Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

09:14

Điểm nóng

Những chính sách kinh tế tranh cãi nhất 2011

Tăng tỷ quá mạnh, liên tiếp tăng giá điện xăng khi chống lạm phát, siết nhập khẩu ô tô, độc quyền vàng... đó có thể là chính sách đã được áp dụng hoặc mới chỉ đang dự thảo nhưng đã gây nóng trong suốt năm 2011.

1. Hai lần tăng giá, điện đắt thêm 20,28%
Lần đầu tiên, giá điện tăng tới 2 lần trong một năm, tổng tăng 20,28%. Lần thứ nhất, mức tăng là 15,28% vào ngày 1/3, cao nhất kể từ năm 2006 so với suốt 4 năm qua, mỗi năm, người dân đã quen với với nhịp chỉ 5 - 9% thì mức trên tưởng chừng sẽ là lần duy nhất cho cả năm 2011. Nhưng sự thật đã không phải vậy.
Sau đó, Chính phủ đã giao quyền cho EVN được tự được tăng giá điện trong phạm vi 5%, 3 tháng mỗi. Và EVN đã thực thị điều đó một cách rất hiệu quả. Ngày 19/12, EVN bất ngờ thông cáo tăng 5% và áp dụng ngày vào hôm sau 20/12/2011. Cú tăng giá này khiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội không còn cơ hội bày tỏ ý kiến như những lần trước
Đây là điều thật đáng lo ngại vì sắp tới, mặt hàng đặc biệt này sẽ còn tăng mạnh nữa và người dân vẫn không bao giờ biết được rõ lộ trình sẽ như thế nào?. Việc giao quyền tự động tăng giá cho EVN đang thực sự gây bất an cho dân chúng.  Liệu năm 2012, giá điện sẽ tăng thêm 20%, chia làm 4 lần hay không?
2. Siết chặt nhập khẩu ôtô, cãi rồi cũng đành cắn răng chịu thua
Thông tư 20 của Bộ Công Thương yêu cầu, kể từ 26/6/11, các đơn vị  kinh doanh ôtô ngoại muốn nhập khẩu xe mới nguyên chiếc phải đáp ứng 2 tiêu chí: thứ nhất phải được chính hãng ủy quyền, thứ hai phải có chứng nhận đủ điều kiện cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô.
Ngay lập tức, một lá đơn thống thiết, kiến nghị điều chỉnh lại quy định đã được gần 100 doanh nghiệp ký tên. Các cuộc họp của nhóm các nhà nhập khẩu liên tiếp diễn ra: bất bình, ức chế, cực lực phản đối... được bày tỏ. Mọi doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đều coi đây là việc đánh đố doanh nghiệp, thậm chí là chèn ép doanh nghiệp, dồn doanh nghiệp tới bờ vực phá sản.
Vì lẽ, thời gian 45 ngày có hiệu lực của Thông tư  không thể đủ cho doanh nghiệp xoay được tờ giấy "quyền phân phối" chính hãng. Kế nữa, đặc thù khiến yêu cầu trên trở thành bất khả thi là mỗi hàng xe đều chỉ có 1 nhà phân phối duy nhất tại một quốc gia nên sẽ không thể mở cửa thêm cho 1 nhà nhập khẩu thứ hai tại cùng một nước. Mặc dù chịu nhiều phản ứng gay gắt, nhưng phải nói rằng, đây là tuyệt chiêu của Bộ Công Thương trong chính sách kiềm chế nhập siêu từ trước tới nay. Còn các nhà nhập khẩu ôtô đành chịu "thua", chuyển hướng làm ăn khác.
3. Cấm kinh doanh vàng miếng và SJC trở thành độc quyền
Tháng 2, dư luận đã bắt đầu xôn xao thông tin, Chính phủ sẽ cấm kinh doanh vàng miếng. Đây được coi là giải pháp nhằm hạn chế đầu cơ vàng và kinh doanh vàng lậu, quản lý được cung cầu thực về vàng,  tránh đi những hỗn loạn giá vàng do giới đầu cơ đẩy lên.
Đầu tháng 11, dự thảo kinh doanh vàng được trình Chính phủ quy định, chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng. 7 đơn vị có tên tuổi như Công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu, Ngân hàng Á Châu (ACB), Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và hai doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp sẽ bị ra rìa.
Ngày 26/ 11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố trên diễn đàn Quốc hội, vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia của Nhà nước. Bởi lý do, SJC là thương hiệu chiếm tới 90% thị phần vàng miếng tại Việt Nam. Hệ quả là ngay sau đó, vàng nhãn hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu bị giảm giá mạnh, người dân lo lắng khi không đang nắm giữ vàng nhãn hiệu khác. Các doanh nghiệp còn lại lo ngại về việc sẽ phải ngừng kinh doanh vàng và thị trường. Chính sách này cũng ảnh hưởng tới hoạt động của hơn 10.000 cửa hàng vàng trên toàn quốc. Đặc biệt, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy vì độc quyền và ảnh hưởng tới thói quen tích trữ tài sản bằng vàng của người Việt Nam.
4. Giá xăng liên tiếp tăng khi cả nước chống lạm phát
Ngày 24/2, giá xăng dầu cũng bất ngờ tăng mạnh trong khoảng từ 2.100-3.550 đồng/lít tùy loại. Cơn bàng hoàng chưa qua thì chỉ hơn 1 tháng kế tiếp, ngày 29/3, mặt hàng xăng dầu lại vọt thêm từ 2.000-2.800 đồng/lít, kg tùy loại.
Cộng cả 2 lần dồn dập này, dầu diesel - đầu vào quan trọng của các nhà máy sản xuất tăng tới 43,05% và xăng, mặt hàng tiêu dùng quen thuộc như cơm gạo, thuốc đánh răng đã tăng tới 29,88%. Nhưng không thấm vào đâu so với cách "tính đủ" của Bộ Tài chính sau đó. Bởi lẽ 5 tháng trước đó, giá xăng dầu được giữ nguyên trong khi giá thế giới đã tăng liên tiếp.
Đã có ý kiến cho rằng, việc bắt buộc phải "thả" giá xăng ở biên độ cao như vậy có thể coi là một sự thất bại trong nỗ lực ổn định thị trường xăng dầu hồi đầu năm. Và tất nhiên, giá xăng dầu tăng đã góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chạm đỉnh 3,32%.
Bức xúc là đi kèm với tăng mạnh, tăng nhanh, các khoản lãi - lỗ khi đó của các doanh nghiệp xăng dầu chưa được kiểm chứng, công bố. Cho đến khi Petrolimex thực hiện IPO, lại thấy tuyên bố năm 2010 lãi 81,1 tỷ đồng, trước đó là năm 2009 lãi 2.880 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính đã buộc phải hoãn quyền tự định giá xăng dầu của doanh nghiệp như Nghị định 84/2009 quy định.
5. Bị truy thu thuế hàng nghìn tỷ đồng, DN ôtô dọa bỏ Việt Nam
Giữa năm 2011, cơ quan hải quan bỗng phát lệnh truy thu thuế nhập khẩu linh kiện ô tô tới hàng loạt hãng xe liên doanh trong nước. Theo đó, hãng xe ô tô Honda Việt Nam sẽ  bị truy thu tới 3.340 tỷ đồng, Ford Việt Nam khoảng 32 tỷ đồng, Toyota khoảng 2,7 tỷ đồng... Hãng bị "nặng" nhất là Honda bắt đầu lên tiếng dọa rời khỏi Việt Nam.
Đây là khoảng chênh lệch giữa thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc là 82% với mức thuế nhập khẩu từng linh kiện chi tiết ô tô chỉ trong khoảng từ 0-27%. Nguyên nhân là do trong suốt 5 năm gần đây, các hãng xe trên đã gian lận, nhập linh kiện không đảm bảo đủ độ rời rạc, đáng lẽ phải bị áp thuế theo thuế suất xe nguyên chiếc.
Ngay sau đó, hàng loạt đơn thư của các hãng ô tô gửi đi. Phía các doanh nghiệp FDI trên đều dẫn chiếu, việc thông tư hướng dẫn chính sách thuế áp dụng tiêu chuẩn rời rạc ban hành từ năm 2005 đã quá lỗi thời và cần sửa đổi. Các đại sứ quán như sứ quán Nhật Bản đều vào cuộc.
Bốn bộ quản lý gồm bộ Tài chính - KH&CN - GTVT - Công Thương phải họp khẩn để giải quyết. Và theo sự đồng ý của Thủ tướng, sự việc đã đi hồi kết với giải pháp tình thế bằng việc đưa ra cách tính thuế mới: áp thuế suất ưu đãi nếu tổng giá trị của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% trên tổng giá trị của tất cả linh kiện phụ tùng cấu tạo lên một chiếc xe hoàn chỉnh. Các hãng xe cũng thoát tội truy thu thuế.
(VEF.VN) Phạm Huyền tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét