Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

 Mong Bộ trưởng Bộ Y tế đọc những trang nhật ký này:
Cập nhật lúc 15:12                
Lần đầu tiên con nằm tại Xanh Pôn - đâu là sự thật?????
2. Những ngày con ra viện:
Con ra viện vào chiều 21/2, bác sỹ Thắng bảo con đã khỏe và cho đơn thuốc kháng sinh + thuốc ho về uống. 
Ngày 22/2 mẹ xin nghỉ ở nhà để chăm con, mẹ thấy biểu hiện của con là xuất tiết mũi, xuất tiết khá nhiều. Ngay ngày hôm sau mẹ cho con đi khám lại ở bác sỹ Thắng, bác bảo rằng con bị cảm thôi, bác kê cho con thuốc kháng sinh, mekocetin (2 viên/ ngày) và thuốc cảm cúm loại mạnh. Bác khẳng định rằng con uống 5 hôm là khỏi. Trong đơn thuốc của bác bác ghi rõ khám lại sau khi điều trị 5 ngày VPQP/ Sởi.
Nhà bác Thắng ở số 16C, ngõ 123 Xuân Thủy, đối diện bên kia đường là nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Bố mẹ đã cho 2 chị e con vào hiệu sách chơi. Con rất thích. Mẹ đỡ 2 nách của con và con đi hết nơi này đến nơi khác, đồ chơi nào con cũng sờ tay vào. Mẹ cho 2 chị e con vào trong xe chở đồ, đẩy đi xung quanh hiệu sách. Con rất thích thú. Mẹ dừng lại là con lại đẩy đẩy ng về phía trước, nhìn mẹ với ánh mắt: Mẹ ơi! Mẹ đẩy con đi tiếp đi.
Con là một đứa trẻ rất ngoan. Con sốt, con đòi bố hoặc mẹ bế trên tay. Khi hạ sốt là con lại chơi ngoan như 1 con chó con. Mẹ nhớ tối hôm đấy cả nhà mình ngồi chơi bóng. Bố ném bóng cho mẹ, mẹ truyền cho con, con lại ném cho chị Còi và chị Còi lại ném cho Bố.
Khi hạ sốt là con lại cố gắng ti mẹ, cố gắng uống sữa, cố gắng ăn bánh quy Cosy mà con thích.
Hạnh phúc là những điều rất giản dị. Chỉ có vậy thôi mà mẹ thấy hạnh phúc quá!!!! 
Ngày 25/2 con bắt đầu sốt nhẹ (37,8 độ) 
Ngày 26/2 con sốt cao hơn, bố mẹ cho con đi khám ở bác sỹ Tuấn. Khi nhìn đơn thuốc bác Thắng kê, bác Tuấn quát luôn bố con: Tại sao lại cho dùng Mekocetin???? Cả bố và mẹ mắt chữ O, mồm chữ A, k biết trả lời bác làm sao vì bác Thắng cũng là bác sỹ, là trưởng khoa, có bằng cấp nước ngoài đàng hoàng. Bác Tuấn chỉ định cho con vào khoa HSCC xét nghiệm máu và chụp X-quang. Làm tất cả hết 30’, lần đầu vào khoa này, mẹ thấy người nhà đứng ngoài hết, 1 bác lao công ngồi đó canh. Mẹ còn nhớ 1 cô bảo mẹ: cho con vào đây làm gì, về đi. Mẹ k hiểu, mẹ đợi xét nghiệm cho con mà. Con được vào phòng Hội trường để cô điều dưỡng lấy máu, 1 chú dẫn con đi chụp. Lấy kết quả về bác kết luận con VPQ-P và dùng thuốc.
Bố con hỏi nhỏ bác Tuấn: thuốc Meko k được dùng hả bác? Bác Tuấn trả lời rằng: Sởi nó làm suy giảm miễn dịch, uống Meko nó càng làm suy giảm miễn dịch hơn.
Theo bệnh án thì con đã bị Sởi nên con không thể bị Sởi lần 2!!!!! Đó là khẳng định chắc chắn của bác sỹ. 
Ngày 27/2 con bắt đầu sốt cao, k hạ.  
Ngày 28/2 vì quá sốt ruột nên mẹ gọi cho bác Tuấn:
“- Con em từ hôm kia đến giờ cứ sốt cao, k hạ, con có biểu hiện ly bì lắm!
- Vậy e cho con vào viện đi
- E cho con vào khoa bác, bác chữa cho cháu nhé!
- Không! Khoa bác chỉ cháu nào thở máy mới vào thôi. Mà e nên cho con đi theo con đường bảo hiểm, vì biến chứng sau Sởi này dùng nhiều thuốc tốn kém lắm. Mà lúc đầu vào viện, theo phác đồ thì viện nào cũng như viện nào, dùng thuốc như nhau cả.
-  Vâng, e cảm ơn bác!”
Chưa bao giờ con sử dụng thẻ bảo hiểm. Nhưng lần này bố mẹ mang ra, bố mẹ thấy quá mệt mỏi với kiểu chữa bệnh nửa vời của viện Nhi rồi. Con bị chữa bệnh như vậy là lần thứ 2 rồi.
Đầu tiên cho con vào bv huyện Từ Liêm, có người nhà ở đấy, chị ấy dẫn thẳng lên bác sỹ Nhi. Mẹ nói quá trình ốm của con, bác sỹ rất ngạc nhiên, vì con đã bị Sởi rồi mà bây giờ lại có biểu hiện Sởi, mắt sưng, người nổi ban. Khám qua rồi bác bảo: Khám bác sỹ Tuấn à? Cao thủ đấy. Người nhà thì chị cho thuốc mang về, còn ng khác thì nên nhập viện. Nhưng mẹ không yên tâm, mẹ lại cho con ra Xanh Pôn.  
3. Bệnh viện Xanh Pôn: 
Đây là lần đầu tiên bố mẹ cho con vào đây. Con vào lúc 11h trưa. Vì đến giờ nghỉ trưa nên các bác sỹ hẹn 14h thì vào làm thủ tục. Con nằm ở phòng đón tiếp. Lúc đấy bố con định về trạm y tế xã để xin giấy chuyển viện. Mẹ phone cho 1 chị có họ với nhà mình, chị ấy bảo mang con về khám rồi mới cho giấy. Đó là điều không tưởng!!!! Bây giờ con mình là quan trọng, đợi được giấy thì quá lâu, con bị nặng lên thì sao???? Bố không về nữa.
Mẹ thực sự thất vọng vì cái nhập viện ở bệnh viện này rất chậm, con thì sốt, đến giờ nghỉ trưa nên các bác sỹ hay y tá phải nghỉ!
14h con lên khoa Nhi tổng hợp và phải đến 16h thì con mới có giường và lúc đó con mới được lấy ven và tiêm.
Khoa Nhi tổng hợp ở đây có 5 phòng thì 3 phòng dành cho Sởi, 1 phòng tiêu chảy và 1 phòng dịch vụ. Phòng nào cũng 2, 3, 4 bệnh nhân/ giường và có khoảng 6 giường.
Bố mẹ đăng ký ngay cho con nằm phòng dịch vụ nhưng vì chỉ có 4 giường và rất nhiều người đăng ký. Lại phải nhờ người quen, tên của con có trên bảng đăng ký dịch vụ.
Đêm hôm ấy con sốt cao. Khi con sốt là phải ra báo, cả bố và mẹ không ai ngủ, lúc nào cũng canh nhiệt độ cho con, Các điều dưỡng cho thuốc hạ sốt và dặn thêm: Chườm cho con đi, đừng để sốt cao quá!!!
Liên tục chườm mát, hết nước nóng phải đi xin từng giọt.
Con khá mệt, nhưng con vẫn cố ăn sữa, uống oresol, ti mẹ.         
Ngày 1/3:  Sáng hôm đó bố về để mang thêm quần áo ra cho con, một mình mẹ chăm con ở viện mà nước mắt mẹ cứ chảy dài. Mẹ gọi về cho bác (nhà bác đang xây) mẹ hỏi cho mẹ mượn bà ngoại mấy hôm. Ngay lập tức bà thu xếp việc và lên ngay với con. Bà điều ngay bác thứ 2 đến với con. Bác ấy cũng yếu, bác giúp mẹ đi mua nước nóng để chườm mát cho con.
Điều đáng phê phán ở viện này là các điều dưỡng không đẩy xe đến các phòng tiêm mà tất cả các cháu: sởi, tiêu chảy đến chung 1 phòng tiêm. Có 2 giường tiêm, các con nằm trên đấy để lấy ven và tiêm. Phòng tiêm này đồng thời cũng là phòng cấp cứu luôn. Thế thì thử hỏi có chuyện lây chéo hay không???? Và các cô điều dưỡng không hề thay găng tay khi làm xong cho 1 cháu bé!
Vì hôm đấy là thứ 7 nên không có bác sỹ khám phòng mà chỉ có bác sỹ trực bàn. Mẹ cứ nhớ mãi mẹ mang con ra, không thấy bác sỹ ở đấy mà chỉ có cô điều dưỡng, cô ấy chỉ cho mẹ sang phòng bác sỹ. Mẹ gõ cửa. Một bác to lớn, nhìn có vẻ phúc hậu quát mẹ: Ra gặp bác sỹ bàn!
Mẹ đâu có biết gì mà quát mẹ???? Mẹ lại bế con ra, gặp bác sỹ Bàn. Lúc này cái ông to lớn kia (trưởng khoa) cũng ra và bảo: Này, có mẹ thằng Tiến bảo là không thấy ai ở đây. Mẹ ở đấy và mẹ bảo: Mẹ cháu không thấy ai ở đây, được cô điều dưỡng chỉ sang đấy nên mẹ cháu mới sang.  –  Không được cắt lời tôi. Tôi không nói nữa.
Bác sỹ Bàn khi nghe mẹ kể về quá trình 5 ngày bên Nhi, bác chỉ nói rằng:
-  Sao không cho con vào đấy để điều trị cho liền mạch, kết quả xét nghiệm bên đấy thì các bác không được nhìn, mẹ hiểu không?
-  Rất nhiều bệnh nhân sang Nhi điều trị đều bị như vậy, chữa chưa khỏi đã cho về nên bị lại.
-  E cứ mang con về phòng theo dõi, chườm mát cho con. Sởi nó sốt cao 40 độ trong mấy ngày cơ.
Mẹ lại cho con về phòng, lại theo dõi nhiệt độ và chườm mát
Chiều hôm đấy con cứ sốt cao mãi không hạ, mẹ lại cho ra gặp bác sỹ Bàn. Bác cho con nằm ở phòng cấp cứu và chỉ định tiêm cho con mũi Gamma (thuốc trợ lực với người mới mắc sởi)
Tối bà lên. Bà cảm ơn bác sỹ Bàn. Bác vào phòng khám cho con và có nói một câu rằng: Con tiên lượng xấu đi! Vì thường Sởi khi mọc ban là sẽ không sốt nữa, mà con lại vẫn sốt cao.
Tối đó, mắt con sưng húp, chỉ nhìn thấy 1 chút lòng đen nháy. Hạ sốt một chút là con lại ngồi ngoan trên giường, con ăn được nửa cái bánh Cosy và uống sữa. Mẹ còn để phần bánh thừa của con lại và khoe với bố. Niềm vui nhỏ nhoi. Con hết nhìn xung quanh, con lại nhìn mẹ. Thằng ku chó của mẹ ngoan thế đấy.
Cả đêm con sốt cao, điều dưỡng liên tục nói chườm mát cho con. 
Ngày 2/3: 
Hôm đó là chủ nhật, bác sỹ Bàn không làm nữa mà 1 bác sỹ nữ, mẹ không nhớ tên trực và khám cho con. Mẹ lại kể cho bác nghe 5 ngày con nằm viện, mẹ lại thắc mắc con bị Sởi rồi sao con lại bị lại. Bác ấy khuyên mẹ: E đừng để ý đến chuyện trước nữa. Hãy tập trung vào chữa phổi cho con. Con bị viêm phổi rất nặng. Con e là Sởi điển hình.
Ôi, tim mẹ như nghẹn lại. Được 5 tiếng đồng hồ con không sốt, mẹ rất mừng.
Sau đó con liên tục sốt cao. Điều dưỡng liên tục giục chườm mát.
Trưa bà mua cơm về, con thì sốt làm sao mẹ có thể ăn được. Bà giận, bà quát ầm lên, mẹ cũng không kiềm chế được. Mẹ đã thốt ra rằng: cháu nó sắp suy hô hấp rồi bà có biết không?
Mẹ đã chứng kiến Trang Anh suy hô hấp nên mẹ biết. Linh tính của một người mẹ luôn luôn đúng. Bữa cơm hôm đó chan đầy nước mắt.
Trưa bố về lấy quần áo cho con. Nước mắt của một người cha đã rơi, rơi suốt dọc đường về nhà. Bố về, bố nói với các bác: Ku nhà e thích nhất bác Hà (kể cả mẹ đang bế con mà bác đi qua, con cũng đều với theo bác. Bác bế con nhẹ nhàng, thủ thỉ, thủ thỉ) chiều bác ra với cháu, biết đâu khi nhìn thấy bác, cháu nó sẽ cố gắng hơn”
Con liên tục sốt cao, uống hạ sốt không hạ. Nhịp tim và ô xy của con bắt đầu hạ. Các bác ra đúng lúc đó, tất cả các bác, cả bà nội. Điều dưỡng dùng khăn tẩm cồn dấp lên lưng, lên người và chân của con. Sau đó con chuyển xuống phòng Hồi sức cấp cứu của Xanh pôn. Mẹ vẫn ở bên con, mẹ sẽ theo con đi đến cùng trời, cuối đất.
Phòng HSCC khá sạch và thoáng, bác sỹ hỏi mẹ có sang Nhi không? Nếu buộc phải sang thì nhà cháu sẽ sang. – Sao trên khoa Nhi bảo người nhà không muốn sang? – Nếu cháu nặng thì các bác cứ cho cháu sang đấy.
Trong đầu mẹ lúc này chỉ nghĩ đến bác sỹ Tuấn, mẹ lấy phone và gọi:
-          Bác à! Ku nhà e bị suy hô hấp rồi, e cho cháu sang bác, bác chữa cho cháu nó nhé!
-          E đưa cháu sang đây, nhưng mai khoa bác mới có giường, bác mới nhận cháu được.
Bác sỹ hỏi mẹ: E quen bác Tuấn à? Được bác ấy nhận thì tốt quá rồi.
Mẹ quay vào với con, mẹ luôn động viên ku Tiến của mẹ cố gắng lên. Con nằm nghiêng, thở đều đều. Mắt mẹ bắt đầu hoa, tay run. Mẹ gọi: các bác ơi, e làm sao thế này. Rồi mẹ có con cũng nằm cùng giường gọi bác sỹ vào với mẹ.
Tay chân mẹ bắt đầu co lại, bác sỹ vào, bác Hà cũng vào cõng mẹ ra. Người ấn ngực, các bác bảo mẹ thở dài ra, đừng thở ngắn. Mẹ cố gắng, cố gắng, rồi đến lúc k cố được nữa, mẹ bảo: các bác cho e vào cấp cứu, e không cố được nữa. Cả tay và chân mẹ co rúm. Khi y tá đẩy mẹ qua phòng con mẹ đã gọi: Con ơi!!! Mẹ sợ, mẹ sợ phải xa con....
Bố con nói với mẹ: E phải cố gắng lên, a liên lạc với bác Tuấn rồi, bác nhận con, bác còn cáu và bảo mang nó sang đây. Ô xy của con cũng tăng lên rồi, nhịp tim ổn rồi. Mẹ ôm bố, bố đi theo xe cấp cứu sang với con. Bố bảo bố nhớ nhất hình ảnh con nằm trên giường, thím bế con khóc, nghe thấy giọng bố là con oải ra, tay với bố và miệng thì gọi: Bố ơi!!!
Mẹ cấp cứu ở khoa ngoại, các bác hỏi sự tình, đo huyết áp, nghe tim, phổi rồi tiêm mũi can xi cho mẹ, truyền chai đường.
Bác sỹ trực hỏi mẹ sao lại bị như vậy, ăn uống tốt không? Mẹ đã gào lên, tiếng gào ai oán, đau đớn. Lúc bình tĩnh hơn mẹ đã nói: Tôi căm hận bác sỹ, tại sao không tin vào linh tính của một người mẹ, tại sao không cho con tôi tiêm đủ 7 ngày mà cứ tiêm dở dang.
Truyền xong mẹ ra ngồi thì bác dâu trách mẹ: phải biết chăm lo cho bản thân mình trước. Tao á, tao lúc nào cũng phải tao trên hết, tao phải lo cho tao trước rồi mới lo cho người khác. Sao không cho con vào Nhi ngay mà sang đây?
Mẹ đã không cần biết gì, mẹ lao ra xe bắt taxi, vâng, tất cả là tại tôi đấy, tôi đã hại con tôi rồi đấy.
Trong túi không có tiền, không điện thoại (bố con cầm hết) bác thứ 2 và bà đi cùng với mẹ, mẹ rất lo lắng cho con. 
4. Con quay lại Viện Nhi lần thứ hai
Nhờ một bác sỹ quen mà con được vào khám thẳng ở khoa Cấp cứu, không phải khám ở ngoài. Con được xét nghiệm máu và chụp X – quang ngay lập tức. Bác sỹ kết luận con chỉ bị viêm phổi thôi. Có 2 phương án, 1 là con sang khoa HSCC (nhưng chưa có giường) – 2 là con sang khoa lây. Bố con đã quát lên: Con tôi bị sởi rồi, cháu không bị sởi lần thứ 2 được đâu, con tôi không sang đấy.
Và vị bác sỹ trực kia đã xem lại kết quả xét nghiệm sởi của lần trước và bảo:
-    Đây, âm tính đây, lần này mới là sởi.
-    Thế sao lần trước lại cho con tôi vào phòng sởi?
-     Chuyện này thì tôi không có ý kiến gì. Bây giờ thế nào? Sang khoa lây nhé! Không ở đây được vì sẽ lây sang các cháu khác. 
Bố mẹ không biết tin vào ai, vào cái gì khi mà 1 người là trưởng khoa điều trị tự nguyện, 1 người là phó khoa truyền nhiễm mà không thể phân biệt được đâu là ban do sởi và đâu là ban do sốt phát ban????? (và nói thêm rằng con chỉ bị nốt đến bụng, không hề xuống chân).
Con không thể bị sởi 2 lần liền một lúc chỉ cách nhau có mấy ngày như vậy được. Nếu con có bị lại thì phải 4 – 5 năm nữa khi sởi biến thể. Và ngày mà con vào khoa lây (16/2) đến ngày con sốt lại (26/2) là đúng đủ 9 – 10 ngày ủ bệnh.
Phải chăng trình độ của họ chỉ có thế? Phải chăng không phải con cháu họ nên họ không quan tâm? Phải chăng cả một hệ thống từ Bộ Y tế đến bệnh viện đều hô khẩu hiệu: nhầm còn hơn bỏ sót? Cái sự đấy của họ đã làm 1 con người ra đi, 1 người mẹ, 1 người bố, 1 gia đình , 1 dòng họ, 1 xã hội đau thương, phẫn uất.
Và dịch từ đâu mà ra? Tất cả các bạn con Trang Anh, Gia Hưng, Nhật Quang đều điều trị hô hấp tại tầng 8 tòa nhà 8 tầng, và đều bị lây sởi từ đó. Bác sỹ biết, y tá biết, bố mẹ biết nhưng con ốm, bác sỹ chỉ định vào viện, vậy mình phải đi đâu bây giờ? Ở nhà cũng chết mà đi viện cũng chết.
Và 1 điều nữa là sởi lây mạnh nhất là 5 ngày trước khi nổi ban (khi con sốt) và 5 ngày khi con bay ban. Vậy nếu lần 1 con bị sởi thật, con điều trị 2 ngày ở khoa lây mẹ xin cho con sang khoa tự nguyện, bác Hải bảo con hết nguồn lây???? Phải chăng họ k biết điều đó???? Mẹ băn khoăn lắm vì mẹ không biết bao nhiêu bạn đã lây của con nữa???? 
Con lại quay trở lại khoa lây, phòng 222, vẫn giường cũ con nằm.
Bác Tuấn hỏi bác sỹ trực khoa lây là ai và bác yêu cầu tiêm ngay cho con thuốc kháng sinh mạnh nhất (Youngpennen). Loại này con đã từng tiêm hồi 1 tháng tuổi 10 ngày, mỗi ngày 4 mũi và mỗi mũi tiêm trong vòng 1h. Hồi đó con phải tiêm vì con ra viện 1 ngày con lại nhập viện lại cũng vì sự tác trách của các bác sỹ, tiêm non cho con có 5,5 ngày đã cho con ra viện.
Cái việc mà bác Tuấn nhận làm người nhà, can thiệp vào phác đồ điều trị là rất hiếm (vì họ không muốn vượt mặt các bác sỹ khác).
Phòng tầm 15m2 có 4 giường bệnh thì có 12 bệnh nhân + 12 người nhà chăm là 24 con người.
Mẹ vào ôm con và nước mắt cứ rơi lã chã, một mẹ bảo mẹ: không được khóc, điềm xấu đấy!!! Đêm hôm đó mẹ không thể ở lại chăm con được, mẹ quá mệt và cần nghỉ ngơi. Đêm hôm đó bác và thím chăm con. Vì chỉ được 1 người ở lại nên mỗi lần bảo vệ đi kiểm tra là  bác con (một đại gia) đã sẵn sàng nằm im dưới gầm giường, nín thở. Bác sẵn sàng hút mũi cho con bằng mồm, mặc dù bác cũng có con nhỏ. Bác và thím cho con ăn được 170ml đã thấy mừng mừng. Tất cả đều hết lòng vì con....
Theo Facebook của tác giả Lan Hương Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét