Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Nhà thầu Trung Quốc đội vốn hàng trăm triệu USD: Chưa rõ người chịu trách nhiệm
Cập nhật lúc 15:01                
(Doanh nghiệp) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến giao Bộ GTVT thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm vụ đội vốn 339 triệu USD.
Cụ thể, văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch - đầu tư cùng các cơ quan liên quan làm việc với phía Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm của dự án.
Dự án khởi công vào tháng 10/2011, có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD.
Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Dự kiến tuyến đường sẽ khai thác vào tháng 6/2015.
Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ, đội vốn đầu tư.
Bộ GTVT đã kiến nghị cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó.
 Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Trong đó, các khoản phát sinh lớn nhất tại dự án là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD), chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD), chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 25 triệu USD)...
Thực tế, những hạn chế từ việc sử dụng nguồn vốn ODA từ Trung Quốc như việc Trung Quốc bỏ thầu ở mức 20-30% so với các nhà thầu khác, sau khi thắng họ chỉ thi công những phần "dễ ăn" để được giải ngân vốn, còn lại phần khó thì xin gia hạn, khiến tiến độ dự án chậm, thậm chí áp các điều kiện thầu rồi công ty đội vốn....  đã tồn tại từ nhiều năm nay.
Cụ thể, năm 2010 dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đáng ra phải hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2008 nhưng phải gia hạn đến năm 2011 và đi đôi với gia hạn, vốn đầu tư của Dự án đã tăng từ 200 triệu USD lên 320 triệu USD.
Ông Nguyễn Tiến Lập - chuyên gia nghiên cứu về ODA từng cho biết, bản chất sâu xa của các mối quan hệ ODA không đơn giản là sự hỗ trợ một chiều mang tính "thiện chí".
Ngoài các lợi ích chính trị và kinh tế hai chiều được tính đến, các nhà tài trợ ngày càng quan tâm đến thúc đẩy qúa trình dân chủ hóa, tức vấn đề cải cách nhà nước và thể chế, ở các nước nhận viện trợ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng chỉ ra, một số công ty nước ngoài thường "lobby" (vận động hành lang) cho chính phủ của họ để bán hàng cho các dự án ODA nào đó. Khi dự án ODA đó được triển khai họ lấy lại tiền rất nhanh để cho các công ty của họ thực hiện dự án ODA, còn Việt Nam thì gánh nợ ODA rất lớn.
Theo đó, một chuyên gia khác từng khuyến cáo, Chính phủ nên thành lập một tổ chức chuyên trách theo dõi về nợ công và quản lý ODA. Một số dự án ODA quy mô lớn, tính chất công nghệ phức tạp hay quá mới, chúng ta nên thuê tư vấn nước ngoài quản lý dự án (không phải là tư vấn nước tài trợ ODA). Kiên quyết không nhận những dự án ODA mà Việt Nam không kiểm soát được chi phí hoặc bất lợi trong việc trả nợ về sau.
(Theo Đất Việt) Hà Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét