Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012


09:09

Cầu Mỹ Thuận đang bị cưa chân


Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền là cây cầu huyết mạch trên Quốc lộ 1A nối ĐBSCL với TPHCM. Gần đây, nhiều sà lan đã vào hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận khai thác cát, đe dọa “tính mạng” chiếc cầu dây văng này


Theo khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Vĩnh Long, dưới chân cầu Mỹ Thuận có mỏ cát dồi dào, ước đạt 14 triệu m3. Chính vì nguồn lợi này, nhiều chủ sà lan đã lén lút vào gần khu vực cầu khai thác cát.
Qua mặt cơ quan chức năng
Sáng 25-7, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận có 2 chiếc sà lan đang khai thác cát phía Tiền Giang gần khu vực cầu Mỹ Thuận, đến khoảng 11 giờ cùng ngày thì 2 sà lan này “biến mất” nhanh chóng. Ông Lâm Hoài Đức, một chủ tàu ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - Tiền Giang, cho biết: “Tôi chở khách du lịch tham quan cầu Mỹ Thuận vào buổi tối nên thường thấy mấy chiếc sà lan vào gần khu vực cầu này hút cát.
Mặc dù đã có quy định phải khai thác cát cách cầu 1,3 km nhưng họ vẫn tiến vào sâu hơn”. Còn ông Chín Tỷ (ngụ xã Hòa Hưng) nói: “Buổi chiều, sà lan thường đậu cặp mé bờ rồi chờ buổi tối ra gần cầu múc cát. Cát gần khu vực cầu Mỹ Thuận là cát sạch, không nhiễm bùn nhiều, bán có giá hơn nên các chủ phương tiện thường đưa sà lan vào khai thác”.

Một sà lan khai thác cát tại khu vực cầu Mỹ Thuận
Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hiện nay, UBND tỉnh Vĩnh Long không cấp giấy phép khai thác cát cho tổ chức, cá nhân nào trong khoảng cách từ cầu Mỹ Thuận về phía hạ lưu 2.750 m, mặc dù phạm vi khu vực cấm theo quy hoạch của cầu Mỹ Thuận là 1km”. Tuy nhiên, chiều 25-7, qua ghi nhận thực tế, chúng tôi phát hiện 2 chiếc sà lan vẫn vô tư khai thác cát trong khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Nhành (ấp An Hòa, xã An Bình, huyện Long Hồ  - Vĩnh Long) bức xúc: “Có lúc sà lan kéo tới khai thác cát ầm ầm, tôi đem đá ra ném nhưng họ vẫn khai thác. Múc cát như vậy không những ảnh hưởng đến nhà cửa của dân ở cồn mà tôi sợ nó còn gây mất an toàn cho cầu Mỹ Thuận”. Theo bà Nhành, vài năm trước, khu vực ấp An Hòa, xã An Bình có thể trồng xoài, nhãn… ở đầu cồn nhưng nay đã bị sạt lở nặng nề...
“Bắt cóc bỏ dĩa”
Theo một cán bộ của Công ty TNHH MTV Quản lý - Sửa chữa cầu đường 715 (đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì cầu Mỹ Thuận), hoạt động khai thác cát trong khu vực hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận đã diễn ra mấy năm nay: “Có đêm đi kiểm tra, từ trên cầu nhìn xuống thấy sà lan vào cách cầu 100 m để khai thác cát. Tuy bị nhắc nhở, lập biên bản xử phạt nhưng sau đó họ vẫn tái phạm” - cán bộ này nói.
Trước tình trạng khai thác vô tội vạ, ngày 18-5, Khu Quản lý Đường bộ VII (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã có văn bản đề nghị UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang hỗ trợ xử lý, chấm dứt việc khai thác cát sông trong hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận, gây mất an toàn cho công trình. Tiếp đó, ngày 4-6, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác cát sông trong khu vực hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận.
Ông Đào Văn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang, nói: “Chúng tôi công khai số điện thoại cho Ban Quản lý cầu Mỹ Thuận, khi nào bắt được phương tiện khai thác cát trong khu vực hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận thì gọi cho Trạm CSGT Đường thủy giữ phương tiện để sau đó tiến hành xử lý”. Được biết, đoạn sông Tiền phía tỉnh Tiền Giang (cách cầu Mỹ Thuận 1,2 km về phía hạ lưu), hiện có 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh này cấp phép khai thác cát sông là Công ty CP Hoàng Hải và Công ty TNHH Đức Lợi.
Hiện nay, việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực cầu Mỹ Thuận như “bắt cóc bỏ dĩa”. “Chúng tôi có kiểm tra việc khai thác cát nhưng mỗi lần như vậy đều thấy sà lan nằm cách cầu 2 km nên không có cơ sở để xử phạt. Chúng tôi cũng phối hợp với Phòng CSGT Đường thủy đi kiểm tra nhưng chỉ đi vào khoảng 4-5 giờ  hoặc 19-20 giờ nên không phát hiện được các đối tượng khai thác cát trái phép” - ông Hải nhìn nhận. Cũng theo ông Hải, một trong những nguyên nhân khiến “sa tặc” lộng hành là do việc phối hợp để quản lý và xử phạt giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang chưa chặt chẽ.
Sạt lở lớn
Đình Tân Hoa, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm bên bờ sông Tiền, cách cầu Mỹ Thuận 400 m về phía thượng lưu (thuộc xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long) đã được di dời sâu vào đất liền hơn 50 m do sạt lở bờ sông.
Còn tại bến phà Mỹ Thuận cũ (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - Tiền Giang), một số con đường dọc sông Tiền xuất hiện hàm ếch, rất nguy hiểm cho người đi đường.
PGS-TS Lương Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển, cho rằng khi khai thác cát quá mức sẽ tạo ra những hố sâu dưới lòng sông. Phải mất một thời gian dài những hố này mới được bồi đắp nhờ dòng chảy.
Trong thời gian ngắn, những hố sâu này sẽ lấy vật liệu ở bờ để bồi đắp, lâu ngày ở bờ sẽ xuất hiện hàm ếch. Những chỗ có khai thác cát sẽ sạt lở bờ rất nhanh. Việc khai thác cát không đúng quy định sẽ ảnh hưởng đến cầu Mỹ Thuận”.
CA LINH (NLĐO, tựa đề của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét