Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Bauxite xin giảm 90% phí môi trường: Không thể chấp nhận!

Cập nhật lúc 08:03    


(Quan điểm) - 'Không có lý gì một doanh nghiệp khai thác khoáng sản lại không đóng đúng mức quy định'.

PGS.TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã bày tỏ quan điểm với Đất Việt khi hay tin TKV đã gửi đề xuất lên Bộ Tài chính đề nghị giảm 90% mức thu phí bảo vệ môi trường đang áp dụng cho các dự án bauxite Tây Nguyên.
Khai thác bauxite để làm gì?
PV: - Thưa ông mới đây TKV đã gửi đề xuất lên Bộ Tài chính đề nghị giảm 90% mức thu phí bảo vệ môi trường đang áp dụng cho các dự án bauxite Tây Nguyên. Đáng nói, báo cáo với thường vụ quốc hội, chủ đầu tư vẫn khẳng định 2 dự án bauxite hoàn toàn khả thi và chắc chắn có lãi. Thưa ông, những thông tin trên đã nói lên điều gì? Liệu phải hiểu như thế nào về khẳng định “chắc chắn có lãi” nêu trên?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: - Không thể chấp nhận được. Một doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh thì trước hết phải thực hiện theo đúng Luật của nhà nước đã quy định về thuế và phí bảo vệ môi trường.
Lý do mà TKV đưa ra hoàn toàn không có cơ sở để chấp nhận cho việc giảm thuế đó là còn chưa kể tập đoàn này nhiều lần khẳng định dự án sẽ có lãi và phục vụ an sinh xã hội tại địa phương.
Thế nhưng lãi chưa thấy mà thông tin về sự xin giảm miễn chúng ta thường nghe thấy nhiều hơn. Điều này đang có sự mâu thuẫn trong chính những phát ngôn về 2 dự án bauxite.

Bauxite xin giam 90% phi moi truong: Khong the chap nhan!
Sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra rằng: khai thác bauxite để làm gì khi xin quá nhiều ưu đãi?
PV: - Hiện TKV đã được ưu đãi 5 loại thuế như được miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, tạo tài sản cố định, được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư lắp đặt đồng bộ tại dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng), miễn thuế xuất khẩu aluim xuống còn 0%… Giả định dự án bauxite có lãi như nhà đầu tư cam kết, theo ông, với những ưu đãi như trên, phải hiểu cái lãi đó do đâu mà có? Với một dự án khai thác tài nguyên mà đặt mục tiêu lãi theo cách như trên có phù hợp hay không và vì sao? Với ưu đãi như vậy liệu chúng ta đang được gì từ các dự án bauxite hay chỉ mất tài nguyên và hứng lấy ô nhiễm, thưa ông?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: - Có thể thấy nếu như dự án bauxite nếu có lãi cũng là do nhà nước đang tạo điều kiện quá mức cho doanh nghiệp. Và xét cho cùng ưu đãi này mang lại lợi cho người nước ngoài là chính bởi vì tài nguyên được khai thác nhưng xuất khẩu ra nước ngoài lại giảm thuế xuống còn 0%.
Như vậy cuối cùng chúng tôi không rõ mục tiêu khai thác bauxite và sản xuất alumin là để làm gì.
Có thể thấy rõ ràng một dự án khai thác tài nguyên lên đi bán rồi nhận đủ thứ ưu đãi như vậy là không phù hợp. Đáng ra dự án này phải có lãi thực sự để nhà nước dùng cái lãi đó quay trở lại phục vụ cho việc tái đầu tư. Nếu không có lãi, thà rằng dừng thì tài nguyên vẫn còn đó.
Mặt khác, hy vọng của người dân địa phương khi dự án đi vào khai thác là đời sống của họ ngày càng tăng lên. Với kiểu làm chỉ chăm chăm xin ưu đãi như vậy, có lẽ người dân không nhận được gì nhiều.
Doanh nghiệp nhà nước phải làm gương
PV: -Lý lẽ xin giảm thuế môi trường được TKV cho rằng khai thác boxit tương đối đơn giản, chỉ cần gạt hoặc xúc lớp đất phủ mỏng ở phía trên sang bên cạnh, xúc quặng đi sau đó hoàn thổ tại chỗ bằng đất thổ nhưỡng. Thêm nữa quặng bauxite và đất phủ có độ cứng ít, không phải khoan nổ mìn khi khai thác. Vì vậy, mức độ gây ô nhiễm trong quá trình khai thác là rất thấp, giống như khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình. Thưa ông, lập luận như trên của TKV có phù hợp hay không và vì sao? Tại sao TKV có thể tiếp tục đưa lập luận trên khi nhiều nhà khoa học đã nhiều lần giải thích rõ về vấn đề ô nhiễm trong khai thác bauxite? Theo ông, có nên đồng tình với đề xuất này của TKV hay không và vì sao?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: - Vấn đề này có lẽ không cần phải nói thêm bởi nhiều chuyên gia môi trường từng chỉ ra những hệ lụy từ việc khai thác bauxite.
Như GS Đặng Trung Thuận đã từng chỉ rõ khai thác lộ thiên bauxite sẽ làm thay đổi cơ bản bề mặt địa hình trong vùng. Nếu sử dụng bãi thải ngoài thì một số địa hình đồi sẽ bị san bằng, mặt khác, với khối lượng đất thải lớn (17.925.700m3) sẽ tạo nên những địa hình dương mới, chia cắt các thung lũng và gây ra những dòng bùn đá đổ về hạ lưu.
Thêm nữa các khai trường khai thác bauxite đều nằm ở phần đỉnh và sườn đồi  nên việc thoát nước mỏ rất dễ dàng, nhưng nước mỏ có thể lôi theo các phần tử mịn, sét làm tăng độ đục của dòng nước khi chảy đổ về hạ lưu.
Nước bùn thải chứa đuôi quặng từ các xưởng tuyển với khối lượng từ 25.000-42.000 m3/ngđ nếu đổ về hạ lưu sẽ làm đục nước, vừa gây ra bồi lấp dòng chảy và các vùng đất canh tác ở bồn trũng thấp trong vùng.
Rất nhiều hệ lụy khác về môi trường cũng đã được chỉ ra, vì thế tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ không nên đồng thuận với đề nghị này. Một doanh nghiệp nhà nước phải làm gương cho các doanh nghiệp khác.
PV: - Từ quan sát về hoạt động của hai nhà máy bauxite trong suốt thời gian qua, theo ông đến thời điểm này, chúng ta liệu đã đủ thông tin để đánh giá hiệu quả của hai dự án này chưa, thưa ông? Ông có cho rằng chủ đầu tư cần công khai thêm thông tin, mời các chuyên gia tham gia tính toán ra sao để tư vấn cho Chính phủ một cách đúng đắn nhất hay không?
PGS.TS Hồ Uy Liêm: - Với những số liệu và đánh giá của các chuyên gia thời gian qua tôi nghĩ rằng cũng đã đủ để cân nhắc về 2 dự án khai thác bauxite.
Nhưng để chắc chắn tôi cho rằng Chính phủ nên mời các nhà khoa học độc lập đánh giá lại toàn bộ các dự án khai thác bauxite này để xem hiệu quả hay không. Việc này hoàn toàn không khó và nên làm.
Đây cũng là cách minh bạch thông tin để người dân và dư luận đồng thuận khi Chính phủ quyết định tiếp tục cho khai thác bauxite hay dừng lại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cần đánh giá lại toàn bộ dự án một cách khoa học
Cũng chia sẻ quan điểm đối với hai dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, PGS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng đề nghị xin giảm phí môi trường là không thể chấp nhận được.
Còn ông Thái Văn Long, Phó Chủ tịch kiêm tổng Thư ký Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Lâm Đồng thì cho rằng cần tổ chức hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về vấn đề này trước khi các cơ quan chức năng đưa ra quyết định chính thức.
Bích Ngọc thực hiện
Không cần quá lo thiếu tiền phí môi trường đâu. Mỗi lít xăng người dân đã gánh giúp 3000 đồng rồi. Nhiều tiền lắm. Giả sử lại có cái “quỹ bình ổn giá bô xít” thì tuyệt.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét