Đưa biển số đẹp, sim điện thoại đẹp vào tài sản công?
Cập nhật lúc
15:00
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu
chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sáng ngày
10.1, ông Nguyễn Đức Hải cho biết: Một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện
thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, thương
hiệu, cơ sở dữ liệu,... vào nội dung phân loại tài sản công.
Sim số nằm
trong danh mục tài sản công?
Ông Nguyễn Đức
Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, trước ý
kiến góp ý nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và
cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật. Theo đó, kho số viễn thông và kho
số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến
điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác đều nằm trong danh mục tài sản
công.
"Một số
loại tài sản công cụ thể như cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình...
xin cho thể hiện tại các điều khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử
dụng của từng loại tài sản" - ông Nguyễn Đức Hải cho biết.
Về vấn đề khoán
xe công, ông Nguyễn Đức Hải cho biết: Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể
ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách
tính mức khoán và thời điểm áp dụng. Một số ý kiến đề nghị thẩm quyền quy
định mức khoán kinh phí không nên giao cho Bộ Tài chính quy định và bổ sung
thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe ô tô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối
với các ĐBQH chuyên trách.
Góp ý về vấn đề
này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, với đề xuất khoán kinh phí
xe ô tô đối với ĐBQH chuyên trách không giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ
Quốc. "Vì sao, vì Chính phủ là cơ quan quản lý thống nhất về kinh tế,
trong đó có chế độ định mức, việc mua sắm xe công, điều chuyển xe công, việc
khoán kinh phí đó chỉ là việc nhỏ nên thống nhất giao cho Chính phủ làm"
- ông Uông Chu Lưu nói.
Đồng tình với ý
kiến của ông Lưu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bổ sung thêm, cần có
quy định chung, chứ không phải trong một quốc gia nhưng cơ quan này khoán thế
này, cơ quan kia lại khoán thế khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
cũng cho rằng, Chính phủ thống nhất quy định khoán xe công, chứ không phải
đối tượng sử dụng xe công là ĐBQH chuyên trách thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội
quy định.
Góp ý thêm vào
điều 34 của dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự
thảo quy định cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải
chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang
nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức
chính trị - xã hội sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh
phí để bù đắp chi phí.
Theo ông Phúc
quy định như vậy là có vấn đề. Ông đặt câu hỏi, áp theo quy định trên thì hội
trường Diên Hồng của Nhà Quốc hội cho thuê có không được. Bởi mỗi năm Quốc
hội họp có 2 kỳ họp, nếu theo quy định trên có thể giữa 2 kỳ họp mang cho
thuê vì không sử dụng hết công suất. Tuy nhiên như vậy là không được, cần
phải quy định chặt chẽ hơn để tránh hiểu nhầm.
(Theo Dân Viêt) Ngọc Lương
Những con số, đẹp và chưa đẹp
Những cặp số 05-21-31-33-38-42; 03-05-08-10-13-22… hay
11-23-25-34-36-45… với mọi người chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên khi đó là kết
quả giải xổ số điện toán Vietlott vừa qua thì với người trúng giải, đó lại là
những số "siêu đẹp" bởi giá trị của nó lên tới nhiều chục tỉ đồng.
Những con số
như 6868, 8686, những cặp 4 số 6666, 8888, hay 9999… được không ít người coi
là "số đẹp" (trong tiếng Hán 6 là lục, nghe như từ lộc, 8 là bát,
âm như từ phát, 68 là lộc phát; cụm 4 số giống nhau gọi là tứ quý, 4 số 9 là
cửu tuyền v.v). Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm mang màu sắc duy tâm, không có
cơ sở khoa học hay thực tiễn, bởi không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra với
xe có biển "số đẹp"!
Gần đây dư
luận quan tâm hiện tượng đa số xe sang, đắt tiền mang những biển số được coi
là "rất đẹp". Việc cấp biển số xe nay đã được thực hiện bấm số tự
động ngẫu nhiên, khách quan. Tuy nhiên dư luận nghi vấn bởi rất ít người bấm
được những dãy số "đẹp" trong khi người sở hữu xe đắt tiền thường
lại rất "may mắn"! Xem ra quy trình bấm số chưa hẳn đã khách quan.
Và, chuyện
"số đẹp" vừa qua đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý
kiến cho các "số đẹp" (cả biển số xe, số điện thoại…) là tài sản
công, cần được thu về và đưa ra đấu giá thu tiền cho ngân sách nhà nước. Do
còn nhiều ý kiến khác nhau nên chuyện "tài sản số đẹp" chưa ngã
ngũ.
Lẽ thường kho
số điện thoại là sở hữu của doanh nghiệp viễn thông, kể cả khi đó là doanh
nghiệp nhà nước. Nếu dùng biện pháp hành chính can thiệp để thu lại các
"số đẹp" xem ra chưa thật hợp lí trong môi trường doanh nghiệp cần
được tự chủ kinh doanh. Còn giữ lại các "số đẹp" trong đăng kí
phương tiện giao thông cũng là không công bằng với người dân và doanh nghiệp
khi đăng kí, chẳng khác nào công ty xổ số giữ lại "kho số", không
cho ra số trúng thưởng! Giữ lại "số đẹp" của phương tiện giao thông
thì việc bấm số ngẫu nhiên có thể chẳng còn ý nghĩa!
Tóm lại những
số được coi là "đẹp" (của phương tiện, số điện thoại…) không nên
coi đó là tài sản công và thực tế cũng chưa có điều luật nào quy định. Nhà
nước muốn đó là tài sản công cần mua lại của doanh nghiệp hoặc cá nhân đã sở
hữu hợp pháp và tổ chức bán đấu giá. Cơ quan quản lí cần có biện pháp quản
lí, giám sát hữu hiệu trong việc bán số sim, trong cấp số đăng kí phương tiện
giao thông bảo đảm tính khách quan, công bằng, không để cá nhân hay tập thể
lợi dụng quyền hạn để trục lợi.
Những cặp số
luôn vô tri, có thể được coi là đẹp hoặc không đẹp nhưng cách quản lí của cơ
quan chức năng rất cần phải… đẹp!
(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng
|
Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét