnh vượng của Nhật Bản nhằm kiểm soát Trung Quốc”, nhật báo Trung Quốc dẫn lời trưởng phòng nghiên cứu về Nhật Bản thuộc học viện Khoa học xã hội Trung Hoa, ông Lu Yaodong. Bây giờ việc hai nước cần làm là tăng cường những hành động chiến lược để làm vững chắc thêm mối quan hệ của mình.
Các nền kinh tế đang bùng nổ ở châu Á chủ yếu là các nước ven biển, cho nên những nền dân chủ hàng hải như Ấn Độ và Nhật Bản cần hợp tác để xây dựng một trật tự ổn định, tự do và có nguyên tắc tại châu Á. Như lời Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) hồi tháng 11 ở Bali, rằng đà vươn lên của châu Á không thể tự động được bảo đảm, mà nó “phụ thuộc vào sự tiến hoá của một công trình kiến trúc hợp tác”.
Ấn Độ và Nhật Bản đều là những nước nghèo tài nguyên và phụ thuộc nặng vào dầu mỏ nhập khẩu từ vịnh Ba Tư. Cho nên hai nước quan tâm đặc biệt đến các nỗ lực trọng thương nhằm khẳng định quyền kiểm soát các tuyến đường vận chuyển năng lượng. Vì vậy, việc duy trì hành lang hàng hải an toàn và hợp pháp, gồm cả không bị cản trở tự do hàng hải, là điều then chốt với chính sách an ninh và phát triển kinh tế. Hiểu rõ điều đó, hai nước đã nhất trí tiến hành tập trận chung ở hải quân và không quân kể từ năm 2012, một dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi từ nhấn mạnh các giá trị được chia sẻ sang cùng bảo vệ những lợi ích chung.
Tăng cường hành động chiến lược
Cho dù nền kinh tế mỗi nước có những rối ren và bê bối riêng, Ấn Độ và Nhật có mối quan hệ song phương phát triển khá nhanh ở châu Á ngày nay. Kể từ khi hai bên công bố “mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu” vào năm 2006, quan hệ hợp tác chính trị và kinh tế ngày càng chặt chẽ.
Sự phù hợp ngày càng tăng về các lợi ích chiến lược đã dẫn đến tuyên bố chung về hợp tác an ninh năm 2008. Tuyên bố chung này được xây dựng dựa trên hình mẫu hiệp ước hợp tác quốc phòng của Nhật Bản với Úc vào năm 2007. Sau tuyên bố an ninh Ấn – Nhật là sự ra đời của hiệp ước Ấn – Úc tương tự trong năm 2009.
Một thoả thuận thương mại tự do giữa Nhật Bản và Ấn Độ, hay còn gọi là hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) có hiệu lực vào tháng 8. Mối lo Trung Quốc có thể lợi dụng thế độc quyền về sản xuất đất hiếm để cắt xuất khẩu sang Nhật Bản được giảm đi, khi Nhật Bản và Ấn Độ ký thoả thuận về phát triển đất hiếm.
Chuyến thăm của Thủ tướng Noda đến New Delhi là một phần của cam kết giữa đôi bên nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên có sự tham dự của hai ngài thủ tướng. Ngoài ra, Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành một số cuộc đối thoại thường niên cấp bộ trưởng: đối thoại chiến lược giữa hai ngoại trưởng, đối thoại an ninh giữa các bộ trưởng quốc phòng, giữa các bộ trưởng kinh tế, thương mại và nông nghiệp, đối thoại về năng lượng…
Quan trọng hơn, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã khởi xướng cuộc đối thoại chiến lược ba bên đầu tiên ở Washington vào ngày 19.12. Như ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã nói: “Nhật và Mỹ tăng cường quan hệ chiến lược với Nhật Bản”, và cuộc đối thoại ba bên là “ví dụ cụ thể của sự hợp tác đó” giữa ba quốc gia đi đầu trong nền dân chủ ở châu Á – Thái Bình Dương. “Nhật Bản và Ấn Độ đã thúc đẩy toàn diện hợp tác khu vực những năm gần đây, thậm chí từ thế song phương đã chuyển sang hợp tác đa phương khi cố gắng đạt được sự tham gia của Mỹ và Úc”, ông Lu Yaodong nói.
Hai điều phải thay đổi với Nhật Bản
Muốn hợp tác chiến lược triển khai được trên thực tế, Hải quân Nhật Bản phải thay đổi khả năng hợp tác. Theo lời phát biểu của cựu Thủ tướng Shinzo Abe ở New Delhi, dù sớm hay muộn, Hải quân Nhật Bản và Hải quân Ấn Độ sẽ “kết nối với nhau”. Hiện tại Hải quân Nhật Bản chỉ tương tác với Mỹ.
Ý tưởng thứ hai là cùng hợp tác phát triển hệ thống quốc phòng. Ấn Độ và Nhật Bản đã có thoả thuận hệ thống tên lửa phòng thủ lần lượt với Israel và Mỹ. Điều này mở ra khả năng hai nước hợp tác về tên lửa phòng thủ và những công nghệ khác. Hợp tác quốc phòng giữa hai bên cần đạt được tính toàn diện chứ không chỉ là đối thoại chiến lược, hợp tác hải quân và tập trận hải quân theo đợt.
Quan hệ đối tác kinh tế ổn định nhất trên thế giới đều được xây dựng dựa trên nền tảng của hợp tác an ninh. Trả lời báo chí trước thông tin có phải Nhật Bản và Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác để khống chế sức mạnh Trung Quốc, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng chủ động phát triển hợp tác với cả Nhật Bản và Ấn Độ. Trung Quốc hoan nghênh sự kết giao giữa hai nước, cũng như nỗ lực hoà bình của Ấn Độ và Nhật Bản để góp phần thúc đẩy phát triển hoà bình”.
SGTT.VN - Cảnh Toàn (Project Syndicate, China Daily)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét