Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

“Cò đất” đang làm loạn thị trường

Cập nhật lúc 14:31                 

 Thổi giá, làm giá, tung tin sốt ảo, tham gia làm cầu nối trục lợi gói 30.000 tỉ đồng, môi giới nhà đất hay “cò đất” đang làm loạn thị trường.

co-dat-dang-lam-loan-thi-truong 
Chung cư Mulberry.


Những số liệu thống kê của Bộ Xây dựng gần đây cho thấy, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc, giao dịch tăng, giá bất động sản không giảm, thậm chí một số dự án giá tăng từ 3-5%. Tình riêng trên thị trường Hà Nội, trong tháng 7 có 1.800 giao dịch thành công và tính chung 7 tháng thì tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2014.
Mặc dù thị trường bất động sản đã có tín hiệu khởi sắc rõ ràng nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, khó khăn, thách thức đối với thị trường còn rất lớn, tồn kho ở mức cao, nguồn cung mới lớn… Trong khi đó, khả năng tài chính của người mua nhà mặc dù đã được cải thiện, được hỗ trợ nhiều từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhưng còn hạn chế. Cuộc chiến giành giật khách hàng giữa các chủ đầu tư vì thế sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới.
Nhưng cũng chính trong bối cảnh này, những thông tin về các chiêu trò làm giá, làm giá, tung tin sốt ảo và thậm chí, tham gia làm cầu nối giữa chủ đầu tư và khách hàng để trục lợi gói 30.000 tỉ đồng. Khi cuộc chiến cạnh tranh giành giật khách hàng giữa các chủ đầu tư đang vô cùng khốc liệt thì sự góp mặt của đội quân “cò đất” lại đang làm méo mó thị trường, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Ghi nhận tại dự án ở Dương Nội, Hà Đông cho thấy, trong khi những dự án lân cận như HP Landmark có giá lên tới 23-24 triệu đồng/m2 thì ở dự án này, giá mỗi m2 căn hộ chỉ khoảng 19 triệu đồng. Ngoài ra, để tăng tính “canh tranh” của dự án, chủ đầu tư còn hỗ trợ khách hàng thực hiện việc tách hợp đồng để vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.
Tại một số dự án bất động sản như Mỹ Đình 1, 2, dự án 136 Hồ Tùng Mậu hay như tổ hợp chung cư Mulberry (Hà Đông)… cho thấy, hầu hết những thông tin rao bán nhà ở tại những dự án này đều do “cò đất” thực hiện. Và điều đáng nói ở đây, giá được rao bán đều cao hơn rất nhiều so với mức giá chủ đầu tư đưa ra. Chẳng hạn như dự án Mulberry, giá chủ đầu tư đưa ra chỉ là 27 triệu đồng/m2 nhưng ngay sau khi mở bán tòa B, C, D, giá căn hộ ở đây được “cò đất” đưa ra lại rất đa dạng, có khi là 28,5 triệu đồng, có khi là 30 triệu đồng/m2, thậm chí hơn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá căn hộ tại những dự án này được đội tăng lên như vậy không phải là do dự án hết hàng, “cháy hàng” mà là do “cò đất” làm trò. Liên hệ đến Hệ thống Siêu thị dự án bất động sản (STDA)-đơn vị phân phối độc quyền dự án Mulberry, phóng viên được một nhân viên môi giới nói ngay là hết nhà giá gốc, muốn mua thì phải mua lại và phải trả một khoản tiền chênh lên tới hàng trăm triệu đồng/căn hộ tùy từng căn hộ. Nhưng khi phóng viên tìm cách liên hệ với chủ đầu tư thì được biết, dự án vẫn còn một số căn hộ đang chờ bán.
Nói như vậy không có nghĩa đội quân “cò đất” ai cũng thông tin ảo, làm trò để tạo sốt ảo, làm loạn giá nhà tại một hay một số như án. Một thị trường bất động sản có phát triển đến đâu thì vẫn cần sự tồn tại của “cò đất” để làm cầu nối giữa người mua với chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của đội quân này những năm gần đây đã làm giảm chất lượng “cò đất” giảm sút rất nhiều. Một anh lái xe ôm, một bà bán nước chè… đều có thể hành nghề môi giới nhà đất. Họ cũng chẳng cần biết chủ đầu tư có khỏe hay không, dự án có được thi công đúng tiến độ hay không, cứ “chém gió” miễn sao bán được nhà, nhận được hoa hồng là được…
Và chính bởi cách làm bất chấp lợi ích của người mua nhà, hoạt động môi giới đang khiến thị trường bất động sản đối diện với nhiều nguy cơ “vỡ trận”.
Trước tiên, theo TS Nguyễn Minh Phong đó là tình trạng sốt ảo, đầu cơ tại một số dự án bất động sản. Hiện tượng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như lòng tin của người mua nhà đối với thị trường bất động sản nói chung và dự án bất động sản nói riêng. Trong khi đó, bài học những năm 2011-2013 đã chỉ ra ra, thị trường bất động sản đóng băng, ế ẩm có một phần nguyên nhân rất lớn từ sự mất lòng tin của người mua.
Thực tế này cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề cập: Hoạt động môi giới nhà đất ở Việt Nam rất phát triển nhưng trên thực tế chủ yếu là... chỉ trỏ, buôn nước bọt, thậm chí có không ít người môi giới lừa đảo người bán, người mua.
Anh Nguyễn Ngọc Quân hiện đang công tác tại một đơn vị quân đội ở Hà Nội khi được hỏi về việc có nên tin hay không “cò đất” đã đưa quan điểm: Nếu phải mua chênh nhưng dự án hoàn thành đúng tiến độ thì còn chấp nhận được nhưng nếu ngược lại, bỏ ra cả tỉ đồng mà vẫn không có nhà khổ. Nhà vẫn phải thuê mà tiền lãi vay vẫn phải trả. Mà môi giới nhà đất giờ quá nhiều, thông tin cũng quá đa dạng. Một dự án mà có đến vài 3 sàn giao bán với cả chục nhân viên môi giới, mức giá cũng chênh cả triệu đồng/m2. Vậy nên, nếu có muốn mua nhà thì cũng sợ, cũng ngại vì không biết đâu là thông tin chính thức, đâu là thông tin thật.
Thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục là một thực tế nhưng lại đang bị “cò đất” làm loạn, gây tâm lý hoang mang đối với người mua, đẩy thị trường phải đối diện với nhiều nguy cơ lâm vào cảnh khó khăn, ế ẩm!
Năng lượng Mới) Thanh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét