Ông Vũ Đình Duy ra nước ngoài: Kỷ luật quá nhanh?
Cập nhật lúc 10:20
(Tin tức thời sự)
- Kỷ luật buộc thôi việc là hình thức cao nhất trong xử lý cán bộ. Nhưng
trường hợp đặc biệt như Vũ Đình Duy phải thận trọng, không thể vội.
Đó là khẳng định của ông Bùi Văn Xuyền – ĐBQH tỉnh Thái Bình xung
quanh việc Bộ Công Thương xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Đình Duy.
PV: - Việc ông Vũ Đình Duy, nguyên TGĐ PV Tex ra nước ngoài chữa bệnh rồi
không liên lạc được vẫn được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt khi dự án
PVTex đang thuộc diện phải kiểm tra đặc biệt do đầu tư thua lỗ cả ngàn tỷ.
Sau khi Bộ Công thương buộc thôi việc ông Duy theo đúng quy trình, ông Duy
không còn nằm trong sự quản lý của Bộ Công thương. Thưa ông, điều này có đồng
nghĩa, không ai còn phải chịu trách nhiệm về việc ông Duy ra nước ngoài và
không về hay không? Nếu vậy, phải bình luận như thế nào về cách xử lý đúng
quy trình trong trường hợp này?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: - Kỷ luật buộc thôi việc là biện pháp cao nhất trong công tác xử lý cán
bộ hiện nay. Tuy nhiên đối với trường hợp Vũ Đình Duy dư luận đang rất quan
tâm, nhất là khi dự án PVTex thời kỳ ông này làm Tổng Giám đốc đang thuộc
diện phải kiểm tra đặc biệt do đầu tư thua lỗ cả ngàn tỷ.
Kỷ luật cán bộ căn cứ vào việc bỏ nhiệm sở trong thời gian quy định để
làm căn cứ buộc thôi việc không sai. Thế nhưng trong những trường hợp đặc
biệt như Vũ Đình Duy thì Bộ Công Thương cần phải xem xét lại.
Quan điểm của tôi là không nên xử lý cán bộ sớm. Không nên cứng nhắc
xử lý như thế, để buông hẳn người ta ra ngoài.
Bởi lẽ, tại Việt Nam, nếu sau khi có quyết định buộc thôi việc mà muốn
mời người vi phạm đến làm việc rất khó. Tập đoàn Hóa chất hay Bộ Công
Thương lấy tư cách gì để làm việc với ông Duy?. Chỉ đến khi cơ quan Công an
khởi tố rồi đưa vào vòng tố tụng thì mới có giấy triệu tập.
Về mặt Luật pháp, tôi cho rằng quyết định của Bộ Công Thương có thể
đúng nhưng cần phối hợp xử lý cho đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan, ban
ngành khác để đạt được mục đích đề ra.
Không loại trừ khả năng, bản thân ông Duy cũng đang muốn bị buộc
thôi việc để được tự do ở ngoài. Do đó điều này phải đánh giá lại, không thể
quyết định vội vàng được. Phải có người chịu trách nhiệm về việc cán bộ này
bỏ trốn ra nước ngoài rồi biến mất, chứ không hẳn chỉ buộc thôi việc là xong.
PV: - Từ
trường hợp của ông Vũ Đình Duy có thể thấy lỗ hổng nào trong công tác quản lý
cán bộ của chúng ta hiện nay, từ việc quản lý cán bộ xuất ngoại, cho đến việc
cho buộc thôi việc khi không liên lạc được và không còn chịu trách nhiệm quản
lý cán bộ đó nữa? Trong trường hợp của ông Vũ Đình Duy, theo ông, thay vì
buộc thôi việc theo đúng quy trình, Bộ Công thương nên có cách hành xử như
thế nào?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: - Kinh nghiệm từ những trường hợp cán bộ có dấu hiệu vi phạm rồi
bỏ trốn ra nước ngoài như Trịnh Xuân Thanh,Vũ Đình Duy, rõ ràng cho thấy công
tác quản lý cán bộ của chúng ta có vấn đề, cần phải xem xét lại các quy định
cho chặt chẽ lại.
Với những cán bộ mà cơ quan đang có vấn đề, đang trong quá trình thanh
tra, kiểm tra, hoặc là đang có dấu hiệu vi phạm thì công tác cán bộ phải có
những biện pháp cụ thể, rõ ràng hơn.
Thực tế, việc quản lý cán bộ, công chức nhà nước thời gian qua chưa
được chặt chẽ, nhất là trường hợp cán bộ nghỉ ốm, xin đi nước ngoài chữa bệnh.
Mặc dù cán bộ, công chức xuất cảnh ra nước ngoài thì đã có quy định.
Đầu tiên phải có mục đích, phải có báo cáo và có sự đồng ý của Thủ trưởng cơ
quan có thẩm quyền chứ không thể tự ý đi được. Nhưng nhiều trường hợp chưa
nhận được sự đồng ý vẫn xuất cảnh.
Ở đây chúng ta thiếu quy định những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, cán
bộ báo cáo đi chữa bệnh thì có được hạn chế không? Trong trường hợp nào cơ
quan quản lý nhà nước được hạn chế, yêu cầu cán bộ chưa được đi.
Việc quản lý hộ chiếu của cán bộ công chức nhà nước hay việc đi ra
nước ngoài cũng chưa được chặt chẽ. Trong trường hợp ra nước ngoài, nếu cán
bộ viên chức nhà nước không có vấn đề gì, không bị hạn chế xuất cảnh thì cán
bộ, công chức vẫn có thể tự do xuất cảnh. Vì thế, thời gian qua có ý kiến đề
nghị những lãnh đạo quản lý, cấp cao không được giữ hộ chiếu của riêng mình
mà phải nộp cho cơ quan chủ quản.
Luật Cán bộ Công chức hiện nay đang tiến hành sửa đổi. Bộ Nội vụ cũng
đang xem xét, trình Chính phủ dự án. Tôi nghĩ trong thời gian tới, công tác
cán bộ sẽ được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.
Về trường hợp Vũ Đình Duy, như đã nói ở trên, tôi cho rằng không nên
buộc thôi việc quá sớm. Cần phải chờ đợi kết quả cụ thể và phối hợp với các
cơ quan khác. Đặc biệt, phải có người chịu trách nhiệm về việc cán bộ này bỏ
trốn ra nước ngoài rồi biến mất, chứ không hẳn chỉ buộc thôi việc là xong.
PV: - Thưa
ông, các nước khác có xảy ra tình trạng cán bộ thuộc cơ quan công quyền đi
chữa bệnh rồi biến mất tương tự như Việt Nam hay không và họ đã xử lý những
vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: - Trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay, việc giao lưu quốc tế,
hội nhập, cũng như quyền tự do đi lại cư trú của công dân được mở rộng hơn.
Nên vấn đề cán bộ bỏ trốn ra nước ngoài khi bị phát hiện sai phạm không chỉ
xảy ra ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác.
Gần chúng ta nhất là Trung Quốc. Các quan chức tham nhũng của nước này
cũng ra nước ngoài rất nhiều. Cơ quan phòng chống tham nhũng của Trung Quốc cũng
phải tìm mọi cách bắt trở lại để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ở Trung Quốc bên cạnh việc sử dụng các biện pháp ngoại giao còn có
những nghiệp vụ đặc biệt. Biện pháp ngoại giao có thể hạn chế rất nhiều vì
mỗi nước có một thể chế chính trị và quan điểm khác nhau về tội phạm, vì
thế, họ có thể không hợp tác toàn diện với các quốc gia khác trong
vấn đề pháp luật hay dẫn độ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng những Đội đặc nhiệm hoặc Công an
chìm đi ra nước ngoài. Họ cải trang thành người dân thường hoặc đi du lịch
nhằm mục đích tiếp cận tội phạm của quốc gia mình tại nước sở tại. Tuy nhiên
họ không tiến hành bắt giữ mà sẽ động viên, yêu cầu, vận động các đối tượng
ra đầu thú hoặc trở về nước. Họ đã làm rất hiệu quả thời gian qua. Tôi cho
rằng những biện pháp trên phải tốn nhiều công sức, tiền của cũng như phải đào
tạo được nhân viên có trình độ cao.
Từ kinh nghiệm Trung Quốc, theo tôi các cơ quan có trách nhiệm của
Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công an phải đề xuất với nhà nước những quy định rõ
ràng, cụ thể.
Trước hết là phải tăng cường hợp tác tư pháp, dẫn độ tư pháp đối với
các đối tác nước ngoài để có cơ sở pháp lý dẫn độ hoặc truy bắt tội pháp cũng
như có sự phối hợp của nước sở tại khi Việt Nam có yêu cầu. Hoạt động hợp tác
quốc tế với Interpol thì chúng ta cũng đang làm rồi nhưng cần đẩy mạnh hơn
nữa.
Ngoài ra, đặc biệt là phải hoàn thiện hệ thống luật phát để có những
cơ sở vững chắc trong quản lý cán bộ.
PV: - Tại hội
nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương tháng 12/2016 diễn ra trong 2
ngày (28-29/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lý nghiêm trách
nhiệm của người đứng đầu, kể cả người tham mưu sai dẫn đến tình trạng 12 nhà
máy/dự án nghìn tỷ thua lỗ đang “đắp chiếu” của ngành Công Thương.
Rút kinh nghiệm trường hợp ông Vũ Đình Duy , theo ông, chúng ta nên có
ngay những động thái nào để quản lý tốt cán bộ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của
người đứng đầu chính phủ, xử nghiêm trách nhiệm của những người liên quan tới
các dự án thua lỗ?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: - Thực tế như hiện nay chúng ta thấy rằng có nhiều quy định chung
chung, không rõ ràng. Thường khi doanh nghiệp làm ăn tốt, hoạt động kinh
doanh có lãi thì cá nhân được hưởng lợi. Còn khi gặp phải thua lỗ, nhà nước
phải đứng ra trả nợ thay, những người tổ chức triển khai dự án thì hầu như vô
can.
Để tránh những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và thực
hiện tốt yêu cầu Thủ tướng, tôi cho rằng trước hết các Bộ, ngành liên quan
phải rà soát lại các cơ chế chính sách trong việc giao quản lý các dự án lớn
của nhà nước về đầu tư. Chúng ta cần phải phân định rõ trách nhiệm của từng
cấp, từng ngành, chủ đầu tư cũng như cơ quan chủ quản của các dự án này.
Đặc biệt phải có cơ chế quy định trách nhiệm, công tội rõ ràng. Từ đó
sau khi xảy ra hậu quả mới gắn vào để xem xét, xử lý được.
Nếu giao cho người đứng đầu quản lý dự án, nếu sau 1 thời gian kiểm
tra mà để xảy ra hậu quả thì đương nhiên người đó phải chịu trách nhiệm.
Người tham mưu cũng phải có trách nhiệm liên quan. Ở đây tùy vào mức độ vi
phạm mà có thể đề nghị xử lý trách nhiệm dân sự hay hành chính. Nếu có dấu
hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
thì phải xử lý hình sự, chứ không thể chỉ xử lý hành chính, dân sự.
Đặc biệt, vấn đề giám sát cán bộ cũng như hiệu quả của các dự án, công
trình cần phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn. Khi giao cho ai đó
chịu trách nhiệm quản lý một dự án hay một vấn đề gì đó thì cơ chế của
chúng ta phải theo sát hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Khi có sai phạm phải
phát hiện để xử lý luôn. Nếu để sau 2,3 năm, thậm chí khi những người có
trách nhiệm liên quan nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mới phát hiện thì sẽ
không có nhiều tác dụng.
Đối với cán bộ nghỉ hưu rồi thì xử lý cũng rất khó. Đây cũng đang là
vấn đề được đặt ra trong thời gian qua. Về hưu mà các cơ quan nhà nước mới
phát hiện ra thì việc xử lý về mặt Đảng hay theo Luật công chức, viên chức
cũng không còn nhiều ý nghĩa. Những trường hợp này chỉ có thể xử lý hành
chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm thôi.
PV: -Xin cảm
ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt !
(Theo
Đất Việt) Nguyễn
Hoàn
|
Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét