Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Nhà nước như “tướng không có quân”

Cập nhật lúc 07:39    

Với 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhà nước như “người tướng không có quân” trên mặt trận kinh tế.

nha-nuoc-nhu-tuong-ra-tran-ma-khong-co-quan 
96% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.


Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, tham gia vào các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, khả năng đáp ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình này rất hạn chế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Diễn đàn CEO 2015 đã thẳng thắn nêu quan điểm: Với việc có tới 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nền kinh tế đang rơi vào hội chứng doanh nghiệp cỡ vừa. Trong khi đó, thực tế phát triển kinh tế các nước cho thấy, doanh nghiệp cỡ vừa chính là mắt xích vô cùng quan trọng để nền kinh tế có thể kết nối vào giá trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp cỡ lớn (chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp lớn). Và nếu quá nhỏ thì sẽ không đủ năng lực về vốn, về công nghệ, về quản trị để có thể đạt chuẩn giá trị quốc tế, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Vấn đề này một lần nữa đã được ông Đặng Đức Thành-Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi sẻ tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 rằng: Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động…
Trong khi đó, năm 2015, Việt Nam tiếp tục có những bước hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào hoạt động kinh tế quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan... và sắp tới là Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Quá trình này được đánh giá là sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, đó là cơ hội mở rộng, thâm nhập các thị trường lớn như Hàn Quốc, EU... và rất có thể là cả Hoa Kỳ với những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh như dệt may, da giày...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp đến từ các nước đối tác, đặc biệt là những vấn đề về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng...
Và theo ông Đặng Đức Thành, những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế. Việc hội nhập sâu rộng đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm rõ luật chơi, hiểu sâu hơn về đối tác và văn hóa của họ. Đặc biệt, Việt Nam cần có một cuộc cách mạng để xây dựng và phát triển 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả từ nay đến 2020. Đây sẽ là lực lượng chủ công xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.
Để làm được điều này, theo ông Thành, bên cạnh những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất là cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng - không phải bằng biện pháp hành chính mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng cần theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… giảm bớt tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Muốn điều chỉnh cơ cấu tín dụng, ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay. Tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ. Các khu vực cần khuyến khích như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu… cần ưu tiên lãi suất đặc biệt.
Thứ hai, xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung các bộ, cơ quan, địa phương với nỗ lực cao nhất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ, hiện đại theo hướng tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường. Hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với đó, cần hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam càng nhiều càng tốt. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam yên tâm làm ăn chân chính.
“Nhà nước chỉ huy trận đánh kinh tế nhưng như “tướng không có quân”, không có những người lính làm kinh tế. Nguồn gốc sâu xa của các bất ổn về kinh tế; về nợ công tăng; bội chi ngân sách hàng năm tăng… đó chính là bắt nguồn từ doanh nghiệp chưa đủ về cả số lượng lẫn chất lượng (hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả). Đã không đủ số lượng và chất lượng doanh nghiệp lại rơi rụng dần, hoạt động bấp bênh”-ông Thành đưa quan điểm.
Cũng theo ông Thanh thì nhưng giải pháp này hiện đang được Việt Nam triển khai nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn, nhất quán hơn và hiệu quả hơn nữa. Và để cụ thể hoá mục tiêu trên, Chính phủ cần có 2 Nghị quyết về việc xây dựng ít nhất 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả (số lượng và chất lượng) và nâng bậc thứ hạng quốc gia so với các nước khu vực và quốc tế (về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét