Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Lương hưu không đủ ăn sáng: “ngậm ngùi, là “bật khóc”, là “chết lặng”

Cập nhật lúc 09:41

 
Ảnh minh hoạ

Nữ công nhân Lê Thị Duyên, Cty Pungkook Sài Gòn đã đóng BHXH 18 năm khi chị bắt đầu làm công nhân năm 37 tuổi. Khi không còn khả năng lao động, năm 55 tuổi, chị còn thiếu và sau đó đóng BHXH tự nguyện thêm 21 tháng. Kết quả cuối cùng, chị được hưởng mức lương hưu 947.000 đồng mỗi tháng.

Câu chuyện “mức lương chết đói” của chị Duyên, và có lẽ cũng là tình trạng chung của không ít lao động thuộc khu vực doanh nghiệp FDI sau khi về hưu, sau hàng chục năm đóng bảo hiểm xã hội, hôm qua 22.5, đã được chính Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhắc tới trước nghị trường.
Và có lẽ, không ít những người lao động đã ngậm ngùi, thậm chí bật khóc, khi nghe ông Hải so sánh- không hề ngẫu nhiên: “Chuẩn nghèo thành phố giờ bình quân đã là 16 triệu đồng/người/năm”.
“Có người nói người lao động không hiểu được cần có thời gian tích lũy để được hưởng lương hưu. Ý kiến đó hoàn toàn không đúng”- bởi - ông Hải nói hoàn toàn chính xác. “Thực tiễn cho thấy lương hưu chưa bao giờ trở thành động lực”.
Một bộ phận không nhỏ người lao động đang phải “sống và làm việc” trong tình trạng bị lạm dụng, bấp bênh về công việc và một nền tảng sức khỏe ngày càng tồi tệ với chỉ 18%, tức khoảng 1,1 triệu người có sức khỏe loại 1.
Trong khi đó, tương lai đồng lương hưu là những bi hài. Trong khi đồng nghĩa với cống hiến, với hàng chục năm đóng BHXH, “nhịn” đến lúc về hưu, là “không đủ ăn sáng”, là “bật khóc”, là “chết lặng”.
Thực tiễn cay đắng đến mấy thì cũng phải nói trắng ra là “cái quả sự thật” muôn vàn cay đắng.
Liệu với “cái quả” cay đắng ấy chúng ta có thể thuyết phục được người lao động “nhịn tiền” để chờ đến lúc về hưu? Liệu chúng ta có thể nói thật về sự vô định của đồng lương hưu bèo bọt, nói là “chết đói” cũng đúng, bảo “thua xa chuẩn nghèo” cũng không sai, như là một cái đích, một động lực để người lao động phải phấn đấu hàng chục năm, phải tin tưởng vào một tương lai an sinh tốt đẹp?
Hôm qua, ông Trần Thanh Hải nói rằng: Báo cáo nói lương hưu là theo điều kiện, theo khả năng. Tôi tán thành nhưng đề nghị thêm lương hưu phải có thêm động lực để người lao động phấn đấu.
Nếu muốn người lao động thật sự lo cho chính họ, qua đó bớt gánh nặng an sinh của Nhà nước thì điều đầu tiên cần làm có lẽ là cải cách thế nào đó để đồng lương hưu đừng bèo bọt đến mức người ta bật khóc vào mỗi đầu tháng khi cầm sổ hưu đi lĩnh lương.
(Theo Lao Động) Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét