Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

“Ông thày ăn một, bà cốt ăn hai”, thất thoát sẽ từ đây!


Cập nhật lúc 08:35   

"Ấn tượng nhất đối với tôi lại chính là những phát ngôn, những quy định mới, có thể xem như những mỹ tục mới được đưa ra từ các nhà lãnh đạo đất nước."- nhà thơ Trần Đăng Khoa. 

Không nên dồn hai cái Tết làm một
- Năm mới đây là năm mới Tây, tức là Tết Dương lịch. Tết cổ truyền của ông bà còn gần một tháng nữa. Có người, mà trí thức hẳn hoi nhé, còn đề xuất ta nên dồn hai cái Tết làm một, chỉ đón Tết Dương thôi. Nghĩa là ta đón Tết chung cùng với toàn thế giới. Bỏ Tết Âm. Ông nghĩ thế nào, thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa?
- Tôi thấy không nên. Trước đây, chúng ta làm gì có Tết Dương. Ngày Mồng Một Dương lịch, vẫn học tập, lao động bình thường. Tôi nhớ hồi tôi còn là chàng lính biển, đóng quân ở thành phố Hoa Phượng đỏ Hải Phòng, tự dưng nửa đêm thấy còi hú rầm rĩ. Tất cả các con tàu của nước ngoài đang neo đậu ở bến cảng đều đồng loạt kéo còi. Tôi tưởng có hoả hoạn, nhưng không phải. Đang Giao thừa năm mới. Bạn bè Quốc tế chào đón năm mới.
Thời gian gần đây, chúng ta đón cả Tết Tây cùng cả nhân loại. Chúng ta còn có ngày Tết Ta. Tết Âm. Tết của ông bà, tiên tổ. Đấy là ngày Tết Cổ truyền đã trở thành văn hoá truyền thống. Ấy là chưa kể chúng ta còn có một ngày Tết nữa. Tết Độc Lập. Đó là ngày Quốc khánh Mồng 2 Tháng 9. Tết Độc Lập là cách gọi của cụ Nguyễn Tuân. Như thế càng tuyệt vời chứ sao?
- Tết năm nay, ông thấy sao? Và ấn tượng nhất của năm Con Gà này là gì?
- Tôi thấy vui. Nếu không nói là rất vui. Và ấn tượng nhất đối với tôi lại chính là những phát ngôn, những quy định mới, có thể xem như những Mỹ tục mới được đưa ra từ các nhà Lãnh đạo Đất nước. Khi vừa mới nhận trọng trách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố sẽ xây dựng một Chính phủ trong sạch. Đây là một câu nói cực kỳ ấn tượng đem lại niềm tin cho dân. Vào dịp cuối năm, ông cũng lại nói không chúc tết cấp trên, nên xoá bớt đi những hủ tục rườm rà.
Người dân quả thấy ngỡ ngàng. Không ít người còn nghĩ, đấy chỉ là cách ông lấy lòng dân thôi. Nhưng không. Ông làm thật. Với ông, lời nói phải đi đôi với việc làm. Và trong Hội nghị trực tuyến của Chính Phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần thứ 3 nhắc lại lệnh không chúc tụng, biếu xén quà Tết. Ông còn nói “Mình phải làm gương cho nhân dân và nhất là việc này làm giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra làm dối trá”.
Đúng vậy. Các cụ bảo: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nhiều kẻ có thể lạm dụng ngay cả việc biếu xén cấp trên để cắt rỉa, rút ruột tiền bạc của dân, theo kiểu: “Ông thày ăn một, bà cốt ăn hai”. Và rồi thất thoát sẽ rất lớn. Vì thế, Thủ tướng đã lệnh cấm tặng quà dịp Tết này: “Xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch ở các tỉnh là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội”.
Thủ tướng cũng cảm thông với “nỗi khổ của anh em, cứ Tết là lo lại ngay ngáy, không tới chúc thì băn khoăn, mà đến thì ngay cả việc xếp hàng cũng đã khổ cực, rồi xe vào xe ra chật cả đường. Mình gương mẫu cho nhân dân làm theo là rất cần thiết và như vậy sẽ nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí - nhất là giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra để làm những việc dối trá, rồi phong bì đụng đầu nhau”. Không phải chỉ cấm chuyện biếu xén, ngay cả việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng xuống địa phương cũng phải đơn giản, đoàn xe ngắn hơn, đón tiếp phải thật đơn giản”.
Lại nhớ Cụ Hồ xưa đi “vi hành” xuống cơ sở. Cụ cấm “các chú không được bày vẽ linh đình”. Khi mọi người ngả mâm cơm ra mời Bác thì Bác bảo: “Các chú cứ ăn cơm của các chú, còn Bác, Bác có cơm của Bác đem theo đây rồi”. Và rồi Bác cũng lại ngả bữa ăn của Bác ra: Một nắm cơm độn ngô. Một khúc cá. Mấy quả cà muối. Đúng là bữa ăn của một người nông dân nghèo, là tầng lớp ở dưới đáy xã hội. Những anh lãng phí, xa hoa trông thấy thế sợ khiếp vía. Nhờ Bác sống như vậy, mà chúng ta có được một thời đại Hồ Chí Minh.…
Tiết kiệm là rất cần thiết
- Thật thú vị ông ạ. Ban Bí thư cũng cấm chuyện chúc tụng, biếu xén quà Tết. Và Tết này rất nhiều thành phố còn huỷ bỏ cả việc bắn pháo hoa…
- Tôi cho đó là một việc làm hay. Rất hay. Chắc chắn sẽ được toàn dân ủng hộ. Bởi bắn pháo hoa chỉ ở khu vực thành phố thôi. Mà ngay cả trong khu vực thành phố bắn pháo hoa ấy, có phải nơi nào cũng xem được pháo hoa đâu. Mà bắn pháo hoa thì lại quá tốn kém. Trước cái bụng đói thì pháo hoa là quá xa xỉ. Dùng số tiền tung lên giời đó mà xây trường học cho trẻ em nghèo hay xây bệnh viện cho Dân sẽ thiết thực hơn nhiều. Chúng ta đang rất khó khăn về tài chính. Nợ công đang ở tình trang báo động. Thậm chí, khi xem xét việc nâng lương cho người lao động, chúng ta cũng phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần và cuối cùng, cũng chỉ nâng lương cho một nhóm đối tượng có thu nhập thấp nhất, gặp nhiều khó khăn nhất trong cuộc sống thôi. Vì vậy, việc tiết kiệm là rất cần thiết…
- Ông đang bàn đến việc tiết kiệm. Chủ trương “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” cũng được nói đến nhiều trong các kênh truyền thông. Tuy nhiên, lại có chuyện rất nghịch lý. Chỉ cần nhìn vào việc mua sắm, trang bị xe công cho các cơ quan công quyền là ta thấy ngay. Đây cũng là một mảng tối lãng phí rất đáng báo động…
- Điều ấy thì đâu phải bà nói. Mà lâu rồi, từ ba, bốn năm nay rồi, các đại biểu Quốc hội cũng đã bàn đến. Mà bàn rất riết ráo. Theo các đại biểu Quốc hội nói thì nhiều cán bộ cứ lên chức lên cấp là lại thay xe mới. Có khi xe bảy chỗ chỉ dùng để đưa đón một người. Số tiền dành cho xe công đã lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Nhiều đại biểu còn đưa ra giải pháp khá hay là dùng chế độ khoán trong xe công, như thế sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Ở các nước tiên tiến, các Bộ trưởng, thậm chí đến cả Thủ tướng cũng tự lái xe riêng đi làm. Thậm chí họ còn đi cả xe buýt…
Năm Con Gà 2017 sẽ là một năm khởi sắc
- Năm nay, năm Con Gà 2017 sẽ là một năm khởi sắc! Ông có tin thế không?
- Tin chứ. Rất tin. Thì đấy, ngay từ đầu năm, ta đã thấy có chuyện mới rồi. Mọi năm, cấp dưới chen chúc nhau đến thăm, chúc Tết rồi biếu quà cấp trên. Năm nay thì không. Có khi còn ngược lại. Cấp trên đến thăm cấp dưới, nhất là những người khó khăn, hoạn nạn. Rồi lãnh đạo đến thăm dân, chúc tết dân.
- Chúc Tết Dân?…
- Đúng! Như Bác Hồ trước đây. Năm nào Bác chả đến chúc tết dân, nhất là những người nghèo. Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động. Bác còn đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Nghĩa là Đảng của tất cả mọi người, vì ai mà chẳng là người lao động. Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Mua bằng lương của Bác chứ không phải bằng tiền ngân sách Quốc gia. Vào những dịp tết đến, xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết. Và chuyến thăm thường rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác.
Nghe người ta kể tằng: Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ Hà Nội, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà của chị. Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi về, lại thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình như một ông Tiên: “Trời ơi, Bác…- Chị khóc oà lên - Gia đình cháu khổ lắm…Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu..”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?…”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc. Đó là một trong những cái Tết cuối cùng của Bác trong ký ức của đồng chí Vũ Kỳ. Và bà biết năm đó là năm nào không? Năm 1969. Cũng là một năm Dậu. Kỷ Dậu. Năm Con Gà, cũng như năm nay đấy!
- Xin cám ơn ông!
(Theo VOV.VN) Vũ Song Yến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét