Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

CHÂU ÂU XÉT LẠI CHÍNH SÁCH ĐỐI ĐẦU VỚI NGA
Cập nhật lúc 09:53  

 “Đừng đối đầu với Nga” là chủ đề không chính thức của Thượng đỉnh Ðối tác phương Đông đang diễn ra ở Latvia với sự tham gia của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu và 6 quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Châu Âu xét lại chính sách đối đầu với Nga
Thủ tướng Đức Merkel thảo luận với Đại diện ngoại giao châu Âu Federica Mogherini bên lề thượng đỉnh Đối tác phương Đông tại Latvia

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông lần thứ tư của Liên minh châu Âu (EU) khai mạc tại thủ đô Riga (Latvia) ngày 21/5 đã kết thúc ngày 23/5 với việc ra tuyên bố chung nhất trí về việc duy trì “Đối tác phương Đông”, dù còn tồn tại một số khác biệt trong các vấn đề chủ chốt.
Được khởi sự năm 2009, theo đề nghị của Ba Lan, sáng kiến này có mục tiêu thắt chặt quan hệ giữa khối EU với 6 nước thuộc Liên Xô trước đây (gồm Ukraina, Moldova, Azerbaijan, Armenia, Gruzia và Belarus), vốn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga.
Tại hội nghị lần trước cách đây 18 tháng ở Vilnius, các nước tham dự đã không thể đạt được đồng thuận trong vấn đề đối đầu Đông-Tây liên quan đến mâu thuẫn giữa Nga và EU xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina. Trong số 6 nước thuộc Liên Xô trước đây có Ukraina, Gruzia và Moldova nghiêng về hướng thân EU; Azerbaijan giữ quan điểm trung lập; hai nước còn lại là Armenia và Belarus ngả về phía Nga.
Sự đổ vỡ của hội nghị lần trước và những gì diễn ra trong hơn 1 năm qua tại Ukraina là tiền đề để các đại biểu tham dự bàn luận tại Thượng đỉnh lần này. Làm thế nào để Bruxelles có thể điều hòa được chính sách láng giềng xích lại gần nhau giữa Liên minh châu Âu với 6 nước nói trên, và các quan hệ với Moskva?
Nhóm các nước như Latvia và các láng giềng vùng Baltic muốn theo đuổi một chính sách quyết liệt hơn với Nga, do kinh nghiệm lịch sử, các liên hệ kinh tế sống còn của họ và một truyền thống đoàn kết lâu đời với 6 quốc gia Liên Xô cũ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác lại không muốn va chạm với Nga.
Về chủ đề này, báo Le Monde (Pháp) ra ngày 22/5 có bài phân tích đáng chú ý, mang tựa đề “Đối tác phía Đông bước đi rón rén”, mở đầu với nhận xét: “Đừng đối đầu với Nga: đó là quan điểm không chính thức của thượng đỉnh”. Hòa dịu với Nga là chủ trương của nhiều quốc gia chủ chốt của châu Âu. Pháp nghiêng về quan điểm “chính sách lân bang của EU không thể được xây dựng trong thế đối đầu với Nga”.
Mặc dù có ít nhất 25 nguyên thủ và Thủ tướng các nước châu Âu tuyên bố có mặt tại hội nghị được coi là rất quan trọng này, nhưng khả năng hội nhập EU của 6 nước Liên Xô cũ trở nên xa vời, khác hẳn so với cách đây sáu năm. Theo AFP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tỏ thái độ rõ ràng: trong vòng 5 năm tới, sẽ không có bất cứ một đơn đề nghị gia nhập nào được cứu xét. Người đứng đầu ngoại giao châu Âu Federica Mogherini thì nhấn mạnh đến “mối quan hệ xây dựng với Nga”.
Trên thực tế, quan hệ giữa châu Âu với 6 nước láng giềng phía đông đang được điều chỉnh lại một cách “mềm mại” hơn (theo một nguồn tin ngoại giao Pháp được Le Monde dẫn lại), tùy theo tình hình và mong muốn của từng quốc gia. Cho đến nay, mới chỉ có ba quốc gia trong số sáu nước này ký kết hiệp ước liên kết với Bruxelles: Moldavia, Gruzia và mới đây là Ukraina (tháng 6/2014). ArmeniaBelarus đã chấp nhận tham gia vào khối kinh tế Á-Âu, do Nga lãnh đạo. Theo báo Le Monde, để dung hòa các quyền lợi đối kháng giữa châu Âu và Nga, Pháp có chủ trương châu Âu ký kết hiệp ước liên kết với các nước này, nhưng không bao gồm thỏa thuận tự do mậu dịch. Tuy nhiên, quan điểm này chưa được khối 28 nước chính thức chấp nhận.
Phát biểu tối 21/5 tại Latvia, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định chương trình Đối tác phương Đông không chống lại bất cứ quốc gia nào và đặc biệt cũng không phải để chống Nga.
Dù sao, phía Nga cũng không muốn duy trì căng thẳng với châu Âu. Hôm 19/5, tại Bruxelles, liên quan đến Đối tác phương Đông của châu Âu, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi chỉ hy vọng một điều (…) là những quan hệ này không được gây tổn hại cho các lợi ích hợp pháp của Liên bang Nga”.
Nhà chính trị học Latvia Andris Spruds nhấn mạnh rằng: “Đối với nhiều quốc gia Liên minh châu Âu, Nga không chỉ là một đối tác thương mại, mà còn là một đối tác chính trị và ngoại giao”.
Cuộc đối đầu giữa EU và Nga liên quan đến tình hình Ukraina trong suốt thời gian qua đã khiến cho tất cả các bên thiệt hại. Thượng định ở Riga là dịp để các nước EU ôn bài học khi mà cách đây hơn một năm họ đã cố tình kéo cho bằng được Ukraina về phía mình.
(Theo Năng lượng Mới) Nh.Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét