Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012


14:01

 Nút thắt bức xúc nhất: xung đột về lợi ích


Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai đã mở đầu chuyên đề giám sát tối cao của QH bằng việc nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ – hai cơ quan có vai trò quan trọng nhất trong việc quản lý đất đai và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Dẫu chưa thực sự hài lòng với báo cáo của hai cơ quan này, song, các thành viên Đoàn giám sát đã đạt được sự đồng thuận rất cao khi cho rằng, trong vô số những nút thắt chồng chéo khiến cho tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực đất đai ngày càng có dấu hiệu gia tăng và phức tạp thì nút thắt chặt nhất, bức xúc nhất chính là sự xung đột về lợi ích: người dân khiếu kiện vì có cảm giác quyền lợi của họ bị tước đoạt để trao cho các đối tượng khác chứ không phải là phục vụ cho lợi ích công. Bởi vậy, để giải quyết được các vụ việc khiếu kiện về đất đai, thì trước hết phải gỡ cho được nút thắt này.
Nóng, gay gắt, phức tạp...
Nóng, ngày càng gay gắt, phức tạp là đúc kết ngắn gọn nhưng khá đầy đủ để hình dung về hiện trạng khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực đất đai từ năm 2005 đến nay. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2005 đến 2007, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai tăng đột biến, gay gắt và phức tạp ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Và từ năm 2008 đến nay thì các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người về đất đai có chiều hướng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp và tiềm ẩn sự mất ổn định ở một số vùng, nhất là các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển nhanh... Cùng nhận định này, Thanh tra Chính phủ đưa ra một con số không mới nhưng là con số rất đáng để suy nghĩ: khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm từ 60 - 70% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo trong cả nước hiện nay. Cũng theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương đang diễn ra khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số vụ việc, trong số đó, đa phần là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, một số đoàn đông người có tổ chức chặt chẽ, không chỉ liên kết trong cùng một địa phương mà còn liên kết nhiều địa phương, có người đứng đầu, lợi dụng, lôi kéo, xúi giục cả các đối tượng chính sách, người già và trẻ em đi khiếu kiện hoặc có thái độ cực đoan, gây rối, kéo vào trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước để gây sức ép.
Dẫu chưa khảo sát thực tế tại các địa phương, song tại cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ, nhiều thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH cũng cho rằng, quản lý đất đai đang là một trong những lĩnh vực gây bức xúc nhất hiện nay. Đặc biệt là việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai là vấn đề rất nan giải và đã nóng đến mức có lẽ không cần phải đi thực tế, không cần phải thanh tra, kiểm tra tại các địa phương vẫn có thể biết được hiện trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai phức tạp như thế nào...
Gỡ từ nút thắt bức xúc nhất: xung đột về lợi ích
Vấn đề đặt ra là, tại sao các vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai không giảm, thậm chí tiếp tục có chiều hướng gia tăng và phức tạp trong khi những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn dành rất nhiều sự quan tâm đối với lĩnh vực này?
Từ báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ có thể thấy những nguyên nhân khá phổ biến là do chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian dài không đồng bộ, thiếu cụ thể và thiếu nhất quán. Bên cạnh đó là, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là việc tổ chức triển khai một số dự án, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa công khai, minh bạch và còn thiếu dân chủ. Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất làm sai chính sách, pháp luật, buông lỏng quản lý, bao che, cố tình vi phạm chính sách, pháp luật để trục lợi. Trong khi đó, nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa cao, một số cấp ủy còn coi nhẹ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc chấp hành kỷ cương hành chính trong công tác này có nơi chưa nghiêm, chỉ đạo của cấp trên cũng chưa được cấp dưới chấp hành nghiêm túc... Và về phía người dân, cũng còn một bộ phận người khiếu nại, tố cáo chưa hiểu rõ các quy định pháp luật nên khiếu nại, tố cáo không có căn cứ hoặc gửi đơn thư tràn lan, vượt cấp...
Dù nhìn từ góc độ nào: cơ chế, chính sách, pháp luật; công tác tổ chức thi hành pháp luật và cả người đi khiếu nại, tố cáo thì hiện trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai hiện nay cũng rối như canh hẹ.
Nhưng trong vô số những nút thắt dẫn đến tình trạng này, đâu là nút thắt chặt nhất, bức xúc nhất? Từ thực tiễn tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội Nông dân Việt Nam, ĐBQH, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thành viên Đoàn giám sát Nguyễn Quốc Cường cho rằng, trong số 60 - 70% khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai thì nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung vào công tác đền bù, thu hồi và giải phóng mặt bằng. Cụ thể hơn nữa là mức đền bù cho người dân được cho là chưa thỏa đáng. Người dân kiên trì khiếu nại, tố cáo là để bảo vệ lợi ích của mình. Cùng quan điểm này, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, thành viên Đoàn giám sát Lê Nam cũng cho rằng, người dân chưa được bảo đảm quyền lợi, có cảm giác hình như các cấp chính quyền mới chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để nhanh chóng hoàn thành giải phóng mặt bằng, có đất sạch giao cho nhà đầu tư, chứ chưa quan tâm thỏa đáng đến lợi ích chính đáng của người dân. Anh giải tỏa nhà tôi, thu hồi đất của tôi, nhưng mức đền bù không đủ để tôi có thể mua một căn nhà khác, không đủ để tôi làm một công việc khác thì làm sao tôi không khiếu nại được?
Điều đáng nói ở đây, theo ĐBQH Nguyễn Quốc Cường là, người dân kiên trì đấu tranh như vậy là vì họ có cảm giác quyền lợi của mình bị tước đoạt không phải để trao cho nhà nước, không phải để phục vụ cho lợi ích công mà là để trao cho các đối tượng khác. Ví dụ, có nơi, đất được lấy để giao cho các nhà đầu tư phát triển đô thị và chỉ trả cho người dân có 160 nghìn đồng/m2. Với mức đền bù này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng làm một phép tính đơn giản: cộng giá nguyên vật liệu, chi phí xây dựng, nhân công... thì giá nhà tại các khu đô thị sẽ rất rẻ, chỉ chưa đến chục triệu đồng. Nhưng thực tế hiện nay, người dân đang phải mua nhà với giá rất cao, từ vài chục triệu đồng/m2 đối với các khu chung cư và thậm chí hàng trăm triệu đồng/m2 đối với các khu đô thị hiện đại. Vấn đề đặt ra là, khoản chênh lệch giữa giá đền bù giải phóng mặt bằng với giá bán các khu chung cư, các khu đô thị không thuộc về người dân, cũng chẳng thuộc về nhà nước. Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng theo Phó chủ nhiệm Mai Xuân Hùng, nghịch lý ở chỗ, nguồn lợi từ đất đai - người dân được lợi rất ít và lợi ích của nhà nước lại càng ít, chủ yếu thuộc về khâu trung gian. Và khâu trung gian này, theo nhiều thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH, có thể là các nhà đầu tư, có thể là các nhóm lợi ích, có thể là một số cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng... Thực tế, theo ĐBQH Nguyễn Quốc Cường, người dân vẫn nghi ngờ, trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất có sự chi phối của lợi ích nhóm, nghi ngờ người có thẩm quyền trong việc ký các quyết định liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng dây dưa, câu kết với nhà đầu tư để trục lợi. Cái khó là, người dân không có bằng chứng xác thực. Và vì không có bằng chứng xác thực nhưng nhìn vào tình hình thực tế thì không thể không nghi ngờ nên lòng dân lại càng không yên.
Vâng, cái khó là, chúng ta không có bằng chứng, hay nói chính xác hơn là chúng ta chưa có bằng chứng về việc có hay không có lợi ích nhóm chi phối các quyết định về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng; chưa có bằng chứng về việc lợi ích của nhà nước và lợi ích của người dân có bị xâm hại để trao cho các đối tượng khác hay không. Nhưng nội dung quan trọng nhất của chuyên đề giám sát tối cao của QH lần này, theo các thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH, chính là phải gỡ cho được nút thắt về xung đột lợi ích này. Từ nút thắt về xung đột lợi ích mới có thể từng bước gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách, pháp luật, về thực thi pháp luật cũng như xử lý các trường hợp cán bộ ban hành quyết định hành chính về đất đai chưa đúng pháp luật hoặc sai pháp luật và cả người dân khiếu nại, tố cáo không đúng...
Cũng tại cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Chính phủ, nhiều thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH đã đề nghị Đoàn giám sát cần tổ chức một phiên họp để nghe báo cáo chuyên đề về một số vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai nổi bật. Có hay không có lợi ích nhóm chi phối, sẽ rõ ngay thôi - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.
Vậy thì, để chuyên đề giám sát tối cao của QH giải tỏa được những bức xúc hiện nay trong lĩnh vực đất đai, có lẽ, Đoàn giám sát của UBTVQH rất cần tổ chức một Phiên họp chuyên đề như vậy.
Và thậm chí, qua Phiên họp đó, nếu cần thiết, có thể cần xem xét cả việc thành lập một Ủy ban điều tra về vấn đề này! Sẽ rõ ngay thôi!
(Theo Đại biểu nhân dân) Bạch Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét