Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Ông Lê Như Tiến: Chúc tết, tặng quà hay là hối lộ trá hình?

Cập nhật lúc 16:03

“Người ta bỏ cả chục nghìn đô, hàng trăm triệu trong một cái phong bì dày cộm thì đó có còn là chúc tết nữa không? hay đó là hối lộ trá hình?”.

Hối lộ trá hình?
Tiếp tục câu chuyên về việc chúc tết, tặng quà tết, hôm 5/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII cho rằng, tết chính là thời điểm thích hợp để người ta hợp thức hóa hành vi hối lộ trá hình.
Ông Tiến phân tích rõ: “Tết là khoảng thời gian quý báu người ta dành để thăm hỏi người thân, bạn bè.
Thuở xa xưa, ông cha ta thăm hỏi, chúc tết nhau chỉ bằng vài nải chuối, buồng cau, chục trứng gà... Điều này đã làm nên nét đẹp truyền thống của tết cổ truyền dân tộc.
Cũng không nên cực đoan suy nghĩ theo lối không cần chúc tết gì nhau cả. Nhưng quả thực mà nói, hiện nay việc chúc tết, tặng quà tết đã biến tướng đi nhiều.
Cứ gần tết là người ta thấy nườm nượp từ xe to đến xe nhỏ đến nhà lãnh đạo chúc tết, tặng quà.
Có trường hợp người ta rồi bỏ cả chục nghìn đô, hàng trăm triệu trong một cái phong bì dày cộm thì đó có còn là chúc tết nữa không? hay đó là hối lộ trá hình?
Hay cũng có khi người ta chờ đến tết để báo đáp, trả ơn nhau vì cấp trên đề bạt, ký quyết định bổ nhiệm cho cấp dưới.
Hoặc nếu cấp dưới chưa được đề bạt, bổ nhiệm thì mong được lãnh đạo chú ý trong thời gian tới”, ông Lê Như Tiến nói rõ.
 
Ông Lê Như Tiến (ảnh đăng trên Báo Đất Việt).

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, tết không chỉ là dịp cấp dưới chúc tết cấp trên mà còn là cơ hội để một số lãnh đạo cấp trên chưa gương mẫu, có điều kiện tăng thu nhập chưa chính đáng.
"Có trường hợp người ta lấy lý do đi thực tế, kiểm tra tết, nhưng họ kiểm tra, thăm hỏi thì ít, còn việc nhận quà biếu xén, đặc sản, phong bì to, phong bì nhỏ là chủ yếu.
Trong trường hợp này, cấp dưới cũng không bao giờ để cho cấp trên ra về tay không cả. Cho nên, bao giờ đơn vị/địa phương cũng phải chuẩn bị túi to, túi nhỏ một cách chu đáo cho khách.
Người ta thường nói đó là món quà thể hiện sự hiếu khách, mến khách, nhưng thực chất đó lại là hình thức hối lộ trá hình.
Cho nên để việc thăm hỏi, chúc tết, tặng quà tết trở về
đúng với ý nghĩa của nó, thì người ta chỉ nên đến với nhau theo nghĩa từ thiện, làm việc tốt (thăm hỏi bà Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công, khuyết tật, những người có công với cách mạng…), chứ không phải xuống cơ sở, lấy danh nghĩa thăm hỏi để nhận quà”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.
Ông Tiến nhấn mạnh tính gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện quy định chúc tết, tặng, nhận quà tết.
"Từ trước tới nay không phải không có quy định trong việc tặng quà, chúc tết, nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm, bởi bên cạnh quy định đã ban hành thì không có chế tài đủ mạnh để biến các giải pháp đó trở thành hiện thực. 
Mặt khác, để hạn chế việc chúc tết, tặng quà tết theo kiểu hối lộ trá hình cần nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu.
Nếu người đứng đầu không nghiêm túc, gương mẫu thì quy định này không có tác dụng.
Cho nên tôi đề nghị, người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cần làm gương, thực hiện nghiêm quy định để cấp dưới noi theo.
Mặt khác, cần tăng cường sự giám sát của quần chúng, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc chúc tết, tặng quà tết.
Khi phát hiện các hiện tượng tiêu cực thì đề nghị xử lý kịp thời", ông Lê Như Tiến đề nghị.
Khó phát hiện doanh nghiệp hối lộ cán bộ để xin xỏ
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không chỉ có cán bộ cấp dưới chúc tết, tặng quà cấp trên và ngược lại, dịp tết cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp có dịp biếu xén lãnh đạo các cơ quan công vụ nhằm đạt mục đích xin xỏ.
Do đó, trong quy định chúc tết, tặng quà tết không nên chỉ áp dụng đối cán bộ cấp dưới, cấp trên (...), mà cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn hơn về việc doanh nghiệp (chỉ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh) đi tết lãnh đạo các cơ quan công vụ để xin xỏ, hoặc tác động tới kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng nhằm có lợi cho doanh nghiệp mình.
"Chỉ khi nào xóa bỏ được cơ chế "xin - cho" thì mới hết chuyện cán cấp trên đi tết cấp dưới, doanh nghiệp đi tết lãnh đạo các cơ quan công vụ”, ông Lê Như Tiến nhận định.
 
Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (ảnh đăng trên Báo Thanh tra).

Trong khi đó, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho rằng, rất khó phát hiện, xử lý dấu hiệu vi phạm trong trường hợp doanh nghiệp chúc tết, tặng quà, biếu xén lãnh đạo cơ quan công vụ.
“Trường hợp doanh nghiệp đến chúc tết cán bộ, lãnh đạo các cơ quan công vụ theo ý nghĩa tình cảm thì chả ai cấm được.

Còn việc phát hiện doanh nghiệp chúc tết lãnh đạo để xin xỏ hay hối lộ thì rất khó phát hiện.
Cái này cần có quá trình nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra chứ làm sao mà kết luận ngay được chuyện biếu xén đó là vi phạm!", ông Đạt nói.
Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh, để hạn chế tình trạng trên, lãnh đạo các cơ quan công vụ cần gương mẫu thực hiện đúng quy định đã ban hành trong việc tặng, nhận quà tết.
"Nếu doanh nghiệp thì không tiếp, biếu xén thì không nhận quà thì ai người ta dám đến chúc tết, tặng quà nữa. Như thế mới cần lãnh đạo phải gương mẫu", ông Đạt nói.
(Theo Giáo dục VN) QUỐC TOẢN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét