Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Chi 19.000 tỷ đồng đào than/năm: Than rẻ sao không nhập?

Cập nhật lúc 09:15   

(Thị trường) - Trữ lượng than của Việt Nam không nhiều cho nên chúng ta nên để dành tài nguyên trong nước bằng việc đẩy mạnh nhập khẩu than.

Đó là khẳng định của PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam với Đất Việt xung quanh Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét đến 2030 mới được Chính phủ ban hành năm 2016.
PV: - Theo Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét đến 2030 mới được Chính phủ ban hành năm 2016, nhu cầu sử dụng than của Việt Nam thời gian tới sẽ liên tục tăng. Cụ thể đến năm 2020 là 86,4 triệu tấn, năm 2030 lên 256 triệu tấn.
Quy hoạch cũng cho biết sẽ tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than, tăng tiến độ các đề án thăm dò mới tại Bể than Đông Bắc, Bể than sông Hồng, các mỏ than nội địa khác và đề án thăm dò than bùn…
Ông nhìn nhận như thế nào trước Quy hoạch trên? Theo ông, trữ lượng than của Việt Nam hiện nay có đáp ứng được những vấn đề mà Quy hoạch ngành than đề ra hay không?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: - Than lưu thông trên thị trường thế giới hiện nay chủ yếu là than bitum và á bitum, là những loại than được dùng trong các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) nên được gọi là Steam Coal, là loại than dễ cháy, nhiều chất bốc.
Trong khi đó trữ lượng than của Việt Nam không nhiều, chủ yếu là than antraxit, khó cháy, không đủ cung cấp để sản xuất điện. Sản lượng khai thác than khoảng 70 triệu tấn/ năm (sản lượng được coi là giới hạn), trong đó lượng than hàng năm cho điện khoảng 35-40 triệu tấn thì cũng chỉ sau vài chục năm nữa lượng than trong nước sẽ hết.
Vì vậy với Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét đến 2030 mới được ban hành năm 2016 tôi cho rằng cần phải xem xét hết sức thận trọng, đánh giá khách quan giữa tình hình trong nước và thị trường thế giới.

 Chi 19.000 ty dong dao than/nam: Than re sao khong nhap?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa chia sẻ nhiều điều xung quanh quy hoạch ngành than

Thực tế để tăng sản lượng than thì cần phải đầu tư rất nhiều tiền vào việc khai thác các mỏ. Hơn nữa từ đầu tư cho đến khi bắt đầu khai thác nhanh cũng phải mất 5 năm. Xét trong bối cảnh hiện nay, để làm việc này cũng không phải đơn giản.
Tôi xin được phân tích cụ thể từng Bể than mà Quy hoạch đề ra.
Thứ nhất, Bể than Đông Bắc trữ lượng không có nhiều. Giả dụ có tìm thêm được những mỏ mới thì phải cần thêm thời gian mới đầu tư được. Cho nên hiện nay trong quy hoạch than vẫn chỉ dừng lại ở sản lượng có thể khai thác được 2,2 tỷ tấn.
Thứ hai, Bể than sông Hồng, trữ lượng hiện nay khoảng 20 tỷ tấn nhưng khai thác cực khó khăn. Than ở Đồng bằng sông Hồng chủ yếu là than nâu và than á bitum. Đây là than dùng cho nhiệt điện rất tốt. Nhưng nó ở dưới sâu, với địa hình Đồng bằng Bắc Bộ là đất mượn nên khó khai thác. Nếu chúng ta khai thác xuống sâu thì vấn đề hầm lò phải hết sức chú ý. Nếu sập mỏ, nước tràn vào có thể chết công nhân. Hiện nay để giải quyết việc này, chúng ta cũng tiến hành liên doanh với Nhật Bản và đề xuất phương án khí hóa để chạy phát điện. Phương án này khai thác than là rẻ nhất nhưng lại có nhược điểm quá trình khí hóa than là quá trình mất năng lượng.
Thứ ba, các mỏ than nội địa ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Núi Hồng, Khánh Hòa rất bé, than bùn cũng không đáng kể.  Vì vậy việc đẩy mạnh khai thác than không phải là biện pháp tốt nhất, có lợi về kinh tế trong điều kiện hiện nay.
PV: - Quy hoạch phát triển ngành than cũng nêu rõ, nhu cầu vốn đến năm 2030 ngành than cần là 96.566 tỷ đồng vốn đầu tư, bình quân là 19.313 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2021-2030 vốn đầu tư lên tới 172.437 tỷ đồng đầu tư để duy trì và mở rộng sản xuất, bình quân vốn đầu tư ngành than mỗi năm là 17.934 tỷ đồng.
Theo ông, việc mỗi năm nhà nước bỏ ra số tiền gần 20.000 tỷ đồng có nhiều quá không? Chúng ta nên tập trung vào dự án nào trong quy hoạch trên thưa ông?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: - Theo tôi đầu tư nhiều tiền hay ít tiền không quan trọng. Khi đầu tư vào quy hoạch than hay bất cứ 1 dự án nào đó thì phải tính đến toàn bộ đời sống của dự án. Bên cạnh đó là điều kiện để nó hoạt động trong đời sống đó sao cho hiệu quả kinh tế đạt được cao nhất.
Tôi lấy ví dụ, đầu tư khai thác mỏ than nhưng chỉ trong 15 năm hết tài nguyên sẽ khác hoàn toàn với đầu tư những mỏ có thời hạn lên tới 50 năm. Để hoạt động có hiệu quả thì đầu tư phải tính toán rất kỹ.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần xem xét tương quan về sản lượng dự án sản xuất ra so với thị trường chung của thế giới. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thế giới với nhiều hiệp định tự do thương mại. Trong thời gian tới các quốc gia cùng khối Đông Nam Á như Indonesia có thể xuất khẩu than sang Việt Nam. Do đó trước khi đầu tư phải cân nhắc lợi hại.
Tiếp theo, chúng ta đang thiếu trầm trọng tiền. Đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngành than là đầu tư công nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư ấy làm sao phải mang lợi ích, nhanh chóng thu hồi vốn để đầu tư tiếp cho những dự án khác. Nếu đầu tư mà chúng ta không thu được lợi hoặc nguồn lợi kéo dài thì phải xem lại.
Trong điều kiện hiên nay, nhập khẩu không hẳn có hại nên chúng ta phải cân nhắc việc này. Nhiều người hiện nay lo ngại rằng nếu nhập khẩu than nhiều quá sẽ dẫn đến khủng hoảng ngành năng lượng. Tôi cho rằng đánh giá như vậy có phần tiêu cực và hơi hình thức, giáo điều.
Các nước trên thế giới họ đều nắm bắt rất nhanh cơ chế thị trường. Nước Anh thời nữ thủ tướng Margaret Thatcher đã đóng cửa các mỏ than trong nước vì lương công nhân cao quá. Thay vào đó nước Anh đã quyết định nhập than từ nước ngoài để giảm giá thành sản xuất.
Nước Nhật cũng vậy. Hàng năm họ cũng nhập hàng trăm triệu tấn nhưng nền kinh tế vẫn phát triển rất tốt. Đấy là cái Việt Nam phải tính. Đời sống của chúng ta lương chưa cao nên phải xem xét kỹ. Nếu khai thác dễ thì có thể tính toán nhưng ở đây khai thác không hề đơn giản, tốn kém nhiều hơn. Đây là bài toán mà ngành than phải cân đối chứ không thể căn cứ vào nhu cầu rồi đặt ra sản lượng phải có.
Như tôi đã nói ở trên, trữ lượng than của chúng ta không nhiều, để khai thác cũng rất khó khăn và tốn thời gian. Tuy nhiên về lâu dài Việt Nam vẫn phải làm.
Đối với Bể than Đông Bắc việc thăm dò thêm vẫn phải làm vì đó là tài nguyên của đất nước. Việc này sẽ giúp chúng ta xác định tài nguyên rồi từ đó xác định trữ lượng có thể khai thác được phục vụ cho các ngành kinh tế. Nhưng đây là việc lâu dài.
Còn đối với Bể than sông Hồng, việc đẩy mạnh khai thác là cần thiết nhưng than khai thác ra phải cân đối với giá than của thế giới. Chúng ta cần phải sử dụng tiết kiệm để dành lại cho đời sau. Không ai đẩy mạnh khai thác than khi giá than thế giới rẻ cả.
PV: - Như ông chia sẻ, trữ lượng than của Việt Nam hiện nay không nhiều. Hơn nữa chất lượng than chúng ta được đánh giá kém, không thuận lợi cho các hoạt động sản xuất. Nếu tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác vào thời điểm này liệu có hiệu quả không hay thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: - Đúng là than của Việt Nam hiện nay chất lượng rất xấu. Các nhà máy điện đốt than  đều kêu trời vì điều này. Do đó, nếu tiếp tục đầu tư  mở rộng khai thác than thì sản xuất sẽ không hiệu quả. Việc này đương nhiên khiến giá than của Việt Nam cao hơn so với thế giới. Đồng nghĩa với việc giá điện sản xuất ra đắt hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh.
Vì sao lại khẳng định than Việt Nam chất lượng kém?. Điều này những người làm trong nghề đều thừa nhận.
Thứ nhất, than Việt Nam chủ yếu là than antraxit khó cháy (than đá già nhất). Như mỏ than Vàng Danh, có những vỉa mà chất bốc chỉ dưới 2%, còn than phổ biến của chúng ta chất bốc cũng chỉ khoảng 6%.
Trong khi đó than á bitum nhập khẩu của Indonesia, chất bốc lên tới 50 %. Đó là loại than na ná như than Na Dương, tức là có thể tự bốc cháy. Chất bốc cao nên dễ cháy kiệt dẫn đến hiệu suất tăng lên.
Hơn nữa, than antraxit của Việt Nam hiện nay hàm lượng cacbon chưa cháy còn lại trong tro tương đối lớn, phổ biến từ 15-20%. Cho nên tro đen, không có màu trắng. Trong khi đó nếu đốt than á bitum nhập khẩu nhiều chất bốc nên dễ cháy kiệt, hàm lượng cacbon còn lại trong tro rất bé.
Thứ hai, do trong tro có lẫn nhiều cacbon chưa cháy nên tro khó dùng làm nguyện liệu chất lượng để sản xuất vật liệu xây dựng.
Thứ ba, tro của nhà máy điện có thể dùng làm bê tông đầm lăn để xây dựng các đập lớn, có thể kích thước mấy chục mét. Cho nên các đập lớn người ta không dùng bê tông đông kết mà dùng bê tông đầm lăn như đập thủy điện Lai Châu, Sơn La, thủy nông lớn.
PV: Có ý kiến cho rằng Việt Nam thay vì khai thác tràn lan như hiện nay thì nên chú trọng đến việc siết chặt vấn đề xuất lậu than diễn ra khá phức tạp thời gian qua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông ngành than cần phải có sự tính toán như thế nào để khai thác, sử dụng tốt nguồn tài nguyên trong nước cũng như hạ giá thành sản phẩm.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: - Đúng là hiện nay đang có tình trạng xuất lậu than ra nước ngoài thông qua các cửa khẩu. Về góc độ kinh tế khi việc này xảy ra thì nhà nước mất đi nguồn thu thuế, các công ty khai thác than cũng bị thiệt hại.
Bản chất của việc xuất lậu than nằm ở chỗ có sự móc ngoặc với nhau để lấy lợi ích. Tuy nhiên theo đánh giá của tôi sản lượng không phải quá nhiều. Nhưng về mặt quản lý nhà nước, chúng ta vẫn phải siết chặt vấn đề này.
Ngoài ra, để giảm bớt nhu cầu than nội địa cho các NMNĐ vốn được thiết kế đốt than nội địa, các NMNĐ này cần chuyển sang đốt than trộn với than nhập khẩu. Việc này sẽ cải thiện chất lượng than và do đó cải thiện quá trình đốt cháy than, nâng cao hiệu suất lò hơi và giảm lượng than tiêu thụ. Đồng thời giảm bớt nhu cầu than nội địa, tranh thủ nhập than khi giá than trên thị trường thế giới đang giảm thấp. 
Khối lượng than nhập khẩu sẽ rất lớn, cần có những chỉ đạo về chủ trương, về các biện pháp cụ thể để nhập khẩu than, vận chuyển than và trộn than cho từng NMNĐ, tiến tới xác định ra một loại than thiết kế mới (than trộn) ổn định cho mỗi NMNĐ, từ đó các NMNĐ có thể xây dựng được các chế độ vận hành tối ưu theo loại than sử dụng mới.
PV: - Cảm ơn PGS.TS Trương Duy Nghĩa đã chia sẻ với Đất Việt!
(Theo Đất Việt) Nguyễn Hoàn thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét