Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012


14:15
 Hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi đại học, cao đẳng:
Bệnh thành tích hiện hình


Đến cuối ngày 30.7, hầu hết trường đại học, cao đẳng trên cả nước bắt đầu công bố điểm và xây dựng điểm chuẩn vào các ngành đào tạo. Thống kê điểm thực tế của thí sinh cho thấy tỉ lệ bài thi dưới điểm trung bình, thậm chí điểm 0 nhiều không đếm xuể.
Kết quả thi đại học lần này một lần nữa lại là minh chứng cho những băn khoăn, nghi vấn về một kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa nghiêm túc và còn chạy theo thành tích như hiện nay.
“Trứng ngỗng” nhiều không đếm xuể
Mặc dù từ trước khi thi, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã cho biết yêu cầu đối với đề thi là “Đề thi sẽ phù hợp với trình độ thí sinh. Tất cả thí sinh có học lực trung bình đều có thể làm được một phần đáng kể của đề thi, chứ không thể bỏ giấy trắng”. Tuy nhiên, với thống kê từ các trường, thì số lượng TS xơi “trứng ngỗng” không giảm so với các kỳ thi trước.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 271 bài điểm 0; Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM: 784 bài; Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng): 260 bài; Trường ĐH Tài chính Marketing: 375 bài; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 495 bài...
Theo thầy Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo ĐH KHXH&NV TPHCM - thì tổng số bài thi bị điểm 0 năm nay ở mức vài chục bài cho tất cả các khối thi đợt II vào trường. Tình hình có vẻ “bi đát” hơn, đối với Trường ĐH Sư phạm TPHCM khi tổng số bài bị điểm 0 lên đến 271 bài. Còn ở mức “báo động” hơn, khi số bài thi 0 điểm vào Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM năm nay là 784 bài.

Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng  trong tổng số 11.209 TS dự thi chỉ có duy nhất 1 điểm 10, nhưng có đến 260 điểm 0. Còn nếu tính chung  cả ĐH Đà Nẵng thì TS bị điểm 0 nhiều nhất ở môn toán, môn sử cũng có 45 bài 0 điểm.

Hàng loạt trường khác cũng xuất hiện nhiều bài thi 0 điểm như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, toàn trường chỉ có 2 bài thi đạt điểm 10, số bài bị 0 điểm lên đến 286. Trường ĐH Tài chính Marketing chỉ có 6 bài  được điểm 10, có đến 375 bài bị 0 điểm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có tới 495 điểm 0. Trường ĐH Tiền Giang trong số hơn 3.000 TS dự thi chỉ có khoảng 200 em được 13 điểm trở lên, cả trường có 88 bài thi 0 điểm. Trường ĐH Nội vụ Hà Nội có 147 TS điểm 0 môn sử; 30 TS bị điểm 0 môn toán...

Kết quả thi tốt nghiệp THPT là “ảo”
"Giống như ta đi chợ mua gạo, nếu người bán gạo nói cứ 100 hạt gạo thì có 1 hạt thóc, chắc chắn là ta vẫn mua. Thậm chí không cần sàng sảy lại, cứ thế nấu cơm, nhìn thấy thóc thì nhặt ra. Điều này cũng giống như thi tốt nghiệp THPT, 100 người thi chỉ để tìm ra một người trượt – thì chẳng nên thi làm gì nữa cho tốn kém".
PGS Văn Như Cương
Với số lượng rất ít TS bị xử lý kỷ luật trong 3 đợt thi năm nay, thì có thể thấy những em bị điểm 0 là do không làm bài hoặc không làm được bài, chứ không phải vì bị đình chỉ thi, hủy kết quả bài thi. Hai môn thi mà các hội đồng chấm thi “đếm” được nhiều điểm 0 nhất là môn toán và môn lịch sử. PGS-TS Hà Minh Hồng (Trưởng khoa Lịch sử - ĐH KHXH&NV TPHCM) nhìn nhận những bài thi lịch sử bị điểm 0 không phải do đề khó, TS không làm bài được mà thường rơi vào tình trạng TS “đi thi cho biết trường thi”, chứ không học hành gì cả. Bài điểm 0 môn sử mà vị giám khảo này thường gặp hoặc do để giấy trắng, hoặc do TS “dư thời gian” viết lại toàn bộ đề thi chứ không hề có một chữ nội dung kiến thức nào. Còn đối với một giáo viên tham gia chấm môn toán, thì với những câu dễ như khảo sát hàm số, giải phương trình, hình học phẳng... TS có học lực trung bình hoàn toàn có thể làm được một vài điểm.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, tỉ lệ tốt nghiệp cao không đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục tăng lên. Điểm thi vào ĐH như một phép thử, đã kiểm chứng lại chất lượng thi tốt nghiệp THPT xem đã chuẩn xác hay chưa. Chính từ việc đỗ ồ ạt, ai thi tốt nghiệp cũng đỗ như hiện nay mà đã có không ít ý kiến đặt vấn đề: Có nên tiếp tục  kỳ thi tốt nghiệp tốn kém mà không hiệu quả hay không?

Đứng ở góc nhìn tổng quan hơn, một vị lãnh đạo Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM nhận xét, kết quả thi của trường nói riêng và của các trường khác nói chung lại cho thấy trình độ chung của TS hiện nay “có vấn đề”. Bởi, ngoài một tỉ lệ không đáng kể những TS dự thi là TS tự do, thì đối tượng dự thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm hầu hết là HS phổ thông - những TS vừa trải đạt qua kỳ thi tốt nghiệp. Trong khi đó, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của năm 2012 được xác định lên đến xấp xỉ 98 – 99%.

Là một nhà giáo kỳ cựu, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) kết luận: “Kết quả thi ĐH như thế này chứng tỏ kỳ thi tốt nghiệp không phản ánh đúng thực chất. Nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ khoảng 50% thì chắc chắn là số bài thi điểm 0 không nhiều đến thế”. Theo thầy Lâm, hiện nay, tâm lý của số đông học sinh là không chịu học để có kiến thức cơ bản, mà trông chờ vào bạn bè và cả... thầy cô trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp. Thầy Lâm cho rằng phải thay đổi cách thức thi THPT thì học sinh mới chịu học đến nơi đến chốn. Còn cứ như bây giờ, học phổ thông không tốt, kéo theo lên đại học cũng không chịu học tử tế mà chỉ lo “chạy thầy”, “mua điểm”... hỏng cả một thế hệ.

Vì vậy, có thể thấy rằng, kết quả thi đại học lần này một lần nữa lại là minh chứng cho những băn khoăn, nghi vấn về một kỳ thi tốt nghiệp chưa nghiêm túc và còn chạy theo thành tích.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): Bộ muốn tỉ lệ tốt nghiệp THPT bao nhiêu cũng được!Chia sẻ về việc có hàng chục ngàn điểm trong kỳ thi đại học, cao đẳng, PGS Văn Như Cương không ngạc nhiên, ông nói: “Điều này hoàn toàn đúng, bởi thi ĐH, CĐ đánh giá thực chất học lực của thí sinh, nếu không học thì không có điểm. Nhưng có điều “khó hiểu” là một TS đi thi đại học, chọn khối thi có những môn mà mình có khả năng nhất, học ôn luyện ít nhất là vài tháng, mà lại vẫn bị điểm 0. Những TS đi thi đều đã đỗ tốt nghiệp, đề thi tuyển sinh ĐH chỉ là khó hơn so với đề thi tốt nghiệp nhưng không quá khó và cũng vẫn nằm trong chương trình lớp 12…, vậy mà lại có hàng nghìn em không kiếm nổi một điểm nào. Điều này chứng tỏ thi tốt nghiệp không nghiêm túc, từ khâu coi thi đến khâu chấm thi.

Theo PGS Văn Như Cương, đây chính là hậu quả của bệnh thành tích xuất phát từ trên xuống dưới, bệnh thành tích ở nhiều cấp, chứ không riêng nhà trường. Có thể thấy một điều là bộ “muốn” tốt nghiệp bao nhiêu là tốt nghiệp bấy nhiêu, có thể điều tiết được, từ 60 – 70% như 4 - 5 năm trước lên dần tới gần 100% như hiện nay. Còn thi ĐH, CĐ do các trường muốn có đầu vào chất lượng nên làm rất nghiêm túc, giám thị coi chặt vì đó không phải là học sinh mình. Bài mà không làm được, bị 0 điểm là đương nhiên.
H.NG ghi
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm: Quản lý mọi sự chính danh thì giáo dục mới không bất bình thường. Chuyện giả và thực trong thi cử đã “xưa như trái đất”, là căn bệnh truyền đời - bệnh thành tích ở trường THPT. Trường nào cũng muốn có điểm cao, nên có những trường cho học sinh quay cóp thoải mái, chuyện ấy nhiều người biết cả rồi. Sự chênh lệch lực học giữa hai kỳ thi cho thấy một đằng thì muốn thả nổi để có kết quả tốt, điểm cao như mơ; đằng kia phải siết lại để sàng lọc đầu vào. Các thầy cô bây giờ cho học trò điểm cao chót vót, điểm 8 là đã  bị chê kém rồi. Đa số là điểm 9, điểm 10. Ở đây, chuyện khôi hài là cùng một bộ mà có hai kỳ thi kết quả mâu thuẫn nhau. Nếu hai bộ thì sẽ khác. Nhiều người cho rằng ở VN, dường như những cái giả thì nhiều, mà một nền giáo dục thực chất chưa thể khẳng định là có. Vấn đề đặt ra là tùy  theo mục tiêu đặt ra của từng cấp học. THPT thì muốn đạt điểm cao, còn đại học thì phải sàng lọc đầu vào, nên cần đánh giá đúng. Tỉ lệ điểm đỗ thấp thì thầy cô lấy gì mà ăn? Nếu quản lý mọi sự đâu ra đấy, mọi sự - nói như Khổng Tử - là chính danh thì mọi việc sẽ trở lại bình thường; nếu không, nền giáo dục hiện nay khá bất bình thường. Đồng lương không chính danh, nên mọi việc đều đảo lộn…
    M.T ghi
(LĐO) T.Uyên – N.Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét