Cuộc đổi ngôi thế lực
Cập nhật lúc 09:37
Còn quá sớm để nói lệnh ngừng bắn mới nhất trên toàn nước Syria - do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - có thành công hay không. Nhưng chỉ riêng chuyện ra được lệnh ngừng bắn đó đã cho thấy một sự đổi ngôi lớn ở chảo lửa Trung Đông.
Ông
Henry Luce, người sáng lập tạp chí Time, mô tả 20-12-2016 là ngày “Thế
kỷ Mỹ sụp đổ”. Đó là ngày ngoại trưởng 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ
Kỳ gặp nhau ở Moscow để bàn cách chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 6 năm ở
Syria, vốn đã chôn vùi hơn 400.000 sinh mạng. Tới ngày 29-12, Tổng thống Nga
Vladimir Putin công bố lệnh ngừng bắn nêu trên và phác thảo bước tiếp theo là
chính phủ Syria và các nhóm đối lập đàm phán ở Kazakhstan vào tháng 1-2017.
Cây
bút Richard Cohen ví von trên tờ The Washington Post rằng “người Nga đã thổi
bay ảnh hưởng của Mỹ vào không khí”, còn cây bút Charles Krauthammer viết:
“Lần đầu tiên trong vòng 4 thập kỷ, Mỹ - cường quốc thống trị khu vực một
thời - bị gạt ra lề”. Không chỉ Mỹ, báo Le Monde của Pháp lưu ý Liên minh
châu Âu cũng thành người thừa trong khi đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria
Staffan de Mistura không được mời. Một mặt khen ngợi Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran
tạo ra bước chuyển địa chính trị ở Trung Đông, mặt khác tờ The Moscow Times
(Nga) cũng chỉ ra mong muốn rút chân khỏi vũng lầy Syria của Nga khi cuộc bầu cử tổng thống Nga đang đến gần.
Từ trái qua phải: Ngoại trưởng Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp
báo sau cuộc gặp ở Moscow hôm 20-12 Ảnh: AP
“Nga
biết không ai cho không ai cái gì. Muốn có phải giành lấy và sự rút lui của
Mỹ khiến tình hình trở nên dễ dàng” - ông Andrew J. Tabler, chuyên gia của
Viện Chính sách Cận Đông Washington, phân tích với tờ The New York Times.
Ngay từ khi nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã
một mực không cho Mỹ tham chiến trực tiếp, khiến lực lượng nổi dậy chống Tổng
thống Bashar al-Assad nổi giận. Tiếp đó, Mỹ chuyển hướng sang không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo
(IS) tự xưng và hỗ trợ
lực lượng người Kurk. Chính sách mới làm đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ nóng mặt bởi
trong mắt Ankara, lực lượng này đồng nghĩa với khủng bố.
Viết cho Reuters, GS Mohamad Bazzi của
Trường ĐH New York tin rằng việc quân đội Syria tái chiếm TP Aleppo từ phe
nổi dậy mới đây “sẽ thay đổi vai trò của Mỹ và Nga ở Syria”. Đồng thời, chiến
dịch Aleppo cũng chứng tỏ Ankara, với quân đội mạnh thứ hai NATO, đã “xoay
trục” sang Moscow, theo chuyên gia Aaron Stein của Hội đồng Đại Tây Dương
(Mỹ). Với việc ngả theo Nga, Ankara hy vọng tạo ra được “khu vực thân thiện
với Thổ Nhĩ Kỳ” ở miền Bắc Syria, qua đó cản đường người Kurd áp sát biên
giới mình.
Tuy
nhiên, không phải mọi chuyện đều “xuôi chèo mát mái” giữa bộ ba quyền lực
mới. Tháng trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quân đội Thổ Nhĩ
Kỳ vào Syria là để lật đổ ông Assad trong khi Tổng thống Putin vừa nhấn mạnh
Nga dù bắt đầu giảm hiện
diện quân sự nhưng vẫn
ủng hộ “chính phủ hợp pháp của Syria”. Moscow Times cho hay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
muốn đưa Syria thành liên bang, trong đó quyền lực của ông Assad bị hạn chế
nhưng vẫn được nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 5-2018.
Ngoài ra, theo đài CNN, Ankara muốn
nhóm Hezbollah rời Syria - điều mà Iran chắc chắn không hài lòng. Tình hình
càng thêm phức tạp bởi thành phần các nhóm nổi dậy Syria tham gia lệnh ngừng
bắn Nga - Thổ. Bộ Quốc phòng Nga thông báo các nhóm có ảnh hưởng như Ahrar
al-Sham và Jaysh al-Islam đã tham gia song quân đội Syria khẳng định loại
Fateh al-Sham, nhóm “mẹ” của Ahrar al-Sham (được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn) khỏi
lệnh ngừng bắn.
Về phần mình, Ahrar al-Sham tuyên bố
“ngón tay họ vẫn còn trên cò súng” và trong trường hợp họ quyết đấu, các nước
vùng Vịnh - đặc biệt là Qatar và Ả Rập Saudi - nhiều khả năng sẽ tăng cường
hỗ trợ các nhóm tẩy chay đàm phán. Chưa hết, dù vai trò mờ nhạt hơn, nhất là
khi Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn không mặn mà với chiến cuộc
Syria, nhưng Mỹ vẫn chưa “buông” hẳn Syria.
(Theo Người Lao động) MỸ NHUNG
|
Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét