Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Bắc Giang:

 Con đường thăng tiến hanh thông của vị “quan” liên tiếp ký cấp sổ đỏ trái luật

Cập nhật lúc 08:53

Từ việc ký cấp sổ đỏ cho em ruột “quan xã” trên phần đất thu hồi của người thương binh nặng Lê Văn Dinh đến việc ký cấp hàng loạt sổ đỏ vi phạm pháp luật, ông Nguyễn Đức Đăng đã có con đường “quan lộ” hanh thông kỳ lạ từ Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam đến Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.

Cho đến tận những ngày cuối năm 2016, câu chuyện UBND huyện Lục Nam bị người dân đồng loạt khởi kiện ra toà vẫn đang là đề tài thời sự nóng hổi tại địa phương này. Hiếm có một địa phương cấp huyện nào mà khi triển khai một dự án xây dựng đường tỉnh lộ lẽ ra phải được người dân một lòng ủng hộ lại xảy ra chuyện ngược đời là có đến cả trên dưới một trăm hộ ôm đơn một mực khởi kiện uỷ ban huyện ra toà.
Dù một thực tế phũ phàng là cả trăm lá đơn kiện uỷ ban huyện của những người dân ấy đã đồng loạt bị TAND huyện Lục Nam bác đơn khởi kiện, nghĩa là xử dân thua, huyện thắng. Vẫn không cam tâm, người dân lại đồng loạt kháng cáo lên TAND tỉnh Bắc Giang tiếp tục kiện UBND huyện Lục Nam. Và TAND tỉnh Bắc Giang tiếp tục xử bác đơn khởi kiện của hàng loạt hộ dân. Hai cấp toà tỉnh Bắc Giang xử thua, người dân không cam tâm, lại tiếp tục thảo đơn kêu cứu gửi Báo Dân trí và các cơ quan Trung ương.
 
 
Hàng loạt người dân bị thu hồi đất đã được cấp sổ đỏ không một đồng bồi thường đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà.
Hàng loạt người dân bị thu hồi đất đã được cấp sổ đỏ không một đồng bồi thường đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà.

Vậy đó là vụ kiện gì? Và tại sao những người dân lao động vốn bản chất lương thiện tại vùng đất nửa trung du nửa miền núi ấy lại bất bình đến như vậy?
Tiếp nhận đơn kêu cứu của nhiều hộ dân thuộc địa bàn các xã Cương Sơn, Nghĩa Phương, Vô Tranh, Trường Sơn, Lục Sơn - huyện Lục Nam (Bắc Giang), PV Dân trí đã vào cuộc thu thập tài liệu, xác minh và tìm hiểu về vụ kiện trường kỳ này. Đó là vụ người dân khởi kiện UBND huyện Lục Nam thu hồi đất của dân sinh sống ổn định hàng chục năm, đã được cấp sổ đỏ, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ nhưng không đền bù cho dân một đồng tiền nào.
Theo lời kêu cứu của các hộ dân, họ đang sinh sống hai bên ven đường tỉnh lộ 293. Khi dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ này được triển khai, họ bị cưỡng chế thu hồi đất nhưng không có quyết định thu hồi và không được đền bù một đồng tiền nào với phần đất ấy.
Khi làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Duy Quảng - Trưởng phòng TNMT huyện Lục Nam bao biện rằng: “Không phải UBND huyện không ban hành quyết định thu hồi đất mà ở đây liên quan trên 4000 hộ dân, mỗi 1 xã có thể có 1 hoặc 2 đến quyết định theo từng đợt chia ra. Đối với đất nông nghiệp, chúng tôi tính toán bồi thường và có quyết định thu hồi toàn bộ phần diện tích đó. Với các thửa đất ở, thì chúng tôi không tính toán bồi thường phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông theo chỉ giới hành lang và đồng thời chúng tôi cũng không ban hành quyết định thu hồi đất với diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông của đường tỉnh 293 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cắm mốc trước khi cấp quyền sử dụng đất.
 

Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của người dân được ông Hà Quốc Hợp - Chủ tịch UBND huyện Lục Nam ký. Ngay sau đó, người dân đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà.
 
Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của người dân được ông Hà Quốc Hợp - Chủ tịch UBND huyện Lục Nam ký. Ngay sau đó, người dân đồng loạt khởi kiện UBND huyện Lục Nam ra toà.

Một số trường hợp được cấp sổ đỏ nhưng trong sổ đỏ đã “cơ bản” thể hiện chỉ giới giao đất là phần hành lang an toàn giao thông rất rõ không cấp cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, còn có những trường hợp trong giấy chứng nhận không ghi rõ chỉ giới hành lang an toàn giao thông nhưng khi kiểm tra đơn xin cấp giấy của các hộ vẫn thể hiện hành lang an toàn giao thông”, ông Quảng trả lời.
Theo đơn kêu cứu, người dân cho rằng những phần đất bị thu hồi “trắng” đó, họ được ông bà tổ tiên để lại từ hàng chục năm trước. Vậy, điểm mấu chốt của vấn đề là thời điểm công bố công khai cắm mốc hành lang đường 293 là thời điểm nào? Khi đó, các hộ dân đã sinh sống lâu dài và ổn định trên các diện tích đó hay chưa? Lãnh đạo UBND huyện Lục Nam từ chối cung cấp thông tin trong buổi làm việc và hẹn PV Dân trí sẽ trả lời trong một buổi làm việc khác.
Điều bất thường phát lộ là trong khi người dân khốn đốn theo kiện thì “vị quan” ký quyết định cấp hàng loạt cuốn sổ đỏ vi phạm pháp luật đã liên tiếp thăng tiến.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng phòng TNMT huyện Lục Nam, người đại diện UBND huyện ký nhiều cuốn sổ đỏ trái pháp luật ấy là ông Nguyễn Đức Đăng, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam khi đó. Và điều bất ngờ, đây cũng chính là vị lãnh đạo huyện đã ký cấp sổ đỏ cho em trai chủ tịch xã trên phần đất thu hồi của người thương binh nặng khốn khổ Lê Văn Dinh trong loạt bài điều tra của Báo Dân trí trước đó.
Vậy sau đó ông Đăng ở đâu? Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Đăng, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam sau khi ký hàng loạt cuốn sổ đỏ vi phạm pháp luật đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện Lục Nam; Tiếp tục sau đó được bổ nhiệm làm Bí thư huyện uỷ Lục Nam và đến thời điện hiện tại đã được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang.
 
Ông Nguyễn Đức Đăng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang).
Ông Nguyễn Đức Đăng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang).


Một cuốn sổ đỏ của người dân đang khiếu kiện được ông Nguyễn Đức Đăng ký cấp.
 
Một cuốn sổ đỏ của người dân đang khiếu kiện được ông Nguyễn Đức Đăng ký cấp.

 
Ông Nguyễn Đức Đăng cũng chính là người ký quyết định cấp cuốn sổ đỏ cho em trai quan xã trên phần đất tước đoạt của người thương binh nặng khiến gia đình thương binh Lê Văn Dinh khốn đốn, hơn 20 năm đi khiếu kiện.
Ông Nguyễn Đức Đăng cũng chính là người ký quyết định cấp cuốn sổ đỏ cho em trai "quan xã" trên phần đất tước đoạt của người thương binh nặng khiến gia đình thương binh Lê Văn Dinh khốn đốn, hơn 20 năm đi khiếu kiện.

Có lẽ vì vậy mà khi PV Dân trí đặt câu hỏi với ông Nguyễn Đức Toàn - Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam: “Phía huyện cho rằng những diện tích đất mà UBND huyện Lục Nam thu hồi đó nằm trong hành lang giao thông được cấp trái thẩm quyền, vậy UBND huyện Lục Nam đến giờ đã chính thức có văn bản báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật với tập thể, cá nhân ký cấp các cuốn sổ đỏ đó hay chưa?”, phải rất khó khăn để ông Toàn trả lời rằng chưa bao giờ UBND huyện Lục Nam thực hiện điều ấy.
Và cũng thật kỳ lạ, trong nhiều bản án của TAND huyện Lục Nam và TAND tỉnh Bắc Giang khi ra quyết định bác các nội dung khởi kiện của người dân đều không hề có một chữ nào đề nghị xử lý trách nhiệm của vị quan ký cấp hàng loạt cuốn sổ đỏ trái pháp luật này.
Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Riêng đối với những cán bộ lãnh đạo đặt bút ký cấp sổ đỏ vi phạm pháp luật như ông Nguyễn Đức Đăng cần phải bị xem xét rõ trách nhiệm. Bởi lẽ, hệ lụy của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định trong trường hợp này là rất nghiêm trọng, nhiều hộ dân phải đối diện với cảnh mất trắng nhà đất, không có nơi ở, mà với họ đó có thể là cả gia tài. Tôi cho rằng, việc làm trên của ông Nguyễn Đức Đăng là Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, UBND huyện Lục Nam, UBND tỉnh Bắc Giang, thậm chí là Cơ quan cảnh sát điều tra cần vào cuộc điều tra xác minh, xác định rõ trách nhiệm, có biện pháp xử lý ngay, nếu có dấu hiệu của tội phạm thì phải khởi tố hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân”.
(Theo Dân trí) Anh Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét