Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Hàng loạt nhà giáo lớn bị Bộ GD & ĐT... "bỏ quên"?

Cập nhật lúc 10:31
VOV.VN - Hàng loạt nhà giáo hàng đầu VN có công lớn với ngành giáo dục đã không được tri ân xứng đáng chỉ vì Luật không qui định "truy tặng"
Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là danh hiệu cao quý nhất của nhà giáo được Hội đồng thi đua và Khen thưởng Quốc gia xét và Chủ tịch nước Việt Nam ký quyết định trao tặng. Cứ hai năm một lần vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 hàng năm, giáo giới lại hân hoan chờ đón đợt trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

 

Tính từ năm 1988 đến nay, qua 14 đợt phong tặng, đã có rất nhiều giáo viên từ khắp mọi miền Tổ quốc, từ cô nuôi dạy trẻ, giáo viên tiểu học đến giảng viên đại học. Đây là những tấm gương yêu nghề, có tài năng sư phạm xuất sắc, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc.
Đáng tiếc, ngay từ đợt trao tặng danh hiệu này năm 1988, đã có nhiều nhà giáo đã khuất không được truy tặng. Nhà giáo Tô Ngọc Vân là trường hợp như vậy, ông đã hy sinh từ 34 năm trước. Có lẽ, Tô Ngọc Vân là liệt sỹ đầu tiên hy sinh với cương vị Hiệu trưởng của một trường Cao đẳng.
Năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xét đặc cách trường hợp cố họa sĩ, GS Tô Ngọc Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (trực thuộc Bộ VHTT&DL). Nhưng vì lý do luật chỉ qui định “tặng” mà không “truy tặng” nên danh hiệu này không dành cho người đã khuất, nên khi hồ sơ gửi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không được thông qua. Mong ước của nhiều thế hệ thầy trò Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và giới mỹ thuật nói chung với người Thầy tài cao đức trọng vẫn không được toại nguyện.
Quả đúng là nếu xét thông qua trường hợp Tô Ngọc Vân, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ còn nhiều trường hợp khác cũng có công lao to lớn với sự nghiệp giáo dục cần cân nhắc.
Sự thành lập Trường Mỹ thuật Kháng chiến ngoài công lao của thầy Tô Ngọc Vân còn phải kể đến sự hậu thuẫn của ông Nguyễn Văn Huyên với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục.
Nói thêm về Nguyễn Văn Huyên, ông là người đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt 28 năm bom đạn và gian khó. Nhưng cũng như người tiền nhiệm, Bộ trưởng Đặng Thai Mai và người kế nhiệm Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên cũng không được truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân!
“Với trường hợp Nhà giáo Tô Ngọc Vân thì cả nước đều đã biết đến công lao của ông.  Chỉ đáng tiếc là trong Luật không công nhận là truy tặng, mà chỉ quy định là tặng thôi... Nếu bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tự đề xuất đặc cách trường hợp của thầy Tô Ngọc Vân thì trong ngành sẽ còn nhiều trường hợp khác nữa về giáo dục cũng có những đóng góp to lớn mà mất rồi không làm sao đề xuất lại được. Cho nên giờ nếu đề xuất bác Tô Ngọc Vân thì sẽ liên quan đến hàng loạt nhà giáo khác"- ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích.
Theo thiển ý của người viết, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đâu phải danh hiệu Hoa hậu không bao giờ dành cho người đã khuất. Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú ghi nhận công lao, những đóng góp của một đời nhà giáo, nếu chỉ vì ai đó mất trước khi được trao tặng sẽ vĩnh viễn không bao giờ có. Ta hãy hình dung GS. Đặng Thai Mai nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm có rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Nhưng vì giáo sư mất năm 1984, bốn năm trước đợt phong nhà giáo Nhân dân đợt I nên không có được danh hiệu này.
Nếu danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú không thể truy tặng ta cần phải xem lại mục đích, ý nghĩa của danh hiệu này để mà sửa luật, bởi vì luật cuối cùng cũng do con người làm ra. Cũng như Tô Ngọc Vân, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ đều được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc truy tặng những danh hiệu cao quý để ghi nhận công lao của người đã khuất là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Không riêng gì Giải thưởng Hồ Chí Minh mà ngay cả Huân chương Sao vàng cũng thường truy tặng cho những người có công với đất nước và dân tộc. Một danh hiệu cao quý bậc nhất như Huân chương Sao vàng cũng đã dành cho các bậc tiền bối đã khuất như Nguyễn Văn Tố, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Xiển, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tùng Mậu, Đinh Đức Thiện…
Thiết nghĩ với danh hiệu dành cho giáo giới như NGND, NGƯT quan trọng không phải dành cho người đã chết hay người đang sống mà quan trọng nhất là tìm đúng để trao người. Chính điều đó cũng đã được thể hiện trong các tiêu chuẩn chính được thể hiện trong Luật Thi đua - khen thưởng. Các tiêu chuẩn đó là:
- Có Đạo đức: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, sinh viên; gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên và đồng nghiệp noi theo.
- Có tài năng sư phạm xuất sắc, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc; Đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, tính đến năm xét tặng từ 6 năm trở lên và trong thời gian đó được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba trở lên.
- Có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội.
(Luật không quy định người được phong tặng còn sống hay đã mất – KB)
Trong thực tế hiện nay, có rất nhiều việc phải giữ đứng kỷ cương phép nước thì lại được vận dụng linh hoạt; và ngược lại có nhiều việc hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt. Gần đây việc trao tặng danh hiệu NGND, NGƯT có hiện tượng nhiều lãnh đạo đương thời được phong nhà giáo ưu tú thì cũng có một sự thực là rất nhiều bậc lãnh đạo tiền bối đã không được trao danh hiệu này chỉ vì đã không kịp sống đến ngày ra đời danh hiệu./.
(Theo VOV) Trần Hậu Yên Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét