Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Luật pháp hóa để chống chuyển giá
Cập nhật lúc 14:24                 
Trong một thế giới toàn cầu hóa, quốc tế hóa, chuyển giá là chuyện vẫn diễn ra với mọi nền kinh tế. Vì thế, chống chuyển giá ngày càng trở thành vấn đề  quan trọng trong chính sách thuế của các quốc gia. Cuộc trò chuyện với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính xoay quanh câu chuyện chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI vốn đang là thực trạng nhức nhối ở Việt Nam thời gian qua.
 
Đã có công cụ chống chuyển giá song vẫn không dễ thực hiện
Doanh nghiệp FDI đóng góp lớn đối với Việt Nam

 
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PV: Kể từ năm 1988, khi dự án FDI đầu tiên được cấp phép vào Việt Nam đến nay đã 26 năm. Nhìn lại chặng đường hơn ¼ thế kỷ này, ông đánh giá thế nào về những đóng góp của doanh nghiệp (DN) FDI đối với Việt Nam?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Các DN FDI đã có những đóng góp lớn đối với Việt Nam. Thứ nhất, họ thực sự tạo ra được năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ 2, giải quyết được số lượng công ăn việc làm tương đối lớn, từ đó tạo ra thu nhập cho người dân. Thứ 3, họ cũng có đóng góp cho ngân sách nhà nước một khoản tương đối lớn trong bối cảnh nhà nước Việt Nam còn nghèo, nguồn thu ít. Thứ 4, cơ cấu kinh tế Việt Nam chuyển hoá sang công nghiệp nhiều như hiện nay, phải nói có phần đóng góp rất lớn của các DN FDI. Thứ 5, họ góp phần thúc đẩy hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có hàng công nghiệp với số lượng tương đối lớn. Đồng thời mở cửa thị trường thế giới cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vươn ra nước ngoài. Thứ 6, nói về công nghệ kỹ thuật cũng có những DN FDI có đóng góp lớn về kỹ thuật bằng cách đưa vào Việt Nam những công nghệ tương đối hiện đại với vốn đầu tư cực lớn.

Tuy nhiên, những điểm sáng đó chỉ là một phần trong bức tranh dòng vốn ngoại đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, trong tổng thể chúng ta chưa hài lòng. Những kết quả đó không tương xứng với kỳ vọng cũng như lượng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua.

Gần như 100% doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp đưa ra kết quả thanh kiểm tra cho thấy hàng loạt DN FDI liên tục báo lỗ, không nộp thuế hoặc nộp chẳng đáng bao nhiêu dù đạt doanh thu cao. Mới đây nhất, Thanh tra Tổng cục Thuế phát hiện hàng trăm DN FDI trốn thuế trong năm 2013 với số tiền bị truy thu, truy hoàn lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Hình ảnh các DN FDI đang có chiều hướng xấu đi, thưa ông?

- Thẳng thắn mà nói, gần như 100% DN FDI ở Việt Nam thực hiện chuyển giá và trốn thuế. Tôi khẳng định nếu đi vào kiểm tra bất kỳ DN nào cũng có, chỉ là cách kiểm tra thế nào thôi. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà các nước hiện đại như Nhật, Mỹ, Pháp… cũng có chuyển giá. Có điều ở các nước phát triển mức độ chuyển giá ít vì mọi thứ tương đối minh bạch. Còn ở Việt Nam thì như chúng ta đã thấy, cứ kiểm tra là thấy vi phạm.

Để thu hút FDI hầu hết các quốc gia trên thế giới đều trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư và có những ưu đãi về mặt cơ sở hạ tầng, các khoản thu chi, đất đai nhà xưởng, miễn giảm thuế, đặc biệt là các miễn giảm lâu dài… Nhưng trong một trào lưu chung là thu hút FDI, Việt Nam có quá ít kinh nghiệm trong việc quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

1001 cách chuyển giá

Cụ thể, có những hình thức chuyển giá nào, thưa ông?

- Có 1001 cách chuyển giá. Có thể chia làm hai hình thức chính là chuyển giá lãi và chuyển giá lỗ. Trong đó, chuyển giá lỗ là hình thức phổ biến và là thực trạng nhức nhối ở Việt Nam thời gian qua. Có 5 hình thức chuyển giá lỗ. Thứ nhất, là chuyển giá thông qua việc nâng cao giá trị tài sản góp vốn. Thứ hai, là chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam và các công ty nước ngoài thu phí bản quyền. Thường việc định giá rất khó khăn và mang tính đặc thù, nhưng là loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn do khấu hao tài sản cố định vô hình. Thứ ba, là chuyển giá thông qua việc chuyển giao nguyên, vật liệu hàng hóa do xuất phát từ sự chênh lệch thuế suất, thuế thu nhập DN giữa Việt Nam và các quốc gia khác, nơi các bên liên kết có công ty con nhằm định giá nguyên vật liệu đầu vào cũng như giá bán sản phẩm cao hơn giá thị trường. Thứ tư, là chuyển giá thông qua việc cung cấp dịch vụ với giá rất cao để chuyển lợi nhuận từ công ty Việt Nam ra nước ngoài. Thứ năm, là chuyển giá thông qua trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất cao để chuyển lợi nhuận từ DN Việt Nam sang DN liên kết có thuế thu nhập DN thấp hơn ở nước ngoài.

 
Công nghệ cao là một trong những lĩnh vực
dễ phát sinh chuyển giá, trốn thuế

Quản lý ngay từ khâu đầu tiên

Ông đánh giá thế nào về các biện pháp chống chuyển giá ở DN FDI mà Việt Nam đang thực hiện?

- Hành vi chuyển giá của các DN liên kết ngày càng tinh vi, hiện đại và được che đậy kỹ càng, khó xác định. Hình thức chuyển giá cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Có những cái kiểm tra đơn giản là có thể phát hiện ra. Nhưng có cái cần kiểm tra tỉ mỉ từng hợp đồng trong từng thương vụ mới phát hiện ra được. Dù Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có những văn bản hướng dẫn về chuyển giá thế nào, cách thức ra sao, nhưng ở đó chỉ nói đến tổng thể. Còn để kiểm tra giám sát được việc chuyển giá đó phải giám sát chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng: từ khi họ khai tài sản đầu tư vào cho đến các thương vụ mua bán, khi mua nguyên vật liệu, thuê nhân công,… Không thể đợi đến cuối năm mới đi kiểm tra như cách chúng ta vẫn làm, thực chất là đã để sót quá nhiều.

Phải xây dựng ngân hàng dữ liệu

Như vậy, cần thêm những biện pháp gì để chống chuyển giá, thưa ông?

- Thứ nhất, phải làm rõ ràng tất cả các yêu cầu về quản lý đối với một DN. Đó là từ khâu đầu vào, phải có hội đồng thẩm định giá rất chặt chẽ khi đưa tài sản vật tư nguyên liệu từ nước ngoài vào Việt Nam. Phải xây dựng ngân hàng dữ liệu của các mặt hàng khác nhau kể cả về vật tư tài sản nguyên vật liệu cũng như các đầu ra, đầu vào cho các loại hàng hoá. Khi đã có được định mức và đầu vào chuẩn rồi dựa vào đó để kiểm tra. Sẽ ra cái sai thôi. Ngân hàng dữ liệu của Việt Nam đang rất kém.

Thứ hai, phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong đó, theo kinh nghiệm của nhiều nước, cơ quan thuế phải là nơi quản lý giá, là cơ quan đóng dấu quyết định cuối cùng đồng ý với giá sản phẩm hay không. Cơ quan thuế phải đủ lực và có quyền mới làm được điều này.

Thứ ba, chế tài về mặt xử lý cũng rất quan trọng. Như Trung Quốc khi phát hiện DN trốn thuế thì phải chịu phạt từ 10-30 lần, khiến DN muốn trốn thuế cũng phải suy nghĩ.

Về mặt con người, mỗi cán bộ thuế phải thường xuyên có trách nhiệm, có suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm hàng ngày từ đó mới có thể phát hiện xử lý được các tình huống chuyển giá ở các DN một cách chuẩn xác nhất. Nếu làm cho xong việc thì rất khó ngăn chặn chuyển giá. Cũng cần có cơ chế thưởng xứng đáng với những người đã phát hiện ra, có công tìm tòi, xử lý các khâu chuyển giá từ đó động viên cán bộ.

Phải luật pháp hoá chống chuyển giá

Ông có thể cho biết, Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm chống chuyển giá của các nước khác?

- Trước hết, về luật pháp họ phải luật pháp hoá chống chuyển giá ở khung chế tài cao nhất. Mỹ luật hoá ngay trong các Luật của nhà nước, trong luật thuế cũng có những điều khoản về chống chuyển giá rất rõ ràng, minh bạch. Cơ quan thuế phải là người đồng ý giá chuyển nhượng. Đó phải là giá tham chiếu được trên thị trường và được cơ quan thuế đồng ý.

Thứ 2, họ có cả một hệ thống dữ liệu cho rất nhiều ngành nghề khác nhau. Từ đó có được cơ sở cho các cán bộ thuế và cơ quan thuế quản lý, xử lý các số liệu tuỳ chỉnh và cũng răn đe luôn DN phải khai đúng, khai đủ. Chuyên gia Canada, Pháp hay Nhật đều dựa trên các kinh nghiệm đó. Họ làm tương đối chặt chẽ đối với một số ngành ở một số lĩnh vực, để từ đó tạo ra được bộ tiêu chuẩn để có thể giám sát được hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề và những ngành nghề khác nhau từ đó chống chuyển giá.

Thuốc đặc trị chống chuyển giá

Hiện nay ở Việt Nam đang thực hiện thí điểm thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với Samsung và một số DN FDI khác. Theo ông, đây có thể coi là liều thuốc đặc trị chống chuyển giá trong thời điểm này?

- Đây là cách các nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật họ đã và đang làm đạt kết quả rất cao. Bởi bản chất APA là đơn vị đó đã thống nhất với cơ quan thuế cái giá họ đăng ký trước. Muốn như thế họ phải dựa trên bộ tiêu chuẩn về đầu vào, đầu ra cũng như định mức tiêu chuẩn và các yếu tố khác liên quan đến việc sản xuất kinh doanh để đưa ra. Nó có thể có chênh lệch nhưng không nhiều so với bộ tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng đưa ra. Như vậy, việc chống chuyển giá đơn giản hơn rất nhiều. Đây chính là liều thuốc để cơ quan quản lý và DN gặp gỡ nhau và cùng có một cái chung là bộ tiêu chuẩn và theo đó thực thi. Có thể chênh với định mức tiêu chuẩn nhưng lý giải được thì vẫn chấp nhận. Nếu chênh nhiều thì sẽ kiểm tra và chi phí tốn kém đó DN phải chịu chứ không phải cơ quan thuế.

Hy vọng từ một số DN được thí điểm áp dụng sẽ có được định mức chung cho một số lĩnh vực ngành nghề và tăng thêm kinh nghiệm về mặt quản lý. Từ đó mở rộng ra với nhiều DN khác, giảm thiểu được tình trạng chống chuyển giá.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trong bài toán cạnh tranh, các nước đều chú ý bảo hộ cho những ngành nghề, DN sản xuất trong nước. Ở Việt Nam thời gian qua các nhà quản lý chỉ nặng về mở cửa, ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài mà quên mất bảo hộ cho nền kinh tế trong nước. Làm thế nào để bảo vệ nền sản xuất trong nước an toàn, không bị đổ bể, không bị ảnh hưởng nhiều khi mở cửa đón FDI vẫn là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam chưa thấm nhuần.
(Theo ĐĐK) Lam Nhi thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét