Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Việt Nam đối diện nợ công: Cần lắng nghe cảnh báo nước ngoài

Cập nhật lúc 07:34    

(Tài chính) - Quốc hội đã quyết định bội chi chỉ ở mức 5,3% GDP nhưng đã tăng lên tới 6,6% chắc chắn là không bình thường.

TS Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ với Đất Việt bên hành lang Quốc hội chiều 21/5 liên quan đến vấn đề bội chi ngân sách và vay nợ của Việt Nam.
Sẽ chất vấn
PV: - Thưa ông trong báo cáo Chính phủ trình quốc hội về quyết toán chi ngân sách năm 2013 đã đưa ra con số bội chi hơn 41.000 tỉ đồng, vượt trần Quốc hội cho phép. Đây không phải là lần đầu tiên chi tiêu vượt quá ngân sách được thông qua. Theo ông, vấn đề kỷ luật tài khóa luôn được Quốc hội giám sát ra sao?
TS Bùi Đức Thụ: - Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Tôi sẽ chất vấn điều này vào phiên thảo luận hội trường trong kỳ họp này.
Quốc hội đã quyết định bội chi chỉ ở mức 5,3% GDP nhưng đã tăng lên tới 6,6% chắc chắn là không bình thường.
PV: - Đặt trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, Quỹ tiền tệ Quốc tế cũng vừa đưa ra cảnh báo, khuyên Việt Nam không nên tiếp tục vay nợ nước ngoài... Ông bình luận như thế nào về cảnh báo của IMF?
TS Bùi Đức Thụ: - Có thể thấy cảnh báo của quốc tế chỉ có thể chấp nhận được khi tình trạng vay mượn dẫn tới tình trạng vượt trần nợ công gây bất ổn về an ninh tài chính quốc gia và nguy cơ vỡ nợ.
Còn hiện tại của chúng ta mức dư nợ của chúng ta chưa sát trần và không được để vượt trần.
Thứ hai, theo thông lệ quốc tế là nghĩa vụ trả nợ hàng năm trên kim ngạch xuất khẩu của chúng ta hiện tại nếu trả đúng hạn đầy đủ thì phần trả nợ hàng năm của năm 2015 sẽ vượt khoảng 25-26% tổng thu ngân sách nhà nước.
Ở đây nếu hạch toán đúng số nợ đến hạn phải trả là 280 nghìn tỉ thì chiếm khoảng trên 25% GDP là có nguy cơ bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.
Nhưng đặc thù của Việt Nam khác với các nước trong việc vay để trả nợ công.
Với các nước bao giờ cũng vay, phát hành trái phiếu Chính phủ tối thiểu là 5-10 năm hoặc 20 năm. Tức là với thời gian đó nghĩa vụ trả nợ hàng năm phân bổ cho từng năm chậm hơn.
Còn ở Việt Nam thì ngược lại. Trong những năm vừa qua ngoài những khoản tạm ứng từ các quỹ tài chính của nhà nước phải hoàn trả ngay thì số phát hành trái phiếu với thời hạn 2-3 năm cũng chiếm tỉ trọng tương đối lớn.
Những khoản vay có thời hạn ngắn như vậy để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kể cả với thời gian vay 5 năm nhưng các công trình này khả năng thu hồi vốn của nó đến 20 năm thì áp lực trả nợ công đối với từng năm vượt lên bình thường.
Để khắc phục vấn đề này, tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội, trong tái cơ cấu kinh tế phải tái cơ cấu tổng hợp toàn diện, trong đó có cả tái cơ cấu nợ công. Cụ thể là cần phát hành trái phiếu trong và ngoài nước với thời hạn dài hơn thay vào những khoản vay ngắn để giãn tiến độ, giảm áp lực trả nợ trong từng năm.
Việc vay còn liên quan đến trả. Nếu chúng ta có được những khoản vay, nhất là từ vay ưu đãi từ ODA lớn hơn với thời hạn dài hơn thì có thể giải quyết được những món nợ ngắn hạn trong nước thì tổng dư nợ không tăng so với GDP thì sẽ là quá tốt so với Việt Nam.
Trong điều kiện thực tế của Việt Nam như vậy thì cảnh báo của IMF cũng cần phải xem xét.
TS Bùi Đức Thụ bên hành lang Quốc hội chiều 21/5
TS Bùi Đức Thụ bên hành lang Quốc hội chiều 21/5 

Phải thắt chặt chi thường xuyên và cả đầu tư
PV: - Trong một diễn biến khác, dù thừa nhận nợ công ở mức cao, Việt Nam đã phải vay để trả nợ nhưng Bộ Tài chính vẫn khẳng định, sẽ phải vay thêm. Tính toán như của Bộ Tài chính có hợp lý hay không và tại sao? Thưa ông, bài tính thắt chặt chi tiêu phải được tính toán song song ra sao và để hiệu quả nhất, phải thắt chặt ở đâu: chi thường xuyên hay chi đầu tư?
TS Bùi Đức Thụ: - Như tôi đã nói ở trên là tùy vào từng khoản vay, thời hạn vay để có thể cân nhắc.
Nhưng có một điều quan trọng là cần phải lập lại cân đối ngân sách một cách bền vững.
Vừa qua chúng ta đã bị động chạy theo các vấn đề nóng của xã hội khiến việc chi thường xuyên bị đẩy tăng lên tương đối lớn.
Ví dụ đến giờ phút này chi thường xuyên đã chiếm 2/3 tổng chi ngân sách nhà nước là điều không bình thường. Nếu như cộng với phần chi trả nợ những khoản phải trả đúng hạn thì không còn khoản để đầu tư.
Hiện tại các khoản vay để đầu tư của chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào vay nước ngoài.
Ví dụ năm 2015 dự toán của chúng ta bội chi ngân sách nhà nước 226 nghìn tỉ đồng, nhưng đầu tư phát triển chỉ có 195 nghìn tỉ đồng. Như vậy phải dành một phần của vay bù đắp bội chi là để trả nợ.
Một đất nước phát triển phải ưu tiên đầu tư nhưng cũng phải tiết kiệm và có hiệu quả thì đó đang là vấn đề đặt ra.
Theo tôi, tiết kiệm đối với ngân sách nhà nước phải trên mọi lĩnh vực. Bất cứ khoản chi nào không cần thiết, không hiệu quả phải kiên quyết cắt giảm.
Mặc dù phải ưu tiên đầu tư để kỳ vọng vào tăng trưởng bền vững trong tương lai, nhưng những khoản nào chưa thực sự cấp bách như chi đầu tư xây dựng trụ sở quá xa hoa, quá định mức kiên quyết phải cắt giảm. Chi mua sắm ô tô, lễ hội, khánh tiết, khởi công… đều phải cắt giảm.
Như vậy phải tiết kiệm ở mọi lĩnh vực kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
PV: - Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn trong tình trạng khó khăn, doanh nghiệp sản xuất trong nước sắp tới sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại, tính toán nguồn thu để trả nợ phải được đặt ra như thế nào? Thẳng thắn nhìn nhận, ông thấy khả năng trả nợ của chúng ta đang ở mức nào?
TS Bùi Đức Thụ: - Có thể thấy nguồn thu của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Các chỉ số kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2015 cho thấy dấu hiệu nền kinh tế phục hồi tương đối rõ nét.
Tôi theo dõi thấy dự nợ tín dụng ngân hàng của chúng ta so với cùng kỳ cũng tăng cao. Đấy là tín hiệu đáng mừng.
Tiến độ thu ngân sách của chúng ta 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ cũng khá. Như vậy dự báo bối cảnh kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi rõ nét hơn. Thu ngân sách đến giờ phút này theo tôi biết là đạt dự toán.
Nếu chúng ta quản lý thu chi tốt thì có thể làm tỉ lệ nợ công giảm đi chứ không bùng lên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét