Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012


09:11

Quảng Trị:

Tòa phán quyết “lách luật”, dân khốn đốn


(Tamnhin.net) – Gần chục năm nay, bà Phạm Thị Hữu, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) khốn khổ vì bị người khác kiện đòi mảnh đất bà đã ở gần 30 năm. Và hai cấp tòa án tuyên buộc bà phải trả lại đất, dù không có căn cứ pháp lý. Sự việc Tòa “xử ép” bà Hữu đã gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.

Bỏ đi 30 năm, quay lại đòi đất         

Mảnh đất diện tích 1.228 m2 (có một căn nhà cấp 4 cũ) tại làng Hội Yên xã Hải Quế, huyện Hải Lăng vốn là của hộ ông Hoàng Ngọc Bách. Năm 1972, gia đình ông Bách “chạy giặc” vào Đà Nẵng. Năm 1973, con gái ông Bách là chị Bê về ở, bị tai nạn chết vào tháng 8/1975, mảnh đất từ đó bỏ hoang. Năm 1976, do chủ trương di dân của xã, bà Phạm Thị Hữu được địa phương phân cho mảnh đất nói trên. Bà Hữu đã ở từ đó đến năm 2003 thì con ông Bách là ông Hoàng Ngọc Thiện gửi đơn xin lại đất nhưng chính quyền không chấp nhận.                         

Năm 2009, các con ông Bách gồm Hoàng Thị Xê, Hoàng Viết, Hoàng Thị Đệ, Hoàng Ngọc Đức - đều trú tại TP.Hồ Chí Minh và Hoàng Ngọc Thiện - trú tại TP.Huế, kiện ra TAND huyện Hải Lăng đòi lại nhà, đất.

TAND huyện Hải Lăng và TAND tỉnh Quảng Trị tại các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng, bà Hữu tự ý đến ở trên mảnh đất đó, không phải thực hiện theo chủ trương di dân của chính quyền lúc bấy giờ và cũng chưa được sự đồng ý của gia đình ông Bách. Bà Hữu cũng không có giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc tạo lập đất và nhà ở nói trên là hợp pháp. Do đó, toà tuyên buộc bà Hữu phải trả lại cho các nguyên đơn căn nhà cấp 4 và 1.228m2 đất.

Vậy là bà Hữu “trắng tay” sau gần 30 năm ở trên mảnh đất hoang vô chủ đã được chính quyền đồng ý, và đất cũ của bà thì đã chia cho các hộ khác.

“Lý” của Tòa bất chấp thực tế                    

TAND tỉnh Quảng Trị trong phiên xử phúc thẩm ngày 12/11/2010 xác định quan hệ tranh chấp là kiện “đòi lại di sản”. Đành rằng đây là di sản, nhưng là nhà cửa, đất đai (chủ yếu là đất đai) nên phải căn cứ vào quy định của Luật Đất đai hiện hành để xét xử.                     

Xác định vụ kiện “đòi lại di sản”, mục đích của Tòa là “né” khoản 2, điều 10, Luật Đất đai năm 2003: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Phan Văn Dục, Phó Bí thư chi bộ thôn Hội Yên (bên trái) và ông Hoàng Ngọc Thiện, Chủ nhiệm HTX, đại diện xã viên HTX Hội Yên (bên phải) bức xúc trước phán quyết của tòa.

Mảnh đất nói trên, trong thời điểm bà Hữu đến ở là đất bỏ hoang vô chủ, được chính quyền xã, thôn phân cho bà Hữu trong khi thực hiện chính sách di dân. Bà Hữu cũng đã có nhà đất từ xưa, nhưng sau năm 1975 khi từ ấp chiến lược trở về chính quyền lấy đất của bà cấp cho hộ ông Võ Văn Phúc, Cao Đình Ánh, Hoàng Ngọc Nghị và gia đình bà được chính quyền địa phương phân cho về ở tại mảnh đất của ông Bách (đã bỏ hoang) nói trên.

Không chỉ bà Hữu mà nhiều hộ khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, áp dụng khoản 2, điều 10 Luật Đất đai để bác việc đòi đất của các con ông Bách là đúng quy định.                                          

Thế nhưng, TAND tỉnh Quảng Trị chỉ dựa vào ý kiến của ông Chủ tịch UBND xã Hải Quế rằng hiện tại UBND xã không lưu trữ văn bản nào phản ánh chủ trương di dân vào thời điểm nói trên để phủ nhận việc di dời dân vào năm 1976.

Quan điểm nói trên của TAND tỉnh Quảng Trị là máy móc, bất chấp sự thật bởi vì thời gian đã gần 30 năm, việc lưu trữ văn bản ở cấp xã không thể đầy đủ. Điều quan trọng là các nhân chứng, các lão thành cách mạng và đông đảo người dân đều chứng nhận sự việc di dân nói trên.

Ông Hoàng Dụ, lão thành cách mạng hưu trí, nguyên Trưởng thôn năm 1976; ông Hoàng Ngọc Khai, nguyên Ban cán sự thôn năm 1976 khẳng định: Năm 1976, chủ trương của Đảng, Nhà nước di dời dân ở xóm sông lên trên cao, cất bốc mồ mả để có đất sản xuất; bà Hữu được ở trên mảnh vườn hoang hoá có sự can thiệp của chính quyền thôn, xã; hiện ở thôn Hội Yên có rất nhiều hộ như diện bà Hữu.

Ông Hoàng Anh Quyết, nguyên huyện ủy viên, bí thư chi bộ xã Hải Quế thời bấy giờ, nay là Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị xác nhận: "Từ năm 1976 Chi ủy xã Hải Quế có chủ trương di dời mồ mả, dân cư các xóm sông, bờ hói, ngã tư Hội Yên, cồn Đơn Quế len tại làng cũ để giải phóng đất sản xuất...Bà Hữu cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn được ban cán sự bố trí ở tại đất thổ cư của ông Hoàng Ngọc Bách đúng cũng như bao trường hợp khác thực hiện chủ trương của xã... đất đai lúc này khái niệm là của hợp tác xã nên rất đơn giản". Bí thư, Chủ tịch xã Hải Quế cũng xác nhận ý kiến của ông Quyết là đúng sự thực.

Rõ ràng, việc thực hiện di dân vào năm 1976 ở thôn Hội Yên là thực tế khách quan, không thể phủ nhận.

TAND tỉnh Quảng Trị còn “hùng hồn” tuyên bố: “Mặt khác, nếu như có chính sách di dân, việc bà Hữu đầu năm 1976 đến nhà và đất của ông Bách ở là không hợp pháp vì… không được sự đồng ý của gia đình ông Bách”. Đây là điều hết sức phi lý vì vào thời điểm đó, đất bỏ hoang hóa, toàn bộ gia đình ông Bách đã “cao chạy xa bay” vào Nam, biết ở đâu mà đi hỏi ý kiến?              

Tòa gọi quân giải phóng là “giặc”?

Mặt khác, theo đơn kiến nghị của các tổ chức đoàn thể và dòng họ thôn Hội Yên, nguyên nhân khiến gia đình ông Bách chạy vào Nam là do có con là ông Hoàng Ngọc Đức nguyên Quận phó quận Trung Lương (Quảng Trị) của chế độ cũ nên vào năm 1973 đã đem toàn bộ gia đình chạy vào khu định cư Động Đền, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (cũ) để cố thủ. Chi tiết này đã bị hai cấp Tòa “lờ” đi, và thay vào đó bằng từ “chạy giặc” (?!). Cụ thể, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều có nội dung: “Đến năm 1972, gia đình ông Bách chạy giặc vào Đà Nẵng”.

Gia đình ông Bách có con trai là quan chức chế độ cũ (ngụy quyền), do đó, khái niệm “giặc” ở đây không biết quý Tòa huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị dành cho ai? Cách dùng từ “giặc” của hai cấp Tòa đã gây “sốc” đối với người dân.          

Phán quyết của Tòa tạo tiền lệ xấu?

Bản án thiếu khách quan, áp đặt của tòa sơ thẩm huyện Hải Lăng đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Sau khi có bản án sơ thẩm, các tổ chức đoàn thể và dòng họ thôn Hội Yên đã có đơn tập thể với 16 chữ ký kiến nghị TAND tỉnh Quảng Trị xem xét lại bản án, xét xử đảm bảo công bằng, đúng pháp luật.                     

Đơn của các tổ chức đoàn thể và dòng họ thôn Hội Yên kiến nghị TAND tỉnh Quảng Trị xem xét lại bản án, xét xử đảm bảo công bằng, đúng pháp luật. 

Vào năm 2003, khi ông Hoàng Ngọc Thiện viết đơn đòi lại đất, UBND xã Hải Quế và UBND huyện Hải Lăng đã làm việc, thống nhất quan điểm không trả lại đất cho các con ông Bách, vì thời hiệu khiếu nại đã hết và áp dụng theo quy định của Điều 2, Luật Đất đai năm 1993 và Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 với nội dung đã dẫn như trên.

Điều khiến cán bộ và nhân dân ở đây lo ngại chính là việc trả lại đất cho chủ cũ sau mấy chục năm bỏ quê hương trái với Luật Đất đai sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Bởi vì ở xã Hải Quế có rất nhiều trường hợp tương tự như ông Bách, nhiều người đã bỏ xứ đi từ lâu, đất đai đã được chính quyền quy hoạch, cấp lại ổn định cho hộ khác sử dụng, nay nếu họ trở về đòi lại theo “bài” của các hộ con ông Bách, thì hệ lụy sẽ khôn lường.          

Thế nhưng bất chấp tất cả, bằng những “chiêu thức” để “lách luật”, TAND tỉnh Quảng Trị vẫn phán quyết y án như tòa sơ thẩm, gây nên phẫn nộ, bức xúc trong nhân dân.                                      

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Quang, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cho biết, ông sẽ tiếp nhận những phản ánh của báo chí cùng hồ sơ kèm theo để báo cáo lại với Chánh án. Nếu xét thấy có sai sót trong tố tụng thì có thể sẽ phải đề nghị dừng việc thi hành án lại, chờ phiên Giám đốc thẩm.
(Tamnhin) Quang Đại – Hà Vy - Bình Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét