Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

19:48

Bộ Tài chính lý giải cách điều hành giá xăng dầu

Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có quản lý của Nhà nước.
                                    
Cho rằng phản ánh của dư luận báo chí gần đây về kết quả kinh doanh của Petrolimex có ảnh hưởng tới công tác điều hành giá, hôm nay (225/11) ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có bài trả lời trên Cổng Thông tin của Bộ Tài chính khẳng định: Ở nước ta, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trực tiếp là sự biến động của giá xăng, dầu thành phẩm.
Theo đó, mức giá cơ sở được tính bình quân 30 ngày (phù hợp số ngày dự trữ lưu thông) có thể trùng, có thể cao hơn và cũng có thể thấp hơn giá vốn thực tế tại từng thời điểm của doanh nghiệp.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương không quyết định giá bán cụ thể của từng doanh nghiệp, mà chỉ tính toán và đưa ra mức tăng giá tối đa (đối với trường hợp tăng giá) và mức giảm tối thiểu (đối với trường hợp giảm giá). Việc quy định như vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì: sẽ khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý, tiết kiệm chi phí... để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở thì có thể sẽ có lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định (300 đồng/lít,kg). Ngược lại cũng sẽ tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp nếu nhập với giá cao, kinh doanh chưa hợp lý... có giá vốn cao hơn giá cơ sở thì lợi nhuận sẽ thấp hơn lợi nhuận định mức, thậm chí không có lợi nhuận, bị lỗ.
Trong các lần điều hành giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính đều có thông cáo báo chí trong đó đã công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở và nguyên tắc, sự cần thiết... của việc điều hành giá xăng dầu trong nước. Ngoài ra, việc công khai trong điều hành giá xăng dầu, các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát… thường xuyên được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, họp báo, thông cáo báo chí, các cuộc hội thảo đối thoại chính sách…; từng yếu tố cấu thành giá trong giá cơ sở, các biện pháp bình ổn giá (thuế, phí, Quỹ), việc niêm yết giá, các quyết định giá đều được thể hiện một cách minh bạch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua được thực hiện bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và góp phần cân đối ngân sách nhà nước. 
Thời gian tới Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục kiên trì thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có quản lý của Nhà nước: Kiên trì thực hiện nhất quán chủ trương điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và các văn bản của Chính phủ sửa đổi bổ sung (nếu có).
Việc điều hành giá có tăng có giảm tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới, tuy nhiên để bình ổn giá xăng dầu trong nước rất cần chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các biện pháp về giá, Quỹ Bình ổn giá, trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức của doanh nghiệp trong cơ cấu giá cơ sở nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bình ổn giá cả thị trường; đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Trước đó, như VOV đã đưa, theo báo cáo tài chính trong Quý III/2013, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lãi 637,5 tỷ đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Việc lãi, lỗ của doanh nghiệp sẽ là chuyện thường tình và dư luận không bức xúc nếu Petrolimex cùng các doanh nghiệp xăng dầu khác không viện lý do giá xăng dầu thế giới tăng để có 4 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có lần tăng tối đa tới 1.430 đồng/lít đưa tổng mức tăng 2.640 đồng/lít. 
Và dù cũng có nhiều lần giảm giá, song tổng mức giảm giá lại thấp hơn, đạt 2.160 đồng/lít. Hiện giá xăng RON 92 đang ở mức 23.630 đồng/lít, cao hơn cuối năm 2012 là 480 đồng/lít.
Chính vì vậy, lợi nhuận của Petrolimex đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi, bởi từ trước tới nay, tập đoàn này đã liên tục có điệp khúc kêu lỗ để tăng giá xăng dầu. Doanh nghiệp này luôn tận dụng tối đa quy định để lấy mức giá cao nhất của bình quân 30 ngày để báo cáo lên cơ quan quản lý để tránh phải giảm giá và tiếp tục thu lợi./.
                                                        Thu Thủy/VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét