Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Vụ bắt giữ cựu Chủ tịch PVN và quy trình bổ nhiệm cán bộ có vấn đề?

Cập nhật lúc 08:25                  

Ông Nguyễn Xuân Sơn khi còn đương nhiệm Chủ tịch PetroVietnam. Ảnh: IE

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều tối 31.7 thu hút sự quan tâm của đông đảo báo giới, liên quan đến vụ bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn - cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí VN (PVN). Vụ việc khiến người ta e ngại, liệu quy trình bổ nhiệm cán bộ có cần xem xét lại? Các vấn đề “nóng” khác như huy động vốn cho gói vay 30.000 tỉ đồng hay nhập khẩu gà Mỹ giá rẻ bất ngờ... cũng được đưa ra tại cuộc họp báo này.

Nhìn lại quy trình bổ nhiệm cán bộ cấp cao
Mở đầu cuộc họp báo, một số báo chí đặt câu hỏi liên quan đến vụ bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn khá “đình đám”, đang được dư luận quan tâm. Theo báo Pháp luật TP.HCM, liệu công tác bổ nhiệm một cán bộ cấp cao như ông Sơn “có vấn đề” không, khi mà trước thời điểm bắt giữ không lâu, ông Sơn còn tháp tùng đoàn lãnh đạo Đảng sang thăm Mỹ. Vụ việc này có phải là thời điểm bộc lộ hậu quả đầu tư ngoài ngành của TCty nhà nước? Về điều này, ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thừa nhận, công tác bổ nhiệm cán bộ tuy đã có quy định rất chặt chẽ song việc thực hiện đúng quy định lại không có kết quả. Theo ông Nên, quy trình có từng bước, từng khâu cụ thể, có nhận xét đánh giá, xem xét điều kiện, thẩm định các công việc có liên quan đến tiêu chuẩn… của cán bộ, qua đó thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, có ý kiến của từng tổ chức được quy định và có sự thẩm định của tổ chức có chức năng quản lý cán bộ.
“Thế nhưng, quy trình làm này lại không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của một con người, quy trình đã có nhưng làm lại không có kết quả! Không phát hiện, không thể phát hiện hay phát hiện mà không làm tốt việc được giao, cơ quan điều tra sẽ làm rõ điều này!” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Cũng theo ông Nên, thời điểm ông Nguyễn Xuân Sơn tháp tùng lãnh đạo đi công tác nước ngoài là lúc mà cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định ông Sơn có vi phạm pháp luật. Chỉ khi có đủ căn cứ để chứng minh rằng ông này có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra mới áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết. Tuy nhiên, người đứng đầu VPCP cũng thừa nhận rằng, trong các khâu dẫn tới bổ nhiệm cán bộ, khâu quan trọng hàng đầu hiện nay và là khâu khó thực hiện nhất là việc công tác đánh giá cán bộ về phẩm chất, đạo đức và vấn đề chính trị bên trong. Liên quan đến hậu quả đầu tư ngoài ngành, ông Nguyễn Văn Nên cho biết cơ quan điều tra sẽ kết luận, qua đó tìm ra nguyên nhân quản lý yếu kém ở khâu nào. Qua vụ này, Đảng và Chính phủ đang có chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện quy trình, cơ chế quản lý cán bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Gói vay 30.000 tỉ đồng: Vay tiền NHNN chỉ là tạm thời!
Liên quan đến gói vay 30.000 tỉ đồng mua nhà ở cho người thu nhập thấp, nhiều cơ quan báo chí lo ngại về nguồn vốn cung ứng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện tại. Điều này được bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong điều kiện điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), có thời điểm cần đến sự hỗ trợ của NHNN. Trên cơ sở này, NHNN xem xét trên mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, trường hợp có hỗ trợ thì sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện đúng quy định của pháp luật, cần thiết sẽ sử dụng tiền để cung ứng hỗ trợ kịp thời.
Ông Huỳnh Quang Hải - Thứ trưởng Bộ Tài chính, cũng khẳng định, tình hình NSNN có gặp khó khăn do giá dầu thô giảm, tuy nhiên kết quả thu NSNN 7 tháng đầu năm đạt 59% - cao hơn so với dự toán và kết quả thu này là tích cực. Ông Hải nói: “Bộ Tài chính kiên quyết giữ bội chi không quá 5% theo Nghị quyết của QH. Với gói 30.000 tỉ, căn cứ vào nguồn thu và kế hoạch đề ra thì vấn đề “mượn” tiền NHNN chỉ là thời điểm nhất thời, Bộ Tài chính sẽ hoàn trả trong năm”.
Liên quan đến việc dư luận lo ngại giá gà Mỹ nhập khẩu rẻ bất ngờ, làm lao đao ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, đang nhận được thông tin về nghi vấn Mỹ bán phá giá khi xuất khẩu giá rẻ so với giá bán gà trong nước. Ông khẳng định: “Điều này cần có điều tra kỹ lưỡng đúng theo quy trình chung của hội nhập. Chính phủ đã có phân công tiếp tục làm rõ, sớm xử lý vấn đề này. Bộ Tài chính cũng đang xác minh xem đây là hiện tượng đơn lẻ hay cục bộ, sau khi điều tra, nếu có hiện tượng bán phá giá thì sẽ sớm có giải pháp can thiệp, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và không ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước”.
(Theo Lao động) DƯƠNG HÀ

Nhiều người đã đặt câu hỏi trong vụ bổ nhiệm Dương Chí Dũng khi hắn bị bắt. Khi đó cơ quan phát ngôn của Chính phủ đã nói quy trình bổ nhiệm Dương Chí Dũng là chặt chẽ, đúng quy trình. Rồi dư luận lại đặt câu hỏi nghi ngờ về cái gọi là quy trình đó. Rõ rang là đang có vấn đề về cái gọi là quy trình. Vậy mà chỉ ngay sau đó, ông Nguyễn Xuân Sơn lại được bổ nhiệm mà chẳng ai chịu “rút cái dây kinh nghiệm” ngay trước mắt. Nếu ai được đọc, tham khảo quy trình bổ nhiệm cán bộ của ta thì đố tìm được chỗ sai sót. Pháp luật dù chặt chẽ đến đâu thì nhiều khi vẫn bị lợi dụng, luồn lách chui qua. Khi mà nạn mua quan bán tước chưa được dẹp bỏ thì quy trình đôi khi lại là cái bình phong cho tiêu cực.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét