Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Các bộ tranh cãi vì dự án sắt Thạch Khê

Cập nhật lúc 16:06

Sau khi Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đề xuất “hồi sinh” lại việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương bày tỏ đồng tình. Thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tỏ rõ sự băn khoăn trước nhiều vấn đề.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm “trọng tài”. Sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, Bộ KH-ĐT đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án gây nhiều tranh cãi này.

p/Khai thác quặng tại mỏ sắt Thạch Khê 
Khai thác quặng tại mỏ sắt Thạch Khê
Bộ KH-ĐT không đồng tình
Mới đây, Bộ KH-ĐT đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Cty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.
Theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Cty CP sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm. Điều này cũng được nhiều nhà đầu tư “ngầm xác nhận”. Bởi với trữ lượng thăm dò lên đến 544 triệu tấn, hàm lượng sắt cao, nằm tập trung, mỏ sắt Thạch Khê luôn nhận được sự quan tâm của các đại gia khai thác mỏ của thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua.
Thế nhưng, những nhà đầu tư đến rồi lặng lẽ rời đi. Bộ KH-ĐT cũng nhận định, sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỷ đồng), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài ra, theo Bộ KH-ĐT, Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án. Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng;...
Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Công ty sắt Thạch Khê để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang của Đề án 946.
Bộ Công Thương quyết liệt giữ
Theo Bộ Công Thương, việc đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn đồng thời dự án cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện. Bộ Công Thương cho rằng phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng DN theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ. Về hiệu quả kinh tế, Bộ Công Thương đánh giá, hiệu quả kinh tế của Cty CP Sắt Thạch Khê (dự án TIC) cập nhật tháng 3/2017 cao hơn so với dự án phê duyệt năm 2014.
Về năng lực tài chính của Cty CP sắt Thạch Khê và tính khả thi trong việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho rằng khi dự án được khởi động lại hoàn toàn có thể đáp ứng, Bộ này đã nêu rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 2/2017.
Dừng dự án, hơn 1.500 tỷ sẽ đi về đâu?
Tổng chi phí Công ty CP Sắt Thạch Khê đã đầu tư vào dự án (tính đến tháng 11/2016) là gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó lập dự án, thiết kế kỹ thuật là hơn 400 tỷ; địa chất, trắc địa, môi trường và rà bom mìn và 34 tỷ; bóc đất tầng phủ hơn 434 tỷ; mua một số loại xe, máy xúc, máy cẩu hơn 126 tỷ,...
Nói về hệ lụy do dự án tạm dừng từ 2011 đến nay, Bộ KH-ĐT nhìn nhận, nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư này sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư.
Các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa được giải quyết tái định cư đều bị ảnh hưởng, nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, mất niềm tin người dân nếu như địa phương không sớm công bố rõ về quan điểm và hướng triển khai dự án.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số hộ bị ảnh hưởng là gần 3.000 hộ, không được cấp đất mới, không được tách hộ, 3-4 thế hệ cùng ở trong một nhà.
Đó là chưa kể số tiền đã bỏ ra thuộc Đề án 946 (đề án phát triển bền vững kinh tế xã hội các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê) với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Giá trị thực hiện Đề án này ước đạt khoảng hơn 354 tỷ đồng.
Vì thế, cùng với đề xuất dừng dự án, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Công ty Sắt Thạch Khê để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang của Đề án 946..
(Theo DĐDN) Kiều Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét