Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Nhiều Bộ không trả trụ sở cũ: Gót chân Achilles là...

Cập nhật lúc 09:49  
(Tin tức thời sự) - Nếu các Bộ nhất định không trả lại trụ sở cũ, thì cứ người đứng đầu các Bộ mà xử lý, tốt thì khen, dở thì phải phê bình.
Trách nhiệm có cả của HN
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về việc thực hiện công tác di dời cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành.
Trong đó, có 5 Bộ và 4 cơ quan được bố trí đất, đã xây dựng trụ sở mới, nhưng có tới 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.
Trước thực trạng trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 2/1, TS Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: "Thực tế đây là các cơ quan, các Bộ ngành chứ không phải văn phòng tư nhân, mà để xảy ra tình trạng này thì không chỉ có trách nhiệm của Bộ đó, mà còn là vấn đề quản lý của nhiều cơ quan khác nhau.
Mặt khác, việc di dời trụ sở sang chỗ mới từ lúc triển khai đến bây giỡ vẫn không có chương trình, kế hoạch, sự chỉ đạo nào cụ thể, tất cả chỉ mang tính tự phát, chưa có chế tài rõ ràng.
 Nhieu Bo khong tra tru so cu: Got chan Achilles la...
Trụ sở mới của Bộ TN-MT đã đi vào hoạt động nhưng Bộ này vẫn giữ trụ sở cũ ở Nguyễn Chí Thanh
Chúng ta ai cũng biết, mục đích chính của việc di dời các trụ sở ra khỏi nội thành là để không tập trung quá nhiều người vào trung tâm, tạo sức nặng cho giao thông đô thị. Vậy tại sao di dời đi lại cho xây nhà ở để tăng thêm dân, mật độ giao thông lại tăng thì mục đích di dời làm sao đạt được.
Còn thực trạng các Bộ di dời đến trụ sở mới mà vẫn giữ trụ sở cũ, có 2 lý do:thứ nhất, trong thời gian qua các Bộ, ngành bị "phình" tổ chức ra nhiều, trong khi, xây dựng mới chỉ đáp ứng được 1 phần, trong khi còn rất nhiều bộ phận khác vẫn cần có trụ sở.
Thứ hai, khi Hà Nội cấp đất cho họ chuyển sang trụ sở mới xây dựng không có trách nhiệm thu hồi trụ sở cũ, không có cam kết cụ thể, nên không xử lý được.
Để thấy, ở  đây có cả trách nhiệm của HN. Đáng lẽ việc di dời phải có tổ chức. HN phải có phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo cấp cap hơn, vì HN là thủ đô chứ không phải thành phố thông thường, chứa đựng các cơ quan của trung ương. Việc di chuyển cũng phải có trách nhiệm của HN ở trong đó, chứ không phải chỉ kêu khó khăn là xong".
Bên cạnh đó, theo ông Liêm, các trường hợp giữ lại trụ sở cũ thì phải xem xét tận nơi cụ thể, bản thân ông cũng chưa thể khẳng định các Bộ, ngành giữ lại đúng hay không đúng, có nhu cầu hay không có nhu cầu, vì mỗi Bộ sẽ có những thực tế khác nhau.
Như trụ sở ngày xưa của Bộ KHCN rất bé, mà lại nhiều tổ chức, đơn vị, giờ đã xây ra chỗ mới, chắc cũng chỉ chứa đủ cho khối văn phòng Bộ, còn các cơ quan trực thuộc Bộ, Viện nghiên cứu vẫn cần trụ sở.
Hay như trường hợp của Bộ Công an xây tại trụ sở mới vô cùng to, thoải mái cho các khối làm việc tại một địa điểm, nhưng họ vẫn giữ lại trụ sở cũ, ở đây chắc chắn không phải thiếu chỗ làm việc.
Còn với các đơn vị như Tòa án nhân dân tối cao nếu chuyển đi thì nên để lại cho Tòa án HN, vì hiện nay HN mấy triệu dân mà tòa án diện tích bé không đáp ứng được nhu cầu, nếu cùng ngành với nhau, chuyển đổi lại là tốt nhất.
Thế nên, việc cho ở lại hay không thì phải được xem xét cụ thể, chứ họ không thể tự ý quyết định, vì nhà đó là công sản chứ không của riêng ai.
Nguyên nhân của việc không muốn trả lại trụ sở, ông Liêm chỉ rõ: "Họ giữ lại là vì một lợi ích nào đó, còn chính đáng hay không thì cần phải làm rõ".
Nên giao Bộ Xây dựng đứng đầu chủ trì việc di dời
Theo báo cáo của Hà Nội, thì có 2 đơn vị xin chuyển đổi mục đích sử dụng, Bộ Ngoại giao sẽ đến trụ sở mới trên Đại lộ Thăng Long, khu đất hiện tại của Bộ dự kiến thành Nhà làm việc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ (theo quy hoạch Khu trung tâm chính trị hành chính Ba Đình).
Bộ Nội vụ đã chuyển về trụ sở mới ở phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy. Khu đất cũ tại số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng được giữ làm trụ sở các đơn vị và trường đào tạo cán bộ thuộc Bộ Nội vụ.
Ông Liêm cho hay: "Vị trí của Bộ Ngoại giao mà để làm trụ sở các nhà làm việc của Đảng, Quốc hội theo quy hoạch khu trung tâm chính trị là rất đúng.
 Nhieu Bo khong tra tru so cu: Got chan Achilles la...
Trụ sở mới của Bộ Nội vụ
Còn vị trí của Bộ Nội vụ mà để lại làm trường đào tạo cán bộ theo tôi là không nên, vì không phù hợp, chuyển trụ sở để giảm bớt mật độ người tham gia giao thông khu vực đó, giờ lại làm trường đào tạo thì sẽ tập trung người vào đó, gia thông lại ùn tắc như trước.
Theo tôi, bây giờ Chính phủ nên giao Bộ Xây dựng xem xét việc chuyển đổi mục đích có phù hợp không, rồi hãy phê duyệt".
Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để chủ trương di dời các trụ sở Bộ ngành ra ngoại thành được thực hiện bài bản, có hiệu quả thì Chính phủ cần có một quy định về vấn đề này, ủy quyền cho một Bộ đứng ra tổ chức việc di dời các tổ chức, việc này nên giao cho Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng căn cứ vào đó rồi bàn với các Bộ, tính toán nhu cầu của từng Bộ, rồi lập chương trình, phối hợp với TP Hà Nội về các địa điểm đất đai, hạ tầng, lập ra một chương trình di dời, sử dụng đất cũ cho phù hợp quy hoạch.
Đất cũ có thể trở thành một công trình công cộng như trường học, nhà trẻ, công viên, sân chơi, thiếu gì thì làm cái đó. Nếu làm nhà ở thì cũng có thể nếu ở các khu nhiều công sở, thiếu nhà ở, thì làm nên nhân viên ở cũng sẽ không phải đi lại, hạn chế ách tắc giao thông, nhưng cấm không được nên cao tầng.
Tóm lại, theo vị chuyên gia, làm gì cũng phải có quy hoạch chứ không để muốn làm gì thì làm.
Chỉ rõ hiện trạng việc xây dựng vào khu đất vàng trong đô thị, đó là mục tiêu của các nhà kinh doanh BĐS, ông Liêm khẳng định lại: "Muốn xây dựng ở đâu trong thành phố thì phải theo quy hoạch, phải theo giấy phép, quy hoạch không cho làm, mà vẫn cấp phép vậy thì cấp phép có đúng không, tất nhiên là sai, nhưng không ai xử lý, chỉ kêu ca.
Thủ tướng vừa rồi khẳng định phải làm rõ, quy hoạch nào cho phép, ai cho phép, làm rõ tất nhiên không phải chỉ biết tên tuổi, mà là chế tài, làm gương, ngăn chặn.
Ví dụ điển hình nhất là khu đất Triển lãm Giảng Võ (Láng Hạ), nếu muốn xây ở đó thì phải kết hợp cải tạo, quy hoạch khu chung cư cũ tại đây, nhưng vẫn chưa làm được. Mà thực tế ở đây không ai cấp phép không cho ai cái gì, nếu không có bôi trơn".
Quy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý mạnh
Để tránh được lợi ích nhóm mà chỉ sử dụng vào thương mại, nguyên quan chức Bộ Xây dựng đưa giải pháp: "Cần ủy quyền cho 1 Bộ rồi bàn với các Bộ khác, thành một chương trình, có cơ chế, mục tiêu rõ ràng.
Trong đó, làm trụ sở mới phải có tiền chứ không thể xin ngân sách, phải có kế hoạch, hiện nay cứ tự phát, mạnh ai nấy làm là không chấp nhận được.
Còn nếu các Bộ không làm đúng, thì cứ người đứng đầu các Bộ mà xử lý, tốt thì khen, dở thì phải phê bình, tránh khen chê chung chung. Như vừa qua Thủ tướng nói phải làm rõ quy hoạch nào cho phép, ai cho phép, sai thì phạt.
Tôi rất hy vọng vào Chính phủ kiến tạo, vì có nhiều cơ sở để hy vọng, mới được 1 năm nhưng đã có một số chuyển biến tích cực, mong cách quản lý tiến bộ hơn".
(Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét