Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

06:11

Giống xăng dầu, người dân sắp được góp tiền cho quỹ bình ổn giá điện

(Doanh nghiệp) - Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trong đó có đề cập tới việc thành lập quỹ bình ổn giá điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - xác nhận với quyết định 69/2013, Bộ Tài chính sẽ hoạch định cơ chế cho quỹ bình ổn giá điện. Tuy nhiên, việc soạn thảo chưa bắt đầu vì quan điểm của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cần để ngành điện xử lý xong các chi phí, khoản lỗ bị “treo”, hiện vẫn chưa tính vào giá điện. 

 

Đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá điện được đưa ra trong khi nhiều chuyên gia đã lên tiếng về sự bất hợp lý của quỹ bình ổn xăng dầu.
 Theo TS Lê Đăng Doanh, thực chất của quỹ bình ổn vận hành lâu nay là khoản tiền người sử dụng “ứng trước” cho doanh nghiệp (DN) và “nhờ” DN cân đối khi có biến động.
“Quỹ do dân góp nhưng dân không biết được sử dụng thế nào, không biết giám sát ra sao. Thực tế, nhiều thời điểm đã có hiện tượng DN lỗ ít mà xả quỹ cao. Như thế là không công khai, minh bạch” - TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng quỹ đã bị sử dụng chưa đúng mục đích. Trong khi chưa sử dụng đến phần tiền nhàn rỗi đã trích lập thì DN có thể sử dụng quỹ vào việc khác, sau này vẫn sẽ hoàn lại khi có yêu cầu xả quỹ để bình ổn giá xăng dầu.

Theo các chuyên gia, trong một số thời điểm, tiền lời của doanh nghiệp còn đến từ việc xả quỹ bình ổn giá. Cuối tháng 3/2013, Bộ Tài chính duy trì phương án cho doanh nghiệp đầu mối được sử dụng 2.000 đồng/lít xăng dầu từ quỹ bình ổn giá để bù đắp phần lỗ do giá thế giới tăng cao nhưng giá trong nước được giữ nguyên nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù giá thế giới đã giảm lại. Vì thế, doanh nghiệp có lời cả ngàn đồng mỗi lít xăng dầu nhờ quỹ bình ổn.

Có thời điểm trong tháng 8/2013, so giá cơ sở với giá bán lẻ của Petrolimex, doanh nghiệp đã có lời 140 đồng/lít xăng A92 nhưng Bộ Tài chính vẫn cho xả quỹ bình ổn giá thêm 300 đồng/lít. Cộng với 100 đồng/lít lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng, doanh nghiệp có lời 540 đồng/lít. 

Chuyên gia xăng dầu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, đây là điều hết sức vô lý vì tiền này của người tiêu dùng góp vào, chỉ được dùng để bù lỗ, chứ không để cho doanh nghiệp lời.

(Theo Đất Việt) Huyền Hồ
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét