Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Nhiều dự đoán cho năm 2017
Cập nhật lúc 08:45

2016 qua đi với nhiều gam màu xám. Năm 2017 sẽ diễn ra như thế nào? Giới phân tích cho rằng xét vào những diễn biến gần đây, Nga, Mỹ, Trung Quốc, EU tiếp tục là những “điểm nóng”...

2016 qua đi với nhiều gam màu xám. Năm 2017 sẽ diễn  ra như thế nào? Giới phân tích cho rằng xét vào những diễn biến gần đây, Nga, Mỹ, Trung Quốc, EU tiếp tục là những “điểm nóng” chi phối mạnh mẽ đời sống quốc tế trong năm 2017.
Nga - Một vị thế mới trên trường quốc tế
Thực tế cho thấy 3 năm qua, Nga đã phải đối mặt với không ít thách thức và áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, một loạt các quốc gia nằm trong Liêng bang Xô Viết trước đây như Ukraine, Moldova và Gruzia đều ngả về EU và NATO. Tất cả đã đặt nước Nga trước rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều khả năng 2017 sẽ là một năm tươi đẹp với Moscow. Trang tin của Tổ chức Phân tích thông tin tình báo “Stratfor” (Mỹ) mới đây dự báo rằng, vị thế của nước Nga tại châu Á và châu Âu sẽ được cải thiện trong năm tới. Theo “Stratfor”, sau sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), các cuộc bầu cử ở Pháp, Hà Lan, Đức trong năm tới nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm những chia rẽ tại châu Âu. Khi EU xáo trộn, nhiều khả năng việc kết nạp thêm thành viên mới như Ukraine, Moldova và Gruzia sẽ bì trì hoãn. Lúc ấy, các nước này sẽ phải tự “định giá” lại quan hệ với Nga. Ví dụ mới nhất là Tổng thống mới đắc cử của Moldova, ông Igor Dodon đã cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ quan hệ với Nga.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump không giấu giếm mong muốn cải thiện lại quan hệ với Nga. Trục quan hệ Nga - Mỹ ấm lên trong năm tới sẽ tạo ra nhiều tiền đề hợp tác mới đồng thời giảm bớt những hiềm khích trước đây. Từ đó cũng sẽ có thêm nhiều mối quan hệ quốc tế được cải thiện.

2017 sẽ là một năm tươi sáng với nước Nga? 
2017 sẽ là một năm tươi sáng với nước Nga?

Mỹ - Vẫn là đầu tàu của kinh tế thế giới?
Ba tuần sau khi công bố kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổ chức Tư vấn Ecofi Investments có trụ sở tại Paris (Pháp) đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 1,9% lên 2,7% cho năm 2017. “Chương trình của ông Trump bao gồm các biện pháp tăng chi tiêu công cộng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các biện pháp đó tạo đà cho tăng trưởng nhưng sẽ đẩy nợ công của Washington lên cao”, Ecofi Investments phân tích.
Lạc quan hơn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, dưới các chính sách điều hành kinh tế mới của Tổng thống Donald Trump, GDP của Mỹ sẽ tăng 3,3% vào năm 2017, cao hơn so với dự báo tăng trưởng của OECD cho Mỹ năm 2016 0,4%. Ngân hàng Thụy Sỹ Marabaud cho biết, chỉ riêng các dự án tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đủ sức mang lại 0,5 điểm tăng trưởng cho GDP của nước Mỹ. Việc Mỹ sẽ rút khỏi TPP và không thương lượng hiệp định thương mại quốc tế nào khác sẽ khiến đồng USD tăng giá, tạo áp lực lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Nước Anh - Tương lai bất định?
Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) vừa phát đi một tín hiệu lạc quan cho thấy, kinh tế Anh tăng trưởng 0,6% trong quý III/2016. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, mặc dù kinh tế nước này sẽ tránh được suy thoái, song khó tránh được suy giảm đà tăng trưởng năm 2017. Nguyên nhân một phần do hệ quả của Brexit, một phần do đồng bảng suy yếu sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng lên, kéo lạm phát tăng và khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách của Thủ tướng Anh Theresa May có thể khiến nền kinh tế “xứ sở sương mù” phải trả giá bằng việc không còn là thành viên Khu vực Thị trường chung châu Âu. Điều này chắc chắn sẽ đem lại nhiều “thiệt hại kép” cho nước Anh.
Sau sự kiện Brexit 23/6, giá đồng bảng Anh đã giảm khoảng 17% so với USD. Đồng bảng đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua sau khi nước Anh chọn kịch bản Brexit. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo nếu các cuộc đàm phán giữa Anh và EU liên quan đến Brexit diễn ra thuận lợi, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh sẽ vẫn chỉ đạt 1,1% trong năm 2017 (tức chỉ bằng một nửa mức dự báo).
Tại Anh, các cuộc đàm phán về Brexit sẽ gây bất ổn cho triển vọng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Cùng với đó, việc giá cả tăng vọt do đồng bảng Anh mất giá mạnh trong năm 2016 có thể dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu trong nước cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017.

 2017, một năm khó dự đoán với nước Anh.
2017, một năm khó dự đoán với nước Anh.

EU - Một năm 2017 nhiều sóng gió
Nhà phân tích Danielle Haralambous  thuộc Trung tâm Dự báo, Phân tích và Tư vấn rủi ro (EIU) cho rằng, việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU cách đây 6 tháng không tác động mạnh đến kinh tế EU. Tuy nhiên, nguy cơ kinh tế và chính trị có thể sẽ gia tăng trong năm 2017 khi Chính phủ Anh chính thức bắt đầu tiến trình Brexit. Đối với châu Âu, nguy cơ kinh tế đình trệ ở Anh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu ở các nước có quan hệ thương mại với London như Ireland, Hà Lan, Bỉ và Cyprus
Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm?
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) dự báo, kinh tế Trung Quốc trong năm 2017 sẽ tăng trưởng chậm còn 6,5% và đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ tiếp tục giảm giá so với đồng USD. Theo CASS, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với một loạt thách thức, từ sản xuất thép dư thừa và kém hiệu quả đến việc thoái vốn ồ ạt do các nhà đầu tư tìm kiếm dòng đầu tư ổn định hơn ở nước ngoài. Năm 2017, Trung Quốc dự báo sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp đặt các rào cản lớn với Trung Quốc và coi nước này là “thao túng tiền tệ”.

Trung Quốc đối mặt với tăng trưởng chậm. 
Trung Quốc đối mặt với tăng trưởng chậm.

Nhật Bản - Ðối mặt với nhiều áp lực
Nhật Bản có thể sẽ chỉ tăng trưởng kinh tế nhẹ trong năm 2017. Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm tài khóa 2017. GDP của Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng 0,8%.
Hiện Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tìm kiếm động lực mới cho nỗ lực chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài ở Nhật Bản. Thủ tướng Abe kêu gọi các công ty tăng lương trong năm thứ 4 liên tiếp. Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, mặc dù Nhật Bản tìm cách đạt được tăng trưởng kinh tế dựa trên nhu cầu nội địa lớn, nhưng nhu cầu bên ngoài ở các nước như Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại lớn của Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt chi phối kinh tế Nhật Bản trong năm tới.
(Theo SK & ĐS) N.Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét