Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Ông Vũ Đình Duy ra nước ngoài: Quy trình kỷ luật nào?

Cập nhật lúc 09:35
(Tin tức thời sự) - Quy trình xử lý cán bộ luôn chặt chẽ. Trường hợp Vũ Đình Duy ra nước ngoài, không biết quy trình này đã được thực hiện đầy đủ chưa?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia chia sẻ với Đất Việt xung quanh việc kỷ luật buộc thôi việc ông Vũ Đình Duy của Bộ Công Thương.
PV: - Việc ông Vũ Đình Duy, nguyên TGĐ PV Tex ra nước ngoài chữa bệnh rồi không liên lạc được vẫn được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt khi dự án PVTex đang thuộc diện phải kiểm tra đặc biệt do đầu tư thua lỗ cả ngàn tỷ. Sau khi Bộ Công thương buộc thôi việc ông Duy theo đúng quy trình, ông Duy không còn nằm trong sự quản lý của Bộ Công Thương. Thưa ông, điều này có đồng nghĩa, không ai còn phải chịu trách nhiệm về việc ông Duy ra nước ngoài và không về hay không? Nếu vậy, phải bình luận như thế nào về cách xử lý đúng quy trình trong trường hợp này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Trường hợp ông Vũ Đình Duy nếu Bộ Công Thương ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc, có nghĩa là Bộ đã xóa tên cán bộ ra khỏi danh sách. Và đương nhiên cũng không thể truy tố ông Duy theo bất cứ cơ chế nào cả.
Trong quy định công chức, viên chức, nếu muốn xử lý cán bộ vi phạm thì trước hết phải có đối tượng. Tức là người đó tự kiểm điểm rồi sau đó cơ quan chủ quản đưa ra Hội đồng gồm nhiều thành phần. Nếu có những tổn thất về mặt tài chính thì phải có sự đánh giá của kiểm toán. Trên cơ sở đó mới quy trách nhiệm và đề xuất các hướng để giải quyết với các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, hạ chức hoặc cho thôi việc.

 Ong Vu Dinh Duy ra nuoc ngoai: Quy trinh ky luat nao?
Nhiều vấn đề được chỉ ra sau việc kỷ luật Vũ Đình Duy

Việc này phải theo quy trình. Ông Duy hiện nay đã bỏ trốn đi ra nước ngoài và Bộ không thể liên lạc được. Bộ Công Thương sau đó đưa ra thông báo đuổi do ông Duy vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý đoàn đi nước ngoài. Trong trường hợp này, tôi không rõ cơ quan nhà nước đã thực hiện đầy đủ tất cả những thủ tục đó hay chưa?
Bản thân tôi thấy rằng, Bộ Công Thương quyết định như vậy là chưa hợp lý, chủ yếu để không muốn chịu trách nhiệm và muốn khép việc này lại khi ông Duy đã đi ra nước ngoài.
Tuy nhiên hiện nay dự án PVTex thời kỳ ông này làm Tổng Giám đốc trước đó đang thuộc diện phải kiểm tra đặc biệt do đầu tư thua lỗ cả ngàn tỷ. Hệ lụy đưa đến mức độ này thì khó có thể truy trách nhiệm cụ thể và cuối cùng tổn thất thì nhà nước và xã hội thì phải chịu.
PV: Từ trường hợp của ông Vũ Đình Duy có thể thấy lỗ hổng nào trong công tác quản lý cán bộ của chúng ta hiện nay, từ việc quản lý cán bộ xuất ngoại, cho đến việc cho buộc thôi việc khi không liên lạc được và không còn chịu trách nhiệm quản lý cán bộ đó nữa? Trong trường hợp của ông Vũ Đình Duy, theo ông, thay vì buộc thôi việc theo đúng quy trình, Bộ Công thương nên có cách hành xử như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Việc xử lý ông Vũ Đình Duy khó vì cơ quan nhà nước chỉ phát hiện sau khi sự việc đã xảy ra.
Nhìn ngược trở lại vấn đề, vừa rồi Bộ Công Thương mới đưa ra 1 quy định mới, đó là tất cả những người cán bộ, công chức thuộc diện quản lý muốn đi nước ngoài, muốn được nghỉ phép thì cơ quan có thẩm quyền phải cho phép. Điều đó cho thấy chúng ta có những lỗ hổng trong quản lý cán bộ, công chức nhà nước.
Vừa qua, các trường hợp bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy thường đi ra nước ngoài theo góc độ công dân. Trong cơ chế mở, hội nhập như hiện nay việc quản lý, giám sát lại càng rất khó.
Để xảy ra điều này là do Luật pháp Việt Nam còn nhiều kẽ hở.
Thứ nhất, chưa có quy định rõ ràng trường hợp khi nào cán bộ không được đi ra nước ngoài, bị hạn chế xuất cảnh.
Thứ hai, thủ tục xuất nhập cảnh cũng khá đơn giản, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Nếu cán bộ viên chức, nhà nước nếu không vi phạm kỷ luật, không bị hạn chế đi lại thì hoàn toàn có quyền đi lại tự do, đi du lịch và có thể làm những công việc khác.
Bây giờ khi người vi phạm kỷ luật đã xuất cảnh rồi thì rất khó có thể tìm. Bởi lẽ mỗi nước có một Luật pháp riêng nên không phải chúng ta dễ gì đến bắt giữ những cán bộ vi phạm bỏ trốn. Trường hợp Vũ Đình Duy khi đã quyết định kỷ luật buộc thôi việc sau này thì khó có thể xử lý trách nhiệm với người vi phạm. Đáng lẽ Bộ Công Thương cần phải thận trọng và xem xét cụ thể hơn.
Ở Việt Nam mọi người thường nhắc đến 12 trường hợp “hạ cánh an toàn”. Tức là khi đương chức có dấu hiệu vơ vét, tham ô tài sản lớn nhưng khi bị phát hiện đã già cả và hi sinh bản thân để con cái, gia đình được hưởng. Và cuối cùng người dân và nhà nước phải chịu trách nhiệm.
Nói rộng ra hơn, việc xử lý cán bộ thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chúng ta đang vướng cả về thể chế, cơ chế và năng lực của bộ máy quản lý.
Thứ nhất, những quy định của chúng ta chung chung, không rõ ràng. Ví dụ: phân công thường vụ tỉnh ủy, Thứ trưởng trở lên là do Ban Tổ chức Trung ương quản lý. Thế nhưng công việc hoạt động lại nằm ở bên chính quyền. Cho nên nhiều việc Trung ương không thể can thiệp cũng như không thể biết được chuyện vi phạm.
Thứ hai, vướng cơ chế về xử lý. Giải quyết 1 vấn đề gì đó rất chậm, tốn nhiều thời gian, tốn kém chi phí. Chúng ta chưa thống nhất vấn đề chính quyền, Đảng với vấn đề các cơ chế quy định.
Thứ ba, trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải thay đổi để cho phù hợp. Nhưng các cơ quan, Ban, ngành dường như chuyển biến không kịp cả về thể chế, cơ chế và ngay cả năng lực của bộ máy quản lý.
PV: Thưa ông, các nước khác có xảy ra tình trạng cán bộ thuộc cơ quan công quyền đi chữa bệnh rồi biến mất tương tự như Việt Nam hay không và họ đã xử lý những vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Theo tôi thấy, các nước cũng xảy ra ít thôi, chỉ cá biệt xảy ra 1 số hiện tượng. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, xử lý cán bộ rất nhiều. Mới đây có trường hợp nữ cán bộ Trung Quốc đã đầu thú sau 13 năm chạy trốn ở Mỹ vì vi phạm kỷ luật.
Sở dĩ Trung Quốc làm tốt vì họ có những quy định rất chặt chẽ và gắn trách nhiệm chặt chẽ của người đứng đầu. Còn chúng ta thì cũng mới bắt đầu xới lên thời gian gần đây khi xuất hiện những trường hợp cán bộ vi phạm bỏ trốn ra nước ngoài.
Ở Trung Quốc cán bộ tham nhũng sẽ xem xét luôn cả trách nhiệm của người thân, con cái, tịch thu tài sản...
Thậm chí họ đưa vào trong Luật quy định rất rõ ràng. Trong Luật cán bộ công chức của Trung Quốc ghi rất rõ, từ cấp quận trở xuống thì không được làm lãnh đạo hoặc cán bộ tại địa phương của mình. Trong khi chúng ta chưa có gì cả. Hầu hết cán bộ đều là người địa phương.
Ngoài ra, Trung Quốc khi đưa 1 người nào đó vào quy hoạch cán bộ thì luôn kèm theo những chế tài buộc anh phải phấn đấu thực sự.
Chúng ta nhiều cái chưa đưa vào luật, vẫn còn kẽ hơn nên không thể xử lý được, để xảy ra nhiều tình trạng khiến dư luận bức xúc.
PV: Tại hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương tháng 12/2016 diễn ra trong 2 ngày (28-29/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, kể cả người tham mưu sai dẫn đến tình trạng 12 nhà máy/dự án nghìn tỷ thua lỗ đang “đắp chiếu” của ngành Công Thương.
Rút kinh nghiệm trường hợp ông Vũ Đình Duy, theo ông, chúng ta nên có ngay những động thái nào để quản lý tốt cán bộ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ, xử nghiêm trách nhiệm của những người liên quan tới các dự án thua lỗ?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Thủ tướng chỉ đạo như vậy là hết sức cần thiết, thể hiện quan điểm rõ ràng của Đảng và Nhà nước. Nhưng từ yêu cầu đó muốn đi vào cuộc sống thì phải thiết lập lại rất nhiều vấn đề từ cơ chế tổ chức, thể chế, cơ chế điều hành quản lý.
Trước hết cần thay thế quy định tập thể, quyết định theo số đông vốn có thể xảy ra nhiều tiêu cực bằng việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu.
Các nước trên thế giới đều giao nhiệm vụ trực tiếp cho người đứng đầu được lựa chọn thuộc cấp, những người làm việc dưới quyền mình. Như tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay đều tự lựa chọn nhân sự. Trong quá trình công tác nếu cán bộ đó làm việc không hiệu quả, có sai trái thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, công tác cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường, dựa trên những tiêu chí như: cung–cầu, cạnh tranh và giá trị. Nếu cần 1 trưởng phòng mà có 5-10 người tham gia thi tuyển, ứng tuyển thì đương nhiên chất lượng sẽ tốt hơn. Phải thiết lập một cơ chế cạnh tranh cho thận trọng và phải công khai hóa ra.
Thực tế hiện nay xã hội vẫn nói đến hiện tượng chạy chức, chạy quyền, cán bộ tại nhiều cơ quan nhà nước không phải do năng lực thực tế mà chủ yếu vẫn do quan hệ.  Vì vậy theo tôi, việc đánh giá cán bộ công chức phải có những cơ quan độc lập, đánh giá xếp hạng công khai. Như thế mới tạo nên những sự thay đổi.
Ngoài ra, với những dự án thua lỗ ngàn tỷ Thủ tướng nêu cần phải rà soát lại thận trọng để có đánh giá và xử lý đúng quy định.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hữu Tri đã chia sẻ với Đất Việt!
Kỷ luật không có tác dụng gì về xã hội
Đó là khẳng định của PGS.TS  Nguyễn Hữu Khiển nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia với Đất Việt về trường hợp kỷ luật ông Vũ Đình Duy.
“Ông Duy không có mặt ở cơ quan thì đương nhiên phải ra kết luận buộc thôi việc. Thậm chí, không cần phải đi nước ngoài, nếu ở Việt Nam mà bỏ việc thì cơ quan chủ quản cũng có thể ra quyết định buộc thôi việc.
Tuy nhiên việc ra quyết định đó không có giá trị gì về mặt xã hội, chỉ là một thủ tục bình thường thôi”, ông Khiển nhấn mạnh.
Từ trường hợp ông Vũ Đình Duy bỏ trốn, vị PGS cho rằng cần phải xem xét lại 2 điểm trong cơ chế dùng người. Đầu tiên ông Duy là người như thế nào mà được cất nhắc, bổ nhiệm. Thứ hai làm sao ông Duy có thể đi nước ngoài trót lọt, không bị phát hiện.
“Cần phải làm rõ việc này”, ông Khiển nói.
Ai chịu trách nhiệm sau khi kỷ luật?
Đánh giá thêm về trường hợp này,  PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định khi ông Duy đã bị buộc kỷ luật thôi việc thì đương nhiên không còn là người của Bộ Công Thương.
“Nhưng những vấn đề liên quan đến trước kỷ luật thì vẫn phải xem xét chịu trách nhiệm. Ông ấy đã đi ra nước ngoài và giờ ai chịu trách nhiệm thì đó lại là một việc khác, không dính dáng gì đến việc buộc thôi việc”, ông Sơn nói.
Theo vị chuyên gia, xử lý cán bộ công chức theo điều 56 có quy định, không ai xử lý buộc thôi việc cán bộ khi chưa xem xét xong các vi phạm chẳng hạn như cán bộ đó có lấy tiền hay không, có làm thất thoát gì không?
“Nếu ông Duy là công dân bình thường thì việc đi lại ra nước ngoài lại là một chuyện khác.
Nhưng ông ấy là một cán bộ công chức nhà nước. Ông Duy xuất cảnh trong điều kiện như vậy thì ai là người chịu trách nhiệm. Phải làm rõ điều này”, ông Sơn nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt) Nguyễn Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét