Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Nghe phát ngôn quanh co, lẩn tránh của BNG Trung Quốc

Cập nhật lúc 09:44    

Bộ Ngoại giao TQ: “Về vấn đề có xảy ra xung đột hay không giống như có một lớp sương mù. Trong đó có một số quốc gia cố tình làm to vấn đề của Biển Đông” (?)
LTS: Ngày 11/5/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với hai đại diện là người phát ngôn Hồng Lỗi và ông Âu Dương, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có cuộc làm việc với đoàn nhà báo đến từ 14 quốc gia trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Trong cuộc làm việc này, Trung Quốc trả lời các câu hỏi về quan điểm và lập luận của nước này vấn đề Biển Đông. 
Ghi chép của phóng viên VietNamNet Hoàng Hường trong buổi làm việc.
 “Phải được TQ cho phép”??
Sachin Parashar, phóng viên Ấn Độ đặt câu hỏi: “Vấn đề Biển Đông đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, đặc biệt các diễn biến gần đây và các tuyên bố của Trung Quốc. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?”
Ông Âu Dương cho rằng “TQ luôn chủ trương thúc đẩy phát triển chung và hợp tác” nhưng đồng thời lại nói:  “các hoạt động khai thác dầu khí ở biển đảo phải có sự đồng ý của chính phủ TQ” (!) “Tôi nghĩ các nước ven biển dù có tranh chấp gì, giống như tôi vừa nói đều sẽ theo phương thức bàn bạc hòa bình giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan”, lời ông Dương.
Ông Hồng Lỗi tiếp lời: “Vấn đề Biển Đông không phải do chúng tôi gây ra” (!) và “thái độ ngoại giao của chúng tôi không thay đổi”.
Ngạc nhiên hơn, ông Âu Dương cho rằng: “TQ không phải nước xây dựng nhiều. Tôi có nhiều ảnh chứng minh việc này”.
Phóng viên Ấn Độ Sachin Parashar hỏi lại: “Vừa rồi ông có nói đến bản đồ vệ tinh có rất nhiều ảnh nước khác xây dựng quần đảo, ông có thể chia sẻ các ảnh này với chúng tôi không, và ông có thể cho chúng tôi biết những hình ảnh này lấy từ đâu không?
Ông Âu Dương: “Đây là ảnh do CSS Hoa Kỳ công bố, chúng tôi thấy trên mạng” nhưng ông Dương lại nói “Đây lại là một câu chuyện dài, nếu kể thì phải mất thời gian” và chuyển sang… vụ kiện của Philippines. “Các nội dung đơn kiện trong vụ phân xử do Philippines đưa ra, một là liên quan đến chủ quyền không thuộc về phạm vi và lĩnh vực của Công ước Luật Biển”.
“TQ không chấp nhận và không tham gia vụ phân xử Philippines chính là hành vi tuân theo Luật Quốc tế, bởi đây là quyền lợi chủ quyền do Công ước và Luật Quốc tế trao cho TQ” (?) và “chúng tôi hy vọng rằng Philippines có thể sớm quay lại quỹ đạo giải quyết tranh chấp bằng phương thức bàn bạc. TQ không chấp nhận và không tham gia vụ phân xử”.
Ông Dương không nhắc lại chuyện ảnh “xây dựng” mà kết luận: “Đối với vấn đề Biển Đông, có lúc chúng ta nhìn nhận vấn đề này giống như có một lớp sương mù, trong đó có một số quốc gia cố tình làm to vấn đề của Biển Đông” (!)
 Trung Quốc, Biển Đông, chủ quyền, đối thoại, xung đột
Ông Hồng Lỗi (trái) và ông Âu Dương trong buổi làm việc. Ảnh: Jim Gomez
TQ xây dựng đảo muộn nhất??
Trả lời câu hỏi của phóng viên Fitriyan Zamzami, Indonesia: “TQ có kế hoạch tuyên bố và giới thiệu về Air Defense Identification Zone (ADIZ) không?”. Ông Âu Dương cho rằng “xây dựng ADIZ hay không phụ thuộc vào sự an toàn của hàng không có bị đe dọa hay không” và “tình hình tổng thể ở Biển Đông hiện nay là tương đối ổn định (!) TQ và các nước ASEAN đang triển khai hợp tác thiết thực theo các nội dung DOC, đồng thời đang tiến hành việc bàn bạc COC”.
Nhà báo Ravi Velloor của Singapore hỏi: “Vừa rồi ông nói về có một số nước trong ASEAN đồng tình với việc xây dựng đảo biển của TQ, ông có thể cho biết là những nước nào không? Câu hỏi thứ hai, cảm giác của các nước ASEAN là Trung Quốc ngày càng rời xa với Tuyên ngôn Biển Đông, thì đừng có nói về các Quy tắc cư xử đã ký kết nữa. Không biết ông có phản hồi gì về những kiểu nói này?”
Ông Âu Dương trả lời rằng TQ và các quốc gia liên quan đã “khai thông rộng rãi”, “TQ không phải là quốc gia đầu tiên xây dựng các đảo và bãi cạn”, “các nước ASEAN đều hiểu rõ, TQ là quốc gia xây dựng muộn nhất”(!?). Ông Âu Dương cho rằng nhiều quốc gia “không hiểu tình hình” nên “quay sang chỉ trích và ném đá giấu tay TQ”.
Về câu hỏi thứ hai, ông Âu Dương hỏi “có chứng cứ nào TQ ngày càng rời xa DOC không?”. Ông Âu Dương cho rằng TQ “rất kiềm chế và nhường nhịn” trong vấn đề Biển Đông (?)
Sachin Parashar: “Có phải sau khi TQ lấp biển thành đảo, việc xây dựng ADIZ vẫn là một chính sách của TQ hay không? Câu hỏi thứ hai, vừa rồi ông đề cập đến các hành vi xây dựng của các nước khác là vào 20 năm trước, nhưng vào năm 2002 có một sự kiện quan trọng là ký kết DOC đã quy định rõ là không khuyến khích các nước có xây dựng mới đối với các đảo Biển Đông. Nhưng năm ngoài TQ lại lấp biển thành đảo và xây dựng quy mô lớn bị các nước khác phản đối. Tôi muốn hỏi các công trình xây dựng quy mô lớn của TQ tuân theo DOC thế nào?
Trả lời câu hỏi đầu tiên, ông Âu Dương “đã nói rõ rồi”. Câu hỏi thứ hai, ông Âu Dương cho rằng: “không biết các bạn có đọc kỹ từng điều khoản một của nội dung DOC hay không? DOC ký kết vào năm 2002, trong đó có một điều khoản là các nước không được chiến lĩnh đảo mới không chủ, còn một cái là không có các hành động phức tạp hóa tình thế”(?!)
Ông Dương không trả lời vấn đề “tuân theo DOC thế nào?”
Trả lời câu hỏi “Tại sao TQ luôn từ chối các nước khác tham gia và cùng giải quyết vấn đề? Ông nghĩ thế nào về vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông?” của phóng viên Việt Nam Hoàng Hường. Ông Âu Dương nói: “lập trường của TQ vẫn như trước, thông qua đàm phán hòa bình và bàn bạc đã giải quyết các vấn đề biên giới lục địa với 12 trong 14 quốc gia lân cận, đã giải quyết vấn đề về Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam” và “thông qua bàn bạc để giải quyết tranh chấp, kết quả đạt được sẽ là lâu dài nhất”.
Ông Dương cho rằng DOC “quy định các tranh chấp về Biển Đông do các nước đương sự trực tiếp bàn bạc giải quyết” và “Tôi đã từng tham gia quá trình giải quyết vấn đề biên giới Trung –Việt, mất 5 năm thời gian để tham dò biên giới Trung – Việt. Quá trình này khiến tôi càng kiên định giữa các nước đương sự nên thông qua bàn bạc để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển”, lời ông Dương.
Phóng viên Siddhartha Mahanta, Washington, Mỹ: “Ông vừa rồi nói đến dù vấn đề chủ quyền của TQ như thế nào, tự do hàng hải cũng sẽ không chịu sự ảnh hưởng. Cách nói này có phải cũng phù hợp cho các tàu quân sự ngoài khu vực, ví dụ như của Hoa Kỳ?
Ông Âu Dương: “Theo Luật Quốc tế, gồm Công ước Luật Biển, các tàu thủy, gồm máy bay trong vùng biển nhất định đều có quyền hàng hải tự do”, “TQ sẽ kiên quyết theo quy định của Luật Biển bào vệ và đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển Biển Đông”.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng “cho đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa gia nhập Công ước Biển, vậy hai bên sẽ có ý kiến bất đồng khi hiểu về một số điều khoản của Công ước Biển”.
(Theo TuanVietNam) Hoàng Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét