Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

10:15

Cầm đồ xã hội đen bủa vây trường đại học


Nhiều hiệu cầm đồ trá hình cho sinh viên vay với mức lãi suất cao và đòi nợ ráo riết theo kiểu xã hội đen đang bủa vây các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Dù mức lãi suất cao ngất ngưởng nhưng vì nhiều lý do, sinh viên vẫn nhắm mắt làm liều, trở thành con nợ của những ông chủ nặng lãi.

Vay dễ

Các hộ kinh doanh cầm đồ, cho vay nặng lãi tính lãi suất theo ngày với mức 7 nghìn/1 triệu/ngày thậm chí có nơi lên tới 10 – 15 nghìn/1triệu/ngày tương đương mức lãi suất là 21 - 45%/tháng, cao gấp 10 - 25 lần lãi suất của các ngân hàng. Có đồ cắm như máy tính, điện thoại, laptop, xe máy… thì lãi suất theo ngày sẽ dao động từ 3 nghìn – 5 nghìn đồng.
 Nhiều sinh viên đi cầm đồ không lấy được tài sản của mình vì các chủ hiệu cầm đồ gia hạn một thời gian ngắn phải lấy lại song với lãi suất cao rất ít trường hợp có thể lấy lại được, nếu gặp khách, họ sẽ đem bán với lý do “thu hồi vốn” và đây là những điều đã được cả 2 phía cam kết.
Khu trường ĐH Kiến Trúc, HV An Ninh, HV Bưu chính viễn thông gần 20 hiệu cầm đồ.
 “Lần đầu tiên mình đi vay tiền là hồi học kỳ 1 năm 2, khi phải đóng tiền học lại môn mà chưa xin được bố mẹ. Sau đó, chỉ vài trăm nhưng không trả hết rồi cứ cộng dần lên thành tiền triệu, mình bắt đầu cắm máy tính để trả dần tiền vay lãi chỗ kia, khi có dịp xin bố mẹ lại rút máy tính ra.
Chỗ nào phải đóng lãi nhiều hơn thì trả trước, nhỡ ngại không có máy tính thì dùng cùng bạn. Nhưng nhiều lúc thiếu tiền làm việc nọ việc kia vẫn phải vay thêm và cho đến bây giờ (năm thứ 4 - PV) mình vẫn còn nợ chứ chưa trả dứt được…”  - V. Nam, ĐH Xây dựng thành thật chia sẻ.

Nhiều bạn sinh viên dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn đua đòi theo chúng bạn, vay tiền để lên đời điện thoại, lên đời xe máy… Khắc Hiếu (SV ĐH Kiến trúc) kể về người bạn của mình: “Gia đình cho đủ tiền để mua xe máy số nhưng T đã vay thêm tiền để mua Air Blade, từ số tiền vay ấy, sau một thời gian đã gần bằng tiền để mua một chiếc xe Air Blade mới”.

“Không chỉ ở các cửa hàng cầm đồ mới cho vay nặng lãi mà các quán nước gần trường cũng mở dịch vụ nhưng phải có người giới thiệu, đủ tin cậy thì họ mới cho vay. Thậm chí, ngay sinh viên, bạn bè các lớp cũng rỉ tai nhau về đứa nọ, đứa kia có tiền để cho vay. Dù là bạn bè vẫn thu lãi như “quy định cửa hàng” vì “tao cũng chỉ làm cho người khác để kiếm chút lời, không phải là tiền của tao nên không thể giúp bọn mày được”, V. Toàn sinh viên trường ĐH Kiến trúc nói.
 Cũng theo Toàn, việc cho vay tiền ở các cửa hàng quanh trường ĐH của mình rất đơn giản, chỉ cần chứng minh mình là sinh viên trong trường, tiền lãi tháng đầu thường được trừ trực tiếp vào vào tiền cho vay.
“Có đợt các chủ nặng lãi phát tờ rơi vào trong trường để mời gọi sinh viên vay nặng lãi, trong tờ rơi có ghi rõ tên chủ, địa chỉ, số điện thoại, mức lãi suất…”-  Ninh Hợp, sinh viên ĐH Xây dựng cho biết.

Chúng tôi có mặt tại quán cầm đồ gần trường ĐH Kiến trúc, biển hút khách bởi dòng quảng cáo “Hỗ trợ sinh viên với lãi suất ưu đãi”. Khi được hỏi về việc cắm thẻ sinh viên, người chủ quán từ chối cho sinh viên năm cuối vay và không nhận các cắm thẻ của các sinh viên không theo học tại HV Bưu chính viễn thông, ĐH Kiến trúc, HV An ninh.
 Đúng lúc, một sinh viên năm 3 trường HV BC-VT đi vào, đưa chứng minh thư, thẻ sinh viên, làm các thủ tục giấy tờ đơn giản chưa đầy 5 phút đã có 2 triệu cầm về.

Ở một quán khác, với lý do sắp đến tết chủ quán cũng từ chối việc nhận thẻ. Theo nhiều sinh viên trường HV BC-VT và sinh viên ĐH Kiến trúc thì thẻ có giá trị nhất ở khu vực là thẻ của sinh viên HV An Ninh, có thẻ cắm được cả chục triệu đến vài chục triệu và để giữ “thể diện” những vị khách Vip này luôn được mời riêng vào phòng trong.

Không chỉ diễn ra ở các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội, mà một số tỉnh như Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định … nơi tập trung nhiều sinh viên cũng diễn ra tình trạng tương tự.

N. Dân (SV ĐH Thái Nguyên) là sinh viên năm 2 vì muốn kiếm một công việc làm thêm nhẹ nhàng “không cần làm tiền vẫn chảy vào túi” Dân đã tham gia vào tổ chức bán hàng đa cấp và phải nộp 3 triệu. Nghĩ sẽ xoay vốn nhanh, Dân không nói với bố mẹ mà tự ý đi vay thêm nặng lãi để tham gia nhưng số lãi hơn lên 10 triệu, cậu đã thành thật với gia đình.

Trả khó


Trả lãi 7 nghìn/1 triệu/ngày, vay 1 triệu, mỗi tháng đóng 210 nghìn đồng, vay 10 triệu mỗi tháng phải đóng 2,1 triệu tiền lãi. Chưa kể, nếu không đóng được lãi tháng trước thì số tiền lãi lại được cộng dồn vào tiền gốc và tiếp tục tính lãi 21% của 12,1 triệu. Cứ tiếp tục như vậy, có sinh viên phải vay nợ đến cả trăm triệu!
 “Mình bắt đầu vay tiền từ năm thứ 2 và bây giờ vẫn mang nợ. Vì nói với bố mẹ thì không dám nói thật số tiền mình đã nợ nên có những lần chủ nợ thuê đầu gấu đến trường xiết nợ, mình sợ và không dám đến trường học, đầu óc bị phân tán, học không đủ giờ, không đủ điều kiện thi, phải học lại, thi lại. Rồi tiền đóng học lại, phải đi vay chỗ khác. Thấy bạn mách chỗ vay nào lãi thấp hơn thì đi vay và lấy tiền đập vào chỗ lãi nặng kia…” N.V.A (Sv ĐH Kiến trúc) kể.

Mang nợ, khi đến ngày phải trả mà chưa có tiền, sinh viên lại tìm “cách kiếm tiền nhanh nhất” là ghi lô đề. Do các chủ ghi lô đề cho mượn tiền, nếu thuê sẽ ghi nợ, thắng sẽ trừ tiền vay, trăm lần chơi may ra được một lần, tiền thắng không thấy, nợ lại thêm nợ.

Bản thân không thể giải quyết được, gọi điện về cho gia đình là biện pháp cứu nước cuối cùng của con nợ sinh viên. “Bỏ thì thương vương thì tội, bán đồ bán đạc để trả tiền cho con, rồi cũng vay tiền để trả chứ biết làm sao được. Mong cho nó học mau mau ra trường rồi tự kiếm lấy cái nghề mà sống…” người mẹ có con đang theo học tại trường ĐH KT nói trong buồn đau và thất vọng.

Với trường hợp không có đủ khả năng trả nợ đã phải bỏ học, thậm chí bỏ nhà do lo lắng chủ nợ cầm chứng minh thư và tìm đến tận nhà. Hoặc vì vay nặng lãi, không học hành, không đủ điều kiện để tiếp tục theo học, nhiều trường đã mạnh tay đuổi học.".
Các chủ nặng lãi vì không muốn rắc rối với nhà trường, và chúng cũng có trong tay chứng minh thư nhân dân, số điện thoại của bố mẹ nên thường gọi điện trực tiếp đe dọa hoặc tìm về tận nhà để đòi nợ, có trường hợp phụ huynh từ quê ra thanh toán cả trăm triệu tiền lãi cho con” - Nguyễn Hiếu, sinh viên ĐH GTVT cho biết.

Đoạn đường Hồ Tùng Mậu (chân cầu vượt đến trường ĐH Thương Mại khoảng 200m đã có tới hơn chục quán cầm đồ. Quanh trường ĐH Công Nghiệp có tới hơn 20 quán cầm đồ lớn nhỏ, chưa kể trong các ngõ, cùng với chợ, hàng ăn, quán nước, hiệu cầm đồ cũng như một phần không thể thiếu.
Thôn Nguyên Xá, Minh Khai, Từ Liêm HN (gần trường ĐH Công Nghiệp) được coi là địa điểm tập trung nhiều quán cầm đồ và cho vay nặng lãi nhiều nhất tại khu vực và tâm lý của sinh viên vì ngại mặt đường nên thường tìm đến các quán trong ngõ. Chỉ một đoạn ngõ khoảng 100-200m có tới hơn chục quán cầm đồ, có những quán lụp xụp, chỉ rộng chừng 10m2 cũng treo biển “Cầm đồ”.

Khu trường ĐH Kiến Trúc, HV An Ninh, HV Bưu chính viễn thông gần 20 hiệu cầm đồ. Đường Láng có tới 100 quán cầm đồ.

 
 Điều 163 Bộ Luật Hình sự.  Tội cho vay lãi nặng
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ  mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội  thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng  đến ba năm.
3. Người phạm tội  còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
 
(Vietnamnet) Nguyễn Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét