Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

20:22


Lãng phí - Ai chịu trách nhiệm?
Cùng với vấn nạn tham nhũng, lãng phí đang nổi lên như một vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Lãng phí trong xây dựng cơ bản, trong quy hoạch, trong đầu tư công, trong sử dụng nhân lực... gây thiệt hại nghiêm trọng tiền bạc của nước, của dân. Trong khi trẻ em thiếu trường học, người bệnh thiếu giường điều trị..., thì vẫn mọc lên những công trình "hoành tráng” tiền tấn, có những công trình làm xong bỏ đó, không phát huy hiệu quả. Vấn đề đặt ra là: Làm gì để ngăn chặn nạn lãng phí? và ai phải chịu trách nhiệm? Đó là những câu hỏi nghiêm khắc, cần sớm có câu trả lời.

Sự lãng phí đã ở mức trầm trọng, khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thốt lên: "Bao nhiêu công trình lãng phí lộ ra đấy mà chẳng thấy ai bị xử lý, nhìn thấy đấy mà không có ai chịu trách nhiệm”. Vấn đề được dư luận đặt ra là: vì sao dẫn đến tình trạng lãng phí? và ai chịu trách nhiệm? Nếu như việc phòng, chống tham nhũng từng được đề cập rất nhiều thì tới nay nạn lãng phí đã được "vạch mặt chỉ tên” một cách nghiêm khắc, không chỉ trong Nghị trường mà là của toàn xã hội.

 
Biếm của Choai

Quy hoạch chắp vá, lãng phí ở mức khó đo đếm

Trong các phiên họp gần đây, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thẳng thắn yêu cầu, một khi quy hoạch đã được phê duyệt thì phải tuân thủ, tránh tình trạng điều chỉnh, xin tăng vốn hoặc xé nhỏ thành "nhiều gói” cũng là để tăng thêm tiền, gây lãng phí công quỹ, tạo kẽ hở cho tham nhũng.

Khi thảo luận tổ về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), ĐB Phạm Huy Hùng cho rằng cần phải làm rõ những vấn đề liên quan tới quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị. Theo ông Hùng, các nước trên thế giới thực hiện điều này rất nghiêm, có những quy hoạch cả trăm năm vẫn giữ được, "còn chúng ta sau khi có quy hoạch thì đã lại tiếp tục điều chỉnh, xé nhỏ".

Cùng chung quan điểm, ĐB Bùi Thị An cho rằng, chúng ta đang làm quy hoạch theo kiểu giai đoạn ngắn, "quy hoạch xong rồi cứ chắp vá chỉ gây lãng phí cho đất nước”. Theo bà An cần có quy định về "tuổi thọ công trình”, nếu không thì nhà nước sẽ "suốt ngày phải đi bù lỗ”.

Còn ĐB Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng khi "có vấn đề” thì phải quy trách nhiệm của các cơ quan tư vấn, lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Về việc lãng phí trong quy hoạch, xây dựng, trên các trang mạng đã có nhiều ý kiến bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang rất manh mún trong quy hoạch, dẫn đến chắp vá, thiếu bền vững và hậu quả là lãng phí. Nhiều khi, quy hoạch lại "phớt lờ” người dân,  không thông báo cho dân biết, việc giải tỏa, đền bù, di dân tái định cư cũng "mơ hồ” khiến người dân bức xúc. Nhiều ý kiến phê phán, quy hoạch xây dựng nước ta, đặc biệt là quy hoạch đô thị như may một chiếc áo bằng các mảnh vải mới nhiều màu ghép lại, không ra sao; đồng thời đề nghị phải quy trách nhiệm cụ thể đến từng cơ quan chức năng, từng cá nhân và có chế tài nghiêm khắc, kỉ luật nghiêm, cần thiết phải đưa ra tòa trong việc lập và thực thi quy hoạch xây dựng; để tránh sự lãng phí, tham nhũng, làm hại tới sự phát triển chung. Người dân bức xúc cho rằng, kể cả những người đã "hạ cánh an toàn” hoặc là đã được "đá lên”, chuyển sang vị trí công tác khác- nếu liên quan thì cũng phải "triệu tập” trở lại để làm rõ trắng đen.

Con nhớ cách đây chưa lâu, câu chuyện xây nhà vệ sinh ở tỉnh Quảng Ngãi đến vài trăm triệu đồng/chiếc, đối lập với trường học thì xập xệ. Hoặc là ở Cà Mau có cảng Năm Căn, được nâng cấp từ cảng sông thành cảng biển với tổng vốn đầu tư hơn 111,6 tỷ đồng. Nhưng sau 10 năm, cảng trở nên hoang phế khi không một con tàu cập bến. Điều đó khiến người dân bức xúc. Cũng khó có thể "cho qua” khi đội bóng Arsenal đến Hà Nội, lại phải huy động hơn 2.000 nhân viên bảo vệ để đảm bảo an ninh. Quả là một con số khổng lồ! Lại còn việc một dự án xây dựng Bảo tàng Khoa học Đồng Nai (tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ), với vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD (tương đương 1.400 tỷ đồng), cũng là với "khát vọng” là bảo tàng chuyên ngành to nhất Đông Nam Á! To lớn, hoành tráng, thu lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy một số tiền "khủng” như vậy được "tung” ra, thì biết bao công trình thiết thực khác phải dừng lại vì thiếu vốn!

 
Những dự án dở dang gây lãng phí cực lớn

Lãng phí con người, cũng lại... khó đo đếm

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đưa ra nhận xét: Trong bộ máy có tới 30% số công chức làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.

Như vậy, ngân sách phải chi ra một số tiền quá lớn cho những người... vô tích sự. Thế nhưng, 5 năm qua, việc tinh giản biên chế lại làm cho bộ máy phình ra 20%. Đó lại là sự lãng phí nhân lực rất không cần thiết. Về vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: "Việc thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ công chức, viên chức không đạt được kết quả. Số nghỉ chế độ chính sách sau 5 năm thực hiện là 28.130 người, trong khi tuyển mới 69.841 người. Cán bộ công chức không những không giảm, mà còn tăng 20%, sau 5 năm tinh giản biên chế theo NQ132. Trong khi đó, hạn chế trong việc tuyển dụng cán bộ công chức là quá chú ý đến bằng cấp và nội dung thi tuyển không phù hợp. Vậy trách nhiệm Bộ trưởng ra sao?”. Tương tự, ĐB Huỳnh Nghĩa thẳng thắn đặt vấn đề: Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?

Dư luận cho rằng, với con số 30% công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về”,  sẽ tương ứng với 700.000 công chức làm việc không hiệu quả. Như vậy, tính trung bình, mỗi năm cả nước tốn 17.000 tỉ đồng vô ích cho việc chi lương cho số công chức "dôi dư” này. Nếu 17.000 tỉ đồng ấy đưa vào đầu tư thì sẽ được một công trình không thể không hoành tráng. Đồng thời, số 700.000 người kia khi làm việc khác sẽ tạo ra những giá trị mới cho xã hội, có nghĩa là người ta đã không lãng phí. Như vậy, trong vấn đề thừa nhân lực, là sự lãng phí kép, do đó rất khó tính toán "tổng số lỗ” của xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn là rất đáng lưu ý: "Cứ bảo xác định vị trí việc làm là khó, nhưng một thủ trưởng không biết cơ quan mình cần bao nhiêu người thì làm thủ trưởng làm gì”. Và ông không quên "cảnh báo” rằng, nếu không biết tinh giản ai thì có khi người ta giảm anh trước.

Như vậy, trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng vẫn là thủ trưởng đơn vị. Tính toán sao cho đủ, cho phù hợp về bộ máy để hoàn thành công việc, chứ không phải là tính sao để tạo cho bằng được một cái "vịnh tránh bão” trong cơ quan mình cho nhiều người cánh hẩu (hoặc đút lót, chạy chọt) để có một chỗ ngồi chơi xơi nước, lĩnh lương. Không khó khi xác định "thủ phạm” của việc tạo ra lực lượng "sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng quy trách nhiệm hình như lại rất khó, vì chưa thấy thủ trưởng nào bị kỉ luật vì... nhận thừa người. Chính điều đó đã gây bức xúc từ trong từng đơn vị cho tới toàn xã hội.

Đầu tư công, lãng phí chồng lãng phí

Khi nói về việc này, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, chủ trương đầu tư quá dễ, một người mới lên Chủ tịch tỉnh muốn để lại dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình nên phải làm cái đại lộ xuyên qua thành phố hoành tráng, đập không biết bao nhiêu nhà cửa, mấy nghìn tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng làm đường chỉ có mấy trăm tỷ. Hay như việc làm tượng đài cả nghìn tỷ giữa đồng không mông quạnh, lãng phí vô cùng. "Chuyện nghe như cổ tích nhưng đang có thật, suốt ngày tôi phải chịu áp lực vì chuyện này”, Bộ trưởng Vinh nói rất tâm trạng, đồng thời ông cũng lên tiếng cảnh báo, nếu không được khắc phục sẽ đẩy đất nước đến bờ vực thẳm.

Gần đây, đầu tư công được dư luận hết sức quan tâm, vì đây là lĩnh vực gây lãng phí rất lớn, cũng là "môi trường tốt” cho các hành vi tham nhũng, trục lợi, lợi ích nhóm. Người ta trông chờ vào Luật Đầu tư công sẽ được QH thông qua trong kỳ họp tới vào tháng 6-2014. Bản thân Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, TS Nguyễn Đức Kiên cũng hy vọng Luật Đầu tư công là bước đột phá về thể chế trong quản lý đầu tư công, góp phần quan trọng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, Luật này cũng chỉ góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Vì để chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì phải thực hiện đồng bộ với các luật khác. Nhưng ông cũng tin rằng, Luật sẽ hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, qua đó góp phần quan trọng trong việc chống lãng phí sử dụng nguồn lực công để đầu tư. Như vậy, cũng sẽ không còn tình trạng ngân sách Trung ương phải "chạy theo” để bố trí vốn cho các công trình, dự án mà địa phương "lỡ” đầu tư.

Thực tế đang diễn ra, quá nhiều dự án đầu tư công với số tiền rất lớn của ngân sách nhưng lại kém hiệu quả, rất lãng phí. Có dự án dở dang, có dự án làm xong "để đấy”, có dự án thất thoát tiền tấn..., trong khi còn rất nhiều công trình dân sinh cấp thiết lại không "đào đâu” ra tiền để xây dựng. Ai cũng hiểu rằng, về nguyên tắc đầu tư công phải đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm, công khai minh bạch. Nhưng ở đây vẫn cứ tham nhũng, lãng phí. Câu hỏi lại phải đặt ra là: Ai chịu trách nhiệm? Nói như TS Trần Du Lịch thì tại sao chúng ta cứ đầu tư lôm côm, lãng phí? là bởi vì lâu nay các cơ quan dân cử không thể kiểm soát được đầu tư. Không kiểm soát, giám sát thì lãng phí, tham nhũng là... đương nhiên mất rồi. Nói như Bộ trưởng KH-ĐT thì đầu tư công hiện rất tùy tiện, ăn đong và vung tay quá trán. Tương tự và còn hơn cả TS Nguyễn Đức Kiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hy vọng khi có Luật thì đó sẽ là chế tài nên không ai dám làm liều như trước.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý Bộ trưởng rằng, chúng ta đã có nhiều luật trên các lĩnh vực, nhưng vẫn cứ diễn ra tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Luật Đầu tư công cũng không phải là "chiếc đũa thần”, mà nó còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, trong đó yếu tố phẩm chất công chức mang tính chất sống còn.

Nhìn chung, "điểm mặt” lại, dư luận cho rằng tình trạng lãng phí đã ở mức báo động. Lãng phí ở đây chính là lãng phí tiền bạc của đất nước, mà tiền bạc ấy có được là từ sự đóng góp của người dân, từ nguồn khoáng sản quốc gia. Phô trương, thích hình thức, chạy đua cho "bằng anh bằng chị” không ít nơi đã vẽ ra các dự án, thông qua các dự án "tiền tấn”, từ đó mọc lên những công trình không cần thiết. Lãng phí nguồn nhân lực trong căn bệnh hình thức cũng vẫn tồn tại, khi mà chỉ với sửa lại 700 mét đường mà người ta đã huy động tới 1000 thanh niên.

Đất nước còn nghèo, một đồng cũng quý. Người dân chắt chiu "thắt lưng buộc bụng” không phải để cho một số người được quyền lãng phí theo kiểu "vung tay áo xô đốt nhà táng giấy”. Sự lãng phí phải được ngăn chặn. Mà muốn ngăn chặn thì phải xác định rõ: ai là người tạo ra sự lãng phí đó? và xử lý "vị đó” thế nào? Nếu không xử lý nghiêm thì không thể chặn tay được những người coi của dân như "của chùa”.Thay vì lãng phí số tiền ấy, nhân lực ấy, hãy đầu tư vào an sinh xã hội. Những cư dân vùng bão lũ, đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu ăn thiếu mặc. Nhiều nơi trẻ phải học trong những phòng học trống hơ trống hoác và người bệnh đau đớn 2, 3 người nằm một giường, kể cả trường hợp nằm cả dưới gầm giường.

Mới thấy, lãng phí thật sự là tội ác, sự vô lương tâm, cần phải được vạch mặt chỉ tên và nghiêm trị.

(Theo ĐĐK) BẮC PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét