Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Có dám từ chức hay không mới đáng nói

Cập nhật lúc 08:13                  

(Dân trí) - Lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên được từ chức nếu thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; có thể được xin từ chức do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình hoặc cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình.

(Minh họa: Ngọc Diệp) 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là nội dung tại dự thảo nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.

“Được từ chức”, một quy định bằng văn bản mang tính pháp lý, nếu được ban hành chính thức, liệu nó có tác động tích cực vào thực tiễn  hay không thì hãy chờ. Tuy nhiên, cũng xin bàn thêm ở khía cạnh tự giác của cá nhân.

Trước hết xin được đặt ra vấn đề, nếu không có quy định này, thì lãnh đạo có quyền từ chức hay không? Bản thân tự thấy mình không đủ năng lực, không đủ uy tín hay có sai phạm thì bất cứ ai cũng có quyền từ chức, cho dù có không có quy định “được từ chức”.

Chẳng lẽ, một người bất tài, làm không được việc xin từ chức nhưng cấp trên không cho từ chức vì không có quy định? Chỉ sợ rằng, bất tài mà còn tỏ ra nguy hiểm, cứ ngồi đó cản đường người khác.

Đưa quy định “được từ chức” vào trong nghị định để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tổ chức cán bộ chặt chẽ và mang tính pháp lý cũng rất tốt. Nhưng bản chất của việc từ chức là ở chỗ khác, đó là nhận thức, bản lĩnh, lòng tự trọng của cá nhân.

Từ trước đến nay, chưa thấy mấy ai từ chức không phải vì không có quy định “được từ chức”, mà vì không có con người dám từ chức.  Sai phạm khắp nơi, tham nhũng, hối lộ, làm ăn thua lỗ, ngoại trừ những trường hợp bị khởi tố, còn lại vẫn bình chân như vại, thậm chí được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Đơn cử như Dương Chí Dũng, làm ăn bê bết từ khi còn lãnh đạo các doanh nghiệp, trong đó có Vinalines, mà vẫn được đề bạt làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Nếu không bị truy tố ra tòa vì hành vi tham ô, thì còn lâu Dương Chí Dũng mới từ chức, thậm chí có thể lên chức cao hơn.

Nhiều người như Dương Chí Dũng, nhưng chưa bị lộ mà thôi.

“Được từ chức nếu thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao” quả thật là một quy định rất “lý tưởng”. Nếu như lãnh đạo ở các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp nhà nước tự nhận thức được mình không còn đủ uy tín và xin từ chức thì đất nước này đã khác lâu rồi.

Sẽ không ai tự cho mình không đủ uy tín, mà đa số cho rằng họ vẫn còn uy tín. Giả sử có người tỉnh táo nhận ra mình bị mất uy tín, nhưng cũng sẽ có trăm ngàn lý do để ngụy biện và bám lấy cái ghế. Từ chức vì thấy mình mất uy tín không dễ, điều này chỉ thấy trên báo chí nước ngoài đưa tin về quan chức của họ.

Nói như vậy không phải mất niềm tin vào sự tự trọng trong đội ngũ cán bộ công chức lãnh đạo, nhưng đối diện với thực tế hơn là mơ hồ hoang tưởng.

Tuy nhiên, cũng hy vọng rồi đây sẽ có nhiều trường hợp xin từ chức vì thấy mình không có uy tín.

(Theo Dân trí) Lê Chân Nhân

Chưa thấy ai muốn nhận chữ "được từ chức", kể cả người cao nhất Chính phủ.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét