Đạm Ninh Bình xin thêm ưu đãi: Sao bắt dân gánh lỗ?
Cập nhật lúc 09:00
(Doanh nghiệp) - Những đề
nghị của Đạm Ninh Bình không có cơ sở khoa học và trong điều kiện hiện tại
của đất nước thì không thể chấp nhận những yêu cầu như vậy.
Căn cứ nào giảm lỗ 250 tỷ?
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam
(Vinachem), vừa báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương
Đình Huệ về tình hình kinh doanh trong năm 2016 và kế hoạch năm 2017 của Nhà
máy Đạm Ninh Bình.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, tính đến hết năm 2016, Nhà máy Đạm Ninh
Bình đã thua lỗ hơn 3.300 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2013 nhà máy lỗ 906 tỷ đồng,
năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và năm 2016 lỗ khoảng 1.078
tỷ đồng. Công ty đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như trả nợ lãi vay.
Năm 2016, công ty dự kiến phải trả phía Eximbank Trung Quốc 600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo Đạm Ninh Bình, nếu dừng dự án, thua lỗ sẽ còn lớn hơn
nhiều với ước tính lên tới 1.200 tỷ đồng. Trong khi nếu sản xuất 290.000 tấn
ure, số lỗ có thể giảm đi 250 tỷ đồng.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện
Kinh tế Việt Nam cho rằng những lý lẽ mà phía Đạm Ninh Bình đưa ra không
thuyết phục.
Vị chuyên gia thẳng thắn đặt câu hỏi doanh nghiệp dựa trên cơ sở khoa
học nào để nói rằng nếu ngừng sản xuất Đạm Ninh Bình sẽ thua lỗ nặng hơn so
với đầu tư tiếp dự án?
“Tôi không hiểu doanh nghiệp căn cứ vào đâu để nói giảm được lỗ 250
tỷ. Thực tế trong 4 năm nay, Đạm Ninh Bình đã thua lỗ gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Dựa vào đâu để chấm dứt câu chuyện lỗ? Trong đầu tư kinh doanh bất cứ một mặt
hàng nào thì vấn đề là phải tạo ra lãi, giá trị thặng dư.
Với dự án như Đạm Ninh Bình, chúng ta phải làm như thế nào để không có
lỗ nữa, đó mới là chuyện quan trọng. Còn việc giảm lỗ 250 tỷ đồng thì vừa
không có căn cứ vừa là cách nói chuyện vòng vo. Nếu giảm lỗ được 250 tỷ nhưng
lỗ hàng năm vẫn hàng ngàn tỷ đồng và kéo dài thì nền kinh tế cũng đâu có lợi
ích gì? Nếu kéo dài làm sao chịu đựng được?”, PGS.TS Đoàn khẳng định.
Vị chuyên gia này cho rằng trước khi các cơ quan quản lý nhà
nước xem xét lời đề nghị của Đạm Ninh Bình cần phải phân tích kỹ xem vì sao
dự án này lại thua lỗ kéo dài trong thời gian qua.
Với kinh nghiệm của mình, PGS.TS Đoàn khẳng định có 3 vấn đề chính cần
mổ xẻ trong thua lỗ của Đạm Ninh Bình. Đầu tiên là vấn đề cung – cầu thị
trường. Thứ hai là nội bộ của nhà máy đó. Và cuối cùng là hậu quả của hoạt
động kinh doanh.
“Về cung cầu, nông nghiệp của chúng ta đang ở trong diện tái cấu trúc,
nâng cao sự phát triển, trong đó có sự phát triển các ngành trồng trọt rất
cao. Nhu cầu về tư liệu sản xuất, đáng lẽ là sân chơi của Việt Nam, là cơ hội
để phát triển ngành công nghiệp chế biến, sản xuất phân đạm, một tư liệu rất
quan trọng cho nông nghiệp.
Nhưng vì sao chúng ta có cơ hội như vậy mà kinh doanh không có lãi, để
thua lỗ kéo dài? Nguyên nhân xuất phát chính từ hoạt động kinh doanh chứ
không xuất phát từ chuyện cung – cầu ngoài thị trường. Tức là kinh doanh của
doanh nghiệp không thể cạnh tranh được với bên ngoài nên người dân phải mua
các loại phân đạm khác. Điều này phản ánh sự quản lý yếu kém, chưa tốt của
đội ngũ lãnh đạo công ty”, PGS.TS Đoàn nhận định.
Không thể bắt dân gánh lỗ cho đạm Ninh Bình...
Cùng đưa ra quan điểm, GS.TSKH Lê Du Phong, Nguyên quyền Hiệu trưởng
trường Đại học kinh tế quốc dân nhắc đến những kiến nghị của Đạm Ninh Bình
gửi đến cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, Đạm Ninh Bình kiến nghị không xếp hạng tín dụng với Công ty,
đồng thời cho phép kéo dài tín dụng vay lên 20 năm với VDB. Ngoài ra, nhà máy
này cũng kiến nghị giảm giá than ít nhất 10%, kiến nghị Bộ Công Thương xem
xét áp dụng phòng vệ thương mại với phân bón nhập khẩu từ năm 2017...
GS Lê Du Phong khẳng định, những đề nghị trên của Đạm Ninh Bình không
có cơ sở khoa học và trong điều kiện hiện tại của đất nước thì không thể chấp
nhận những yêu cầu như vậy.
“Nếu cơ quan quản lý nhà nước đồng ý hỗ trợ Đạm Ninh Bình thì sẽ tạo
ra sự cạnh tranh không lành mạnh và tiền lệ xấu với các doanh nghiệp khác.
Nếu cứu Đạm Ninh Bình và có ưu đãi như vậy thì hàng trăm doanh nghiệp khác sẽ
nhao ra xin ưu đãi. Như vậy là không tốt cho nền kinh tế và quản lý nhà
nước”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, lĩnh vực sản xuất phân bón của Việt Nam đang đối
mặt với nhiều khó khăn. Ngoài thách thức vô cùng lớn từ phân bón giá rẻ của
Trung Quốc, chúng ta còn đang đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia
khác như: Lào, Nhật Bản, Malaysia, Israel, Hàn Quốc.. Vì vậy, GS Phong cho
rằng việc tiếp tục đưa Nhà máy Đạm Ninh Bình vào hoạt động trong thời điểm
này là không phù hợp.
“Phát triển phân bón không hề có lợi vào lúc này. Vì đến năm 2018 Việt
Nam trở thành một nước kinh tế thị trường đầy đủ theo WTO và bắt đầu 2017 tất
cả dòng thuế trở về 0 hết.
Thế thì tội gì chúng ta phải làm và phát triển những ngành nghề như
phân bón mà thế giới làm rẻ hơn? Đã đến đoạn Việt Nam phải tính toán kỹ
lưỡng, đó là cái gì chúng ta có lợi thế thì đẩy mạnh, tập trung chiếm lĩnh
thị trường thế giới. Còn cái gì không làm được và làm không hiệu quả thì
cương quyết không làm.
Không thể bắt người dân chịu mãi những dự án làm ăn thua lỗ của doanh
nghiệp như Đạm Ninh Bình. Hàng chục ngàn tỷ đồng mà bắt dân gánh thì đất nước
không thể tiến lên được”, GS Phong nhấn mạnh.
Với những vấn đề vừa phân tích, Nguyên quyền Hiệu trưởng trường Đại
học kinh tế quốc dân khẳng định nhà nước cần phải cương quyết với Đạm Ninh
Bình, không thể tiếp tục cứu mãi.
“Quan điểm của tôi là phải dừng ngay dự án, cho phá sản doanh nghiệp,
không thể nào kéo dài chuyện hoạt động của Đạm Ninh Bình được. Càng làm như
thế thì chúng ta càng thua lỗ và nhà nước sẽ bị thiệt hại, thất thoát tài sản.
Thủ tướng đã yêu cầu dừng các dự án thua lỗ rồi. Cho nên các
Ban, ngành cần phải cương quyết, dừng dự án càng sớm càng tốt. Chúng ta không
nên nghĩ đến việc bù lỗ, thà chịu đau 1 lúc còn hơn chịu đau mãi”, GS Phong
nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Cao Đoàn đề cập đến việc nhà nước cần để các
doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.
“Chúng ta phải áp dụng quy định của nền kinh tế thị trường, tức là nếu
kinh doanh không hiệu quả thua lỗ thì phải tự động phá sản.
Trong trường hợp thua lỗ nếu vẫn tiến hành sản xuất thì những khoản
tiền vay từ bên ngoài sẽ rất nguy hiểm. Tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con sẽ kéo
theo nhiều vấn đề, hệ lụy nghiêm trọng khác. Cần phải xử lý dứt điểm đối với
dự án Đạm Ninh Bình”, ông Đoàn khẳng định.
Phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng
Một vấn đề khác được GS Lê Du Phong nhắc đến đó là Đạm Ninh Bình cùng
với Đạm Hà Bắc đang là 2 trong số 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ của ngành Công
Thương nhưng chưa có hướng xử lý triệt để.
Đặc biệt, hai dự án nhà máy đạm đều gặp khó khăn liên quan tới vấn đề
máy móc, công nghệ, nhà thầu Trung Quốc.
Theo ông Phong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có yêu cầu xử lý nghiêm
trách nhiệm của người đứng đầu, kể cả người tham mưu sai dẫn đến tình trạng
12 nhà máy/dự án nghìn tỷ thua lỗ đang “đắp chiếu”.
Trong trường hợp này, xử lý trách nhiệm liên quan tới yếu tố máy móc,
nhà thầu Trung Quốc cũng cần phải được chú trọng đúng mức. Trách nhiệm đầu
tiên theo ông Phong thuộc về người đề xuất dự án. Tiếp theo Bộ Công Thương,
Bộ chủ quản các nhà máy. Thứ ba là Đảng ủy và Giám đốc của các nhà máy.
“Thực tế chúng ta cũng cần xét thêm cả trách nhiệm của địa phương ở
đây nữa nhưng trách nhiệm của Bộ, ngành là chính. Địa phương chỉ quản lý
những vấn đề về hành chính, đất đai. Phải xử lý nghiêm những cơ quan đó khi
tình trạng thua lỗ kéo dài tại Đạm Ninh Bình diễn ra”, ông Phong lưu ý.
Khẳng định sự cương quyết của Thủ tướng là hết sức cần thiết tuy nhiên
GS Lê Du Phong cho rằng đó điều cần quan tâm hơn đó là việc chỉ đạo thực thi
ý kiến của Thủ tướng:
“Việc kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện chỉ đạo đó như thế nào là
vấn đề hết sức quan tâm và xử lý quyết liệt. Nếu không có những biện pháp xử
lý chặt chẽ thì những chỉ đạo của Thủ tướng sẽ không được thực hiện nghiêm
túc”, ông Phong nói.
Bàn thêm về giải pháp, PGS.TS Lê Cao Đoàn đề nghị nhà máy Đạm Ninh
Bình giải trình cụ thể nguyên nhân vì sao nhà máy bị thua lỗ.
“Lỗ do năng lực quản lý yếu kém, do nguồn lao động kém, do vay vốn lãi
suất cao hay thị trường đầu vào khó kiểm soát... Cần phải làm rõ điều
này và có biện pháp để ứng phó với những vấn đề trên", ông Đoàn đặt câu
hỏi.
Ngoài ra theo vị chuyên gia, việc lắp đặt và sử dụng công nghệ Trung
Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, dẫn đến hoạt động thua lỗ và kém
hiệu quả của nhà máy Đạm Ninh Bình. Vì vậy cần phải xem xét nghiêm túc đến
trách nhiệm của những người đã tham mưu dự án này
“Trung Quốc sa thải công nghệ cũ của họ và chuyển sang Việt Nam. Chúng
ta sử dụng và như thế Việt Nam đã trở thành 1 bãi rác của công nghệ, kỹ thuật
Trung Quốc. Đó là điều hết sức đáng buồn”, ông Đoàn nhấn mạnh.
(Theo
Đất Việt) Hoàng
Nam
|
Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét