Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Chi phí lao động: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam

 Cập nhật lúc 13:14                  

GS-TS NGUYỄN THIỆN NHÂN - CHỦ TỊCH UBTƯ MTTQ VIỆT NAM (VIẾT RIÊNG CHO LAO ĐỘNG) 

Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân thăm người lao động Cty TNHH Hải Nguyên (Bình Định). Ảnh: TTXVN

LTS: GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam - đã có bài viết gửi riêng cho Báo Lao Động với tựa đề “CHI PHÍ LAO ĐỘNG: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM”, trong đó có đề xuất lộ trình tăng lương tối thiểu giai đoạn 2016-2025.

Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đang là chủ đề gây sự chú ý đặc biệt của người lao động, song qua 2 lần họp, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vẫn chưa có kết quả, do có sự tranh luận quyết liệt và không thống nhất được về mức tăng giữa bên đại diện cho người lao động và phía đại diện cho giới chủ. Trong bối cảnh như vậy, bài viết của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân viết riêng cho Lao Động mang tính khách quan, khoa học và là một phương án tham khảo tốt cho các nhà hoạch định chính sách. Báo Lao Động xin chân thành cảm ơn đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí tới bạn đọc:
Ở nước ta, hàng năm Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ cho các chủ DN quyết định mức trả lương thực tế ở DN của mình. Đây là việc làm cần thiết để vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, vừa đảm bảo lợi ích của chủ DN. Tuy nhiên, việc thảo luận và thương lượng giữa Tổng LĐLĐVN - thay mặt người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới chủ DN và Bộ LĐTBXH - đại diện cho Chính phủ thường rất khó khăn vì chưa rõ cơ sở khoa học của việc đàm phán, thương lượng là gì. Xu hướng là NLĐ thì muốn lương cao, giới chủ DN thì muốn lương thấp, Chính phủ thì muốn lợi ích của NLĐ và giới chủ đều được đáp ứng, đồng thời thu hút đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Để góp phần xác định cơ sở khoa học cho việc thương lượng này, chúng tôi nghiên cứu mối quan hệ giữa chi phí lao động 1 giờ bình quân trong ngành công nghiệp chế tạo (sau đây gọi là “Chi phí lao động 1 giờ”) và GDP/người (sau đây gọi là “GDP đầu người”) của 26 nền kinh tế, dựa trên các số liệu thống kê được công bố công khai của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Văn phòng Thống kê Lao động của Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân thăm cán bộ, công nhân mỏ than Núi Béo (Quảng Ninh).  Ảnh: TTXVN 

I. Chi phí lao động 1 giờ/GDP đầu người trong ngành công nghiệp chế tạo của một số nền kinh tế
Việc so sánh các số liệu Chi phí lao động 1 giờ và GDP đầu người của 26 nền kinh tế trong 17 năm qua (1996-2012) đã đem lại một kết quả đáng ngạc nhiên (Bảng 1): Mặc dù GDP đầu người của các nước rất khác nhau, từ 2.612USD/người (Philippines) đến 101.169USD/người (Na Uy); Chi phí lao động 1 giờ cũng rất khác nhau, từ 2,1USD/giờ (Philippines) đến 63,4USD/giờ (Na Uy), song tỉ lệ Chi phí lao động 1 giờ/GDP đầu người của tất cả các nền kinh tế này đều nằm trong một vùng rất hẹp: 0,04-0,08% (Bảng 1). Tức là Chi phí lao động 1 giờ của tất cả 26 nền kinh tế đều tuân theo công thức (1) sau:
Chi phí lao động 1 giờ = (0,04 ÷ 0,08)% x GDP đầu người = Hệ số chi phí lao động 1 giờ x GDP đầu người (1)
Mỗi nước có một Hệ số chi phí lao động 1 giờ khác nhau, song với từng nước thì hệ số này là không thay đổi hoặc biến đổi rất ít trong suốt 17 năm qua. Ví dụ, Hệ số chi phí lao động 1 giờ của Mỹ là 0,07% được duy trì trong suốt 17 năm qua; của Hàn Quốc là 0,07% trong năm 1996, còn lại là 0,08% trong suốt 16 năm từ 1997-2012; của Israel là 0,06% từ 1996-2002, là 0,07% từ 2003-2005 và trở lại tỉ lệ 0,06% từ 2006-2012. Công thức Chi phí lao động 1 giờ cho thấy xu hướng có tính quy luật ở tất cả 26 nền kinh tế trên là: Khi GDP đầu người tăng thì Chi phí lao động 1 giờ tăng, và theo đó là tiền lương 1 giờ tăng. Tức là, khi tổng sản phẩm nội địa đầu người tăng thì tiền lương 1 giờ hay thu nhập 1 giờ của người lao động cũng tăng. Xem xét kỹ hơn hệ số chi phí lao động 1 giờ của 26 nền kinh tế trong 17 năm qua cho thấy xu hướng sau (Bảng 1):



- 7 nền kinh tế có Hệ số chi phí lao động 1 giờ cao nhất năm 2012 (0,08%) đều là các nước có thu nhập cao (theo phân nhóm của Ngân hàng Thế giới là GDP đầu người năm 2012 từ 12.735USD trở lên (năm 2011 là 12.475USD), trừ Philippines có GDP đầu người thuộc Nhóm thu nhập trung bình thấp (2.612 USD/người);
- 6 nước có Hệ số chi phí lao động 1 giờ là 0,07% đều là các nước có thu nhập cao, GDP đầu người từ 12.769USD (Hungary) đến 83.708USD (Thụy Sỹ);
- 8 nước có Hệ số chi phí lao động 1 giờ là 0,06% đều là các nước có thu nhập cao, GDP đầu người từ 17.109USD (Estonia) đến 101.169USD (Na Uy);
Như vậy, trong số 21 nước có Hệ số chi phí lao động 1 giờ từ 0,06% đến 0,08% thì 20 nước là nước có thu nhập cao và Philippines là nước có thu nhập trung bình thấp (2.612USD/người).
- Trong 5 nền kinh tế có Hệ số chi phí lao động 1 giờ dưới 0,06% (Singapore: 0,05%; Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan: 0,04%) thì chỉ có Singapore là nước có thu nhập cao (52.818USD), còn lại đều là các nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Như vậy có thể khái quát như sau:
- Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội của các nước mà Hệ số chi phí lao động 1 giờ là khác nhau, song đều nằm trong khoảng 0,04% đến 0,08%; GDP đầu người tăng thì chi phí lao động 1 giờ sẽ tăng;
- Nhìn chung, tuyệt đại đa số các nước có thu nhập cao thì có Hệ số chi phí lao động 1 giờ cao (0,08%) hoặc trung bình (0,06%);
- Các nền kinh tế có thu nhập trung bình có Hệ số chi phí lao động 1 giờ thấp (0,04%). Singapore có thu nhập rất cao (GDP đầu người là 52.818 USD, Bảng 1), song có lẽ do là thành viên ASEAN với hầu hết các nước có thu nhập ở mức trung bình (dưới 12.475 USD năm 2011), nên để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Singapore, nước này đã duy trì Hệ số chi phí lao động 1 giờ tương đối thấp: 0,05%. Đài Loan có thu nhập cao (GDP đầu người là 21.270USD, Bảng 1), song có lẽ do nằm ở Châu Á, gần các nước Đông Nam Á, nên để đảm bảo sức cạnh tranh của nền kinh tế, Đài Loan đã duy trì Hệ số chi phí lao động 1 giờ thấp: 0,04%;
- Philippines với GDP đầu người 2.612USD, thuộc nước thu nhập trung bình thấp. Nếu Philippines chọn Hệ số chi phí lao động 1 giờ thấp (0,04%) thì chi phí lao động 1 giờ sẽ rất thấp (chỉ là 1,04USD/giờ) và kéo theo đó là tiền lương sẽ rất thấp, không đảm bảo đời sống của người lao động được. Đây có lẽ là lý do vì sao Philippines duy trì Hệ số chi phí lao động ở mức cao là 0,08%;
- Việt Nam với GDP đầu người năm 2012 là 1.753USD, còn thấp hơn cả Philippines (2.612USD). Vì vậy, nếu ta duy trì Hệ số chi phí lao động 1 giờ ở mức 0,04% thì tiền lương của người lao động sẽ rất thấp, không thể đảm bảo đời sống của người lao động. Nhưng nếu chọn Hệ số chi phí lao động ở mức cao 0,08% như Philippines thì có thể quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Vì vậy, duy trì Hệ số chi phí lao động 1 giờ ở mức trung bình (0,06%) có lẽ là hợp lý nhất.
II. Chi phí lao động ở Việt Nam
Với kinh nghiệm quốc tế như trên thì Chi phí lao động 1 giờ hợp lý ở Việt Nam sẽ được xác định dựa trên công thức (2) sau:
Chi phí lao động 1 giờ = 0,06% x GDP đầu người (2)
Như vậy, với GDP đầu người năm 2012 là 1.753USD thì Chi phí lao động 1 giờ là 1,05USD, còn với GDP đầu người năm 2015 theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 2.233USD thì Chi phí lao động 1 giờ sẽ là 1,34USD. Nếu năm 2014, dự báo tỉ giá hối đoái bình quân năm 2015 là 22.200 VND/USD, thì Chi phí lao động 1 giờ năm 2015 sẽ là 29.748 đồng/giờ. Theo quy định của luật hiện hành thì ngoài lương, chủ doanh nghiệp còn phải chi 18% lương cho Bảo hiểm xã hội, 3% lương cho Bảo hiểm y tế, 1% lương cho Bảo hiểm thất nghiệp và 2% lương cho Công đoàn phí, tổng cộng là 24% lương của người lao động. Do đó, Chi phí lao động 1 giờ mà chủ doanh nghiệp phải trả sẽ là Lương 1 giờ x 1,24. Như vậy, ta xác định được lương bình quân tháng (ngày làm việc 8 tiếng) ở Việt Nam sẽ là:
Lương bình quân tháng = Chi phí lao động 1 giờ : 1,24 x 8 giờ x Số ngày lao động trong tháng (3)
Nếu bình quân 1 tháng người lao động làm việc 24 ngày thì Lương bình quân tháng năm 2015 sẽ là:
Lương bình quân tháng năm 2015 = 29.748 đồng/1,24 x 8 x 24 = 4,606 triệu đồng/tháng
Đối chiếu với tiền lương thực tế (không tính làm thêm giờ, thưởng, phụ cấp và phúc lợi khác) của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân là 3.757.000 đồng/tháng (theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 của Bộ LĐTBXH) thì mức lương thực tế các chủ doanh nghiệp trong ngành chế tạo trả cho người lao động trong quý I năm 2015 mới chỉ bằng 80% mức lương đáng lẽ ra phải trả theo cách tính toán trên. Theo nhận định của Bộ LĐTBXH, tiền lương thực tế của công nhân bình quân chỉ đáp ứng 75% nhu cầu của một người đi làm và một người phụ thuộc. Như vậy, việc tính lương trung bình của ngành chế tạo ở Việt Nam theo công thức (2), với Hệ số chi phí lao động 1 giờ là 0,06%, là 4,606 triệu đồng/tháng, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với nhận định của Bộ LĐTBXH về mức lương đảm bảo cuộc sống của người lao động.
Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP ngày 11.11.2014 của Chính phủ thì năm 2015 lương tối thiểu vùng 1 là 3,1 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 2,75 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 2,4 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 2,15 triệu đồng/tháng. Như vậy, đối chiếu với tính toán trên thì mức lương tối thiểu theo quy định cho vùng 3 và 4 là rất thấp.
Với mức Chi phí lao động 1 giờ của Việt Nam năm 2015 theo tính toán ở trên là 29.748 đồng/giờ (tương đương 1,34 USD/giờ), trong khi của Thái Lan là 2,2USD, của Malaysia là 3,7USD (năm 2013), của Trung Quốc là 2,6USD và của Philippines là 2,1USD (năm 2012), thì Chi phí lao động 1 giờ của Việt Nam có tính cạnh tranh cao, chỉ bằng 63,8% của Philippines, 60,9% của Thái Lan, 51,5% của Trung Quốc và bằng 36,2% của Malaysia.


Nếu dự báo GDP năm 2016 của Việt Nam là 217 tỉ USD (tăng 6,5% so với GDP năm 2015), thì GDP đầu người năm 2016 sẽ là 217 tỉ USD/91,5 triệu người = 2.371USD. Nếu dự báo tỉ giá hối đoái bình quân năm 2016 là 22.650 VND/USD, thì:
Chi phí lao động 1 giờ năm 2016 = 0,06% x 2.371USD = 1,42USD = 1,42USD x 22.650 VND/USD = 32.222 đồng
Như vậy, nếu bình quân 1 tháng người lao động làm việc 24 ngày thì lương bình quân tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 sẽ là:
Lương bình quân tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 = 32.222 đồng/1,24 x 8 x 24 = 5 triệu đồng/tháng
Nếu dự kiến mức lương tối thiểu bằng 80% mức lương bình quân theo tính toán trên thì mức lương tối thiểu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 sẽ là 4 triệu đồng/tháng. Mức lương của các lĩnh vực khác có thể được quy định căn cứ theo tương quan giữa lương thực tế các chủ doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác trả cho người lao động và lương chủ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trả cho người lao động trong quý I năm 2015 (Bảng 2). Ví dụ, nếu lương bình quân tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 là 5 triệu đồng/tháng thì lương bình quân tháng của ngành khai khoáng (có lương tháng bằng 1,4 lần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) là 7 triệu đồng/tháng, của ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (có lương tháng bằng 1,57 lần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) là 7,9 triệu đồng/tháng, của ngành vận tải, kho bãi (có lương tháng bằng 1,3 lần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) là 6,5 triệu đồng/tháng, của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (có lương tháng bằng 1,49 lần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) là 7,4 triệu đồng/tháng, của ngành giáo dục và đào tạo (có lương tháng bằng 1,25 lần ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) là 6,2 triệu đồng/tháng.
III. Cần một lộ trình tăng tiền lương và chi phí lao động ở Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển kinh tế và thực tế ở Việt Nam
Sự phát triển kinh tế Việt Nam 30 năm qua có 2 xu hướng kéo dài “không bình thường”: 30 năm kinh tế phát triển, song người lao động vẫn than phiền tiền lương không đủ sống. Về lý luận, để cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải rất quan tâm đổi mới, hiện đại hóa công nghệ và nâng cao trình độ người lao động. Song thực tế lại ngược lại ở đa số các doanh nghiệp. Sau 30 năm đổi mới, dù năng suất lao động đã tăng cao (GDP/người năm 2015 so với năm 1989 tăng gần 23 lần), quy mô nền kinh tế năm 2015 gấp hơn 30 lần năm 1989, nhưng tiền lương của người lao động chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu cuộc sống của người lao động. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu ở Việt Nam là một nhu cầu chính đáng và cấp thiết. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đổi mới công nghệ và ứng dụng các tiến bộ KHKT: 10% doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, 10% doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình cao, 80% doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu. Vì sao nghịch lý này vẫn tồn tại hàng chục năm nay? Phải chăng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng theo mô hình thâm dụng lao động dựa vào chi phí lao động quá thấp nên không quan tâm và chịu áp lực thực sự phải đổi mới công nghệ?
Vì vậy, cần xây dựng lộ trình tăng lương để vừa đảm bảo khả năng thích nghi của các doanh nghiệp, vừa đảm bảo đời sống cho người lao động, tạo áp lực cần thiết để các doanh nghiệp đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ, phát triển đúng theo quy luật là thu nhập, năng suất lao động ngày một tăng chủ yếu là do công nghệ mới, hiện đại và trình độ lao động ngày càng tăng quyết định;
Theo xu hướng quy luật chung về quan hệ giữa chi phí lao động và GDP đầu người đã trình bày ở trên cũng như điều kiện của Việt Nam, với Hệ số chi phí lao động 1 giờ là 0,06%, trên cơ sở phân tích tương quan giữa mức lương tối thiểu của vùng 1 (mức cao nhất) và lương bình quân tháng đảm bảo cuộc sống tính theo công thức (3) trong giai đoạn 2010-2015 và dự báo cho giai đoạn 2016-2020, cân nhắc khả năng chịu đựng chi phí lao động tăng lên của doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất 2 phương án về lộ trình tăng lương như sau:
Phương án 1: Lương tối thiểu vùng 1 bằng lương bình quân tháng đảm bảo cuộc sống theo công thức (3) sau 7 năm từ 2016 đến 2022:


Nhận xét Bảng 3:
- Xem xét tỉ lệ lương tối thiểu vùng 1/lương bình quân tháng đảm bảo cuộc sống tính theo công thức (3) trong giai đoạn 2010-2015 chúng ta thấy năm 2010 lương tối thiểu vùng 1 chỉ bằng 41,7% lương bình quân tháng đảm bảo cuộc sống và đến năm 2015 tỉ lệ này là 67,3%. Như vậy, trong 5 năm qua, mặc dù lương tối thiểu có tăng nhưng vẫn không đảm bảo được cuộc sống của người lao động;
- Trong giai đoạn 2010-2015, mặc dù lương tối thiểu có tăng nhưng 2 đường lương tối thiểu vùng 1 và lương bình quân tháng đảm bảo cuộc sống có xu hướng song song nhau, tức là lương tối thiểu không đảm bảo cuộc sống. Do đó, chúng tôi đề nghị xây dựng lộ trình rút ngắn khoảng cách lương tối thiểu vùng 1 và lương bình quân tháng đảm bảo cuộc sống sau 7 năm từ 2016 đến 2022 dựa trên các giả định và dự báo sau:
+ Lương tối thiểu vùng 1 tăng 14%/năm từ 2016-2021 và tăng 13,86% năm 2022
+ GDP/người tăng 5,5%/năm trong giai đoạn 2016-2022
+ Tỉ giá tăng bình quân 2%/năm trong giai đoạn 2016-2022
- Với các giả định như trên, lương tối thiểu vùng 1 trong các năm từ 2016 đến 2022 sẽ như sau: 2016 - 3,53 triệu đồng/tháng, 2017 - 4,03 triệu đồng/tháng, 2018 - 4,59 triệu đồng/tháng, 2019 - 5,24 triệu đồng/tháng, 2020 - 5,97 triệu đồng/tháng, 2021 - 6,8 triệu đồng/tháng và đến năm 2022 sẽ đạt 7,75 triệu đồng/tháng bằng với mức lương bình quân tháng tính theo công thức (3), đảm bảo đời sống của người lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế: đến năm 2022, Chi phí lao động 1 giờ của nước ta mới chỉ ở mức 1,96 USD/giờ, vẫn thấp hơn mức lương 2,1USD của Philippines năm 2012 (10 năm trước).
 Trong Phương án này, mức tăng lương tối thiểu bình quân 14%/năm từ 2016 đến 2021 có thể là áp lực lớn đối với doanh nghiệp.
Xem xét đến khả năng chịu đựng chi phí lao động của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian tới còn nhiều biến động, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn, Phương án 2 được xây dựng theo lộ trình 10 năm để rút ngắn chênh lệch giữa Lương tối thiểu Vùng 1 với mức lương có thể đảm bảo được cuộc sống của người lao động. Với giả định mức tăng lương tối thiểu bình quân là 12%/năm từ năm 2016 đến năm 2024 và 12,3% năm 2025, thì sau 10 năm, Lương tối thiểu Vùng 1 sẽ bằng với Lương bình quân tháng đảm bảo cuộc sống (Bảng 4)
Với các giả định như vậy, Lương tối thiểu Vùng 1 trong các năm từ 2016 đến 2025 sẽ như sau: 2016 - 3,47 triệu đồng/tháng, 2017 - 3,89 triệu đồng/tháng, 2018 - 4,36 triệu đồng/tháng, 2019 - 4,88 triệu đồng/tháng, 2020 - 5,46 triệu đồng/tháng, 2021 - 6,12 triệu đồng/tháng, 2022 - 6,85 triệu đồng/tháng, 2023 - 7,68 triệu đồng/tháng, 2024 - 8,6 triệu đồng/tháng và đến năm 2025 đạt 9,65 triệu đồng/tháng bằng với mức lương bình quân tháng tính theo công thức (3), đảm bảo đời sống của người lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế: đến năm 2025, Chi phí lao động 1 giờ của nước ta mới ở mức 2,3 USD/giờ, vẫn thấp hơn mức lương 2,6 USD của Trung Quốc năm 2012 (13 năm trước).
Trên cơ sở bàn bạc với đại diện các doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐTBXH, các bên liên quan có thể thống nhất lộ trình tăng lương tối thiểu để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, của người lao động và lợi ích của đất nước trong giai đoạn 2016 - 2025 và những năm tiếp theo.
Phương án 2: Lương tối thiểu Vùng 1 bằng Lương bình quân tháng tính theo công thức (3) sau 10 năm từ 2016 đến 2025: Xem bảng 4.


(Theo Lao động)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét